Hà Nội: phát triển cụm công nghiệp xanh, hiện đại

Hà Nội: phát triển cụm công nghiệp xanh, hiện đại
một ngày trướcBài gốc
Bên cạnh đó, Quy hoạch Thủ đô cũng nêu rõ ưu tiên phát triển các cụm công nghiệp gắn với làng nghề, hình thành không gian văn hóa giới thiệu, quảng bá, kinh doanh sản phẩm, kết hợp phát triển du lịch và các cụm công nghiệp theo hướng sạch, công nghệ cao, sinh thái, tuần hoàn.
Quy hoạch theo tiêu chuẩn xanh
Hiện nay, trên địa bàn huyện Ứng Hòa có 3 cụm công nghiệp được TP phê duyệt đi vào hoạt động. Gồm cụm công nghiệp Bắc Vân Đình, cụm công nghiệp Xà Cầu, cụm công nghiệp Cầu Bầu – xã Quảng Phú Cầu. Mặt khác, trên địa bàn huyện có 21 làng nghề được UBND TP Hà Nội công nhận với các ngành nghề chủ yếu như: giày dép da, dệt may, sơn mài, tre đan, tăm hương, giang đan, guột tế, rèn, khảm trai… Giá trị sản xuất từ các làng nghề chiếm tỷ trọng trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của toàn huyện.
Mô hình quy hoạch cụm công nghiệp Xà Cầu (huyện Ứng Hòa).
Tuy nhiên, do phân bố các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp làng nghề còn đan xen trong các điểm dân cư thôn làng, nên hạn chế việc mở rộng quy mô và gặp nhiều khó khăn về giao thông - vận tải và cung ứng điện, nước, nhất là bảo vệ môi trường. Một số làng có hiện tượng ô nhiễm môi trường, việc xử lý nước thải chưa được thực hiện triệt để.
Vì vậy, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Phòng Quản lý đô thị huyện Ứng Hòa Bùi Anh Văn chia sẻ: “Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp làng, nghề sẽ được gom vào các cụm công nghiệp. Hiện nay, ở Quảng Phú Cầu có 2 cụm đang hoạt động là Cầu Bầu và Xà Cầu. Trong quy hoạch huyện và 2 quy hoạch Thủ đô đều xác định mở rộng 2 cụm công nghiệp này. Cụm Xà Cầu mở rộng 75ha, cụm Cầu Bầu mở rộng 65ha. Mục đích để thu hút tất cả người dân của Quảng Phú Cầu và trong huyện nói chung vào đó làm việc để tránh ô nhiễm môi trường, an toàn PCCC”. Mặt khác, quy hoạch của huyện Ứng Hòa hướng tới mục tiêu phát triển các khu, cụm công nghiệp ”xanh”, làng nghề sáng tạo; có tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ hợp lý, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Được đầu tư mạnh mẽ trong thời gian qua, các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Oai không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động địa phương mà còn được quy hoạch và xây dựng theo những tiêu chuẩn xanh, thân thiện với môi trường.
Đơn cử, cụm công nghiệp Kim Bài (Thanh Oai) quy mô hơn 46ha, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, được quy hoạch thành 100 lô đất công nghiệp, diện tích mỗi lô từ 2.000 - 2.500m2. Đây là một trong các cụm công nghiệp được xây dựng theo tiêu chí xanh, bền vững, đáp ứng những tiêu chí nghiêm ngặt về môi trường.
Giám đốc Dự án cụm công nghiệp Kim Bài (huyện Thanh Oai) Bùi Đình Toàn chia sẻ: “Tỷ lệ cây xanh mặt nước chiếm hơn 11% cụm công nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi thiết kế trạm xử lý nước thải tập chung với công suất 1.500m3/ngày/đêm. Chúng tôi đã thuê đơn vị tư vấn của Nhật Bản thiết kế với công nghệ hiện đại, sau này trạm xử lý nước thải sẽ được quan trắc online. Ưu tiên của chúng tôi là lựa chọn các DN sản xuất vào cụm công nghiệp là DN có công nghệ hiện đại, đảm bảo xanh, sạch, đẹp, thân thiện môi trường”.
Quy hoạch phát triển 71 cụm công nghiệp
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, lãnh đạo huyện luôn chú trọng quy hoạch, triển khai các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện với mục tiêu góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động tại địa phương. Song song đó, lãnh đạo huyện kiên định với lập trường các dự án đầu tư vào huyện phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha, thu hút được khoảng 3.864 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh với gần 80.000 lao động, nộp ngân sách bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.
Thanh Oai không tiếp nhận các loại hình sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, huyện khuyến khích các DN chủ động chuyển đổi từ những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh truyền thống, công nghệ cũ, lạc hậu sang công nghệ mới, thân thiện với môi trường, cũng như chú ý nhiều hơn đến mẫu mã sản phẩm, tính cạnh tranh cao, chất lượng sản phẩm tốt và phát triển bền vững.
Trên địa bàn TP, theo Quy hoạch Thủ đô mới được Thủ tướng phê duyệt, phương án phát triển cụm công nghiệp phục vụ lộ trình di dời các DN, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong khu vực đô thị, khu dân cư, phát triển làng nghề; bảo đảm yêu cầu cụm công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường; ưu tiên phát triển các cụm công nghiệp gắn với làng nghề, hình thành không gian văn hóa giới thiệu, quảng bá, kinh doanh sản phẩm, kết hợp phát triển du lịch và các cụm công nghiệp theo hướng sạch, công nghệ cao, sinh thái, tuần hoàn.
Quy hoạch và phát triển 71 cụm công nghiệp (bao gồm 32 cụm công nghiệp đã thành lập, tiếp tục mở rộng diện tích; 39 cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch thời kỳ 2011 - 2020 được chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2030).
Tiếp tục phát triển mới 54 cụm công nghiệp tiềm năng khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm sử dụng nguồn lực đất đai tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất, gắn liền với bảo vệ môi trường.
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường đạt 100%.
Còn theo điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô việc phát triển cụm công nghiệp, làng nghề theo hướng cụm công nghiệp xanh, hạ tầng hiện đại, thông minh, ứng dụng công nghệ cao, gắn với khu vực có điều kiện hạ tầng thuận lợi.
Chuyển đổi và di dời các khu cụm, làng nghề sản xuất gây ô nhiễm. Kiểm soát chặt các cụm công nghiệp, làng nghề nằm trong vùng hành lang xanh, đảm bảo tiêu chí phát triển mới được hình thành như: phải đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ; ngoài ra phải đáp ứng các yêu cầu khác về nhu cầu, đất đai, vệ sinh môi trường...; đối với việc hình thành các cụm công nghiệp sau giai đoạn 2030 cần được xem xét và soát, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, tỷ lệ lấp đầy theo quy định.
Lại Tấn
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/phat-trien-cum-cong-nghiep-xanh-hien-dai.html