Hệ lụy của giai đoạn phát triển "nóng” đã khiến hàng nghìn ha cam ở huyện Cao Phong buộc phải phá bỏ, nhiều "tay mơ" chịu cảnh thua lỗ, nợ nần. Thế nhưng vẫn còn nhiều chủ vườn đều đặn thu tiền tỷ nhờ cây trồng này. Họ là những người nông dân vắt mồ hôi trộn lẫn công sức, áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm bẵm cho những vườn cam.
Với phương châm sản xuất "Tốt giống - tốt đất - tốt từ tâm", Hợp tác xã 3T Farm Cao Phong đã gặt hái được nhiều thành công.
Yêu thích nghề trồng cam, nhưng vì nhiều lý do, đến cuối năm 2014, chị Thủy 3T - chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) 3T nông sản Cao Phong (3T Farm), thị trấn Cao Phong mới quyết định lập nghiệp với cây cam. Vừa là người trồng cam, vừa là người cung ứng sản phẩm cam Cao Phong ra thị trường, chị Thủy nhận thấy, mặc dù được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, tuy nhiên đầu ra cho sản phẩm cam Cao Phong còn khá hẹp.
Như vậy, nguy cơ được mùa, mất giá luôn hiện hữu. Để sản phẩm cam của Cao Phong có chỗ đứng bền vững trên thị trường, chị thấy cần phải sản xuất an toàn, minh bạch quy trình, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Nghĩ là làm, chị Thủy tập trung thay đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2016, chị đăng ký với Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh thành lập nhóm cây ăn quả có múi an toàn Thanh Thủy. Đến năm 2018, chị đứng ra vận động thành lập HTX 3T nông sản Cao Phong, liên kết các hộ có cùng chí hướng sản xuất cam sạch. Đến nay, 3T Farm có 15 thành viên với 21ha cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện các vườn cam đang cho thu hoạch. Sản lượng hàng năm đạt gần 400 tấn. Với nhiều nỗ lực nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong, sản phẩm cam quả và một số sản phẩm từ cam của 3T Farm như: mứt cam, detox cam, bột cam nguyên chất đã được chứng nhận OCOP 4 sao và chứng nhận ISO 9001. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các thành phố lớn và cửa hàng thực phẩm sạch.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2020, chị Thủy sáng kiến mở thêm dịch vụ du lịch trang trại với dự án "Du lịch trải nghiệm - Cây cam nhà tôi”. Thông qua mô hình du lịch này nhằm quảng bá sản phẩm cam của HTX được sản xuất theo quy trình an toàn để khách hiểu, tin dùng sản phẩm. Vì thế, cho dù thị trường có nhiều biến động, thăng trầm nhưng cam và các sản phẩm từ cam của HTX 3T Farm luôn ở thế "được mùa, được giá”.
Cũng là một người trẻ tâm huyết với việc nâng tầm giá trị thương hiệu cho cam Cao Phong, anh Lê Văn Cương, Giám đốc HTX Hà Phong (thị trấn Cao Phong) đã liên kết các hộ trồng cam để gia tăng nguồn lực, tạo ra giá trị sản phẩm. Hiện vùng cam được anh Cương và những người cộng sự xây dựng đạt tiêu chuẩn VietGAP gần 300 ha, có niên vụ sản lượng đạt hàng nghìn tấn cam. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, HTX Hà Phong đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các nhà hàng, siêu thị lớn tại Thủ đô Hà Nội như: Big C, Hapro và duy trì mối quan hệ đối tác tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố của miền Bắc, gồm: Hải Phòng, Nam Định, Sơn La, Điện Biên, Hà Nam, Phú Thọ.
Với quyết tâm nâng tầm giá trị cho cam Cao Phong, HTX Hà Phong đầu tư máy móc công nghệ hiện đại để sản xuất theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, cùng với cam tươi, HTX Hà Phong lần lượt cho ra đời các sản phẩm chế biến từ cam như: nước cam lên men, tinh dầu, mứt, siro, rượu, xà phòng, tinh dầu treo xe. Cam tươi và các sản phẩm làm từ cam của HTX Hà Phong đã được chắp cánh vươn xa.
Đó là những người trẻ chọn hướng khởi nghiệp từ cây cam. Bằng sự năng động, sáng tạo trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, họ đã sớm trở thành những tỷ phú vùng cam khi tuổi đời còn rất trẻ và tuổi nghề trồng cam thậm chí còn chưa hết 1 chu kỳ.
Không năng động được như giới trẻ, nhưng những người trồng cam kỳ cựu ở huyện Cao Phong như các ông, bà: Đặng Thị Thu, Nguyễn Đức Mạnh, Nguyễn Đức Huy, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Thế Bình, Nguyễn Văn Sơn, Bùi Cảnh Hưng, Phạm Văn Cường ở thị trấn Cao Phong và một số xã lân cận vẫn bền bỉ bám sát định hướng của chính quyền địa phương, tranh thủ sự trợ giúp của các cấp, các ngành hữu quan để phát triển cây cam một cách bền vững. Đầu tư ứng dụng sản xuất an toàn nên chất lượng, giá trị thương hiệu của cam Cao Phong ngày càng được nâng cao. Cam Cao Phong đã có mặt ở các siêu thị lớn như: Big C, VinMart, Metro, BRG..., được lựa chọn là món tráng miệng phục vụ hành khách của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.
Đầu năm 2023, cam Cao Phong chính thức xuất khẩu chuyến đầu tiên sang Vương quốc Anh với tổng khối lượng khoảng 7 tấn. Đó là dấu ấn đặc biệt và cũng là nguồn động viên, khích lệ lớn để người trồng cam Cao Phong tiếp tục phát triển, nhân rộng thêm những khu vườn bạc tỷ. Tiếp tục khẳng định cam Cao Phong là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình.
Do nhiều vườn cam đã hết chu kỳ khai thác nên đến niên vụ 2024 - 2025, huyện Cao Phong chỉ còn 715,21 ha cam, trong đó, 673,8ha đang trong thời kỳ kinh doanh, 41,41ha trong thời kỳ khai thác cơ bản. Năng suất dự kiến đạt 302 tấn/ha, giá cả ổn định, ước tính trong niên vụ này vẫn có hàng trăm hộ gia đình ở huyện Cao Phong thu bạc tỷ từ những vườn cam.
(Còn nữa)
Thúy Hằng - Viết Đào