Phát triển Đà Nẵng hội nhập toàn cầu

Phát triển Đà Nẵng hội nhập toàn cầu
3 ngày trướcBài gốc
Ngày 28-3, Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo khoa học "Tiếp nối truyền thống hào hùng - Đà Nẵng vươn mình bước vào kỷ nguyên mới" nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng bộ và 50 năm ngày giải phóng thành phố. Nhiều đại biểu tham dự đã hiến kế cho thành phố nhiều giải pháp để phát triển đột phá trong thời gian tới.
Tạo thương hiệu "thành phố đáng sống"
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, khẳng định trong 95 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đổi mới, sáng tạo vươn lên, từ "chiếc nôi của cách mạng miền Trung" trở thành thành phố động lực, trọng điểm của miền Trung về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội trong thời kỳ xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong giai đoạn 1997-2024, cơ cấu các khu vực kinh tế có sự chuyển dịch dần theo xu hướng tỉ trọng khu vực dịch vụ ngày càng chiếm ưu thế và đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế của thành phố. Nổi bật, khu vực dịch vụ tăng từ 48,21% năm 1997 lên 71,14% năm 2024. Văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ được chú trọng; an sinh xã hội của Đà Nẵng mang đậm tính nhân văn được thể hiện qua nhiều chính sách như chương trình thành phố "5 không", "3 có", "4 an". Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, sau 95 năm thành lập Đảng bộ thành phố và 50 năm từ ngày giải phóng Đà Nẵng, thành phố đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Lãnh đạo thành phố qua nhiều thế hệ luôn có tầm nhìn chiến lược, tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết liệt trong triển khai thực hiện; có chủ trương, chính sách đúng, hợp lòng dân.
Một góc cảnh quan TP Đà Nẵng
Ông Võ Công Trí, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, cho biết sau khi tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính mới từ năm 1997, hai địa phương đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để phát triển và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Theo ông Trí, thời điểm chia tách, thành phố chỉ có gần 100 con đường, với tổng chiều dài chưa đến 300 km. 20 năm sau, Đà Nẵng đã có hơn 2.000 con đường, trong đó nhiều trục cảnh quan xứng tầm đô thị hiện đại, với tổng chiều dài hơn 1.300 km. Các khu vực chức năng của đô thị được quy hoạch, phát triển bài bản, đúng hướng; ranh giới đô thị mở rộng gấp 4 lần, khu vực nội thành từ 5.600 ha được mở rộng lên hơn 21.000 ha. Thành phố đã tiến hành thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai hơn 1.500 dự án, tổng diện tích hơn 17.000 ha; 120.000 hộ dân trên tổng số 200.000 hộ được di dời, giải tỏa để tạo nên những khu phố mới, khu dân cư mới; hơn 110.000 hộ dân được bố trí tái định cư. Quá trình đô thị hóa được đẩy nhanh, chỉ 6 năm sau tách tỉnh, Đà Nẵng đã được công nhận là đô thị loại I.
Cùng với việc triển khai các chính sách an sinh xã hội, TP Đà Nẵng đã chú trọng phân bổ ngân sách triển khai các chương trình xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm; bảo vệ, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử; các thiết chế văn hóa - thể thao... Những điều đó đã tạo nên thương hiệu "Đà Nẵng - thành phố đáng sống".
Cần hệ thống thể chế mới tương xứng
Góp ý tại hội thảo, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng giai đoạn hiện nay, lãnh đạo thành phố cần biết chớp thời cơ với mức độ quyết liệt. Cụ thể, TP Đà Nẵng cần những năng lực phát triển mới, cần hệ thống thể chế mới tương xứng và một hệ điều hành, bộ máy quản trị tài năng. Đà Nẵng phải phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Dịch COVID-19 là bài học để thành phố định vị lại nền kinh tế, không trông chờ vào du lịch mà phải tập trung vào phát triển công nghệ cao, trung tâm tài chính, trung tâm thương mại tự do.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Đảng bộ thành phố xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là cuộc cách mạng có ý nghĩa quyết định trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó là việc kế thừa và phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống hào hùng của đất và con người Quảng Nam - Đà Nẵng trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Người đứng đầu thành phố xác định giai đoạn sắp tới, địa phương sẽ tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và hội nhập toàn cầu. Đồng thời, tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với thu hút nhân tài các chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực, nhất là tài chính, khoa học, trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn, xem đây là quốc sách hàng đầu, giải pháp quan trọng nhằm thay đổi, phát triển Đà Nẵng trong thời đại công nghệ số, đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy cũng định hướng thành phố phát huy, mở rộng hơn nữa các chính sách an sinh xã hội nhân văn hướng tới phục vụ lợi ích của người dân. Thành phố sẽ tiếp tục xây dựng điểm đến an toàn, tin cậy, đáng đến, đáng sống và đáng đầu tư của doanh nghiệp và du khách.
Bắn pháo hoa mừng giải phóng
Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ (28.3.1930 - 28.3.2025) và 50 năm ngày giải phóng (29.3.1975 - 29.3-2025), TP Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động, chương trình chào mừng, nổi bật là lễ kỷ niệm diễn ra tại Cung Thể thao Tiên Sơn vào sáng 29-3; chương trình nghệ thuật đặc biệt (diễn ra tối 29-3 tại Quảng trường 29-3).
Thành phố cũng tổ chức bắn pháo hoa mừng ngày giải phóng vào tối 29-3 tại Công viên châu Á. Dịp này, TP Đà Nẵng chi hơn 54,3 tỉ đồng để tổ chức các hoạt động, sự kiện. Trong đó, dành hơn 20,7 tỉ đồng hỗ trợ các tổ dân phố, thôn, tổ chức ngày hội toàn dân chào mừng 50 năm ngày quê hương giải phóng. Mỗi tổ dân phố được hỗ trợ 7 triệu đồng, mỗi thôn 10 triệu đồng.
Bài và ảnh: BÍCH VÂN
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/phat-trien-da-nang-hoi-nhap-toan-cau-196250328220552943.htm