Phát triển điện hạt nhân: lựa chọn tất yếu cho an ninh năng lượng

Phát triển điện hạt nhân: lựa chọn tất yếu cho an ninh năng lượng
3 giờ trướcBài gốc
Tại phiên bế mạc chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ngay trước đó, Luật Điện lực (sửa đổi) quy định một số chính sách phát triển điện hạt nhân cũng được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hóa chủ trương này.
Trên thế giới, trở lại với điện hạt nhân là lựa chọn của nhiều quốc gia từng muốn giảm bớt và dần loại bỏ việc sử dụng nguồn năng lượng này. Việt Nam kiên định mục tiêu Net Zero vào năm 2050, đồng thời đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới, nên việc tái khởi động dự án điện hạt nhân vừa cần thiết với Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế thế giới.
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Tạ Văn Thưởng - Chuyên gia Viện Năng lượng, Bộ Công Thương về vấn đề này.
Ông đánh giá như nào về những cơ hội phát triển điện hạt nhân của Việt Nam trong thời điểm này?
Chính sách phát triển điện hạt nhân của các quốc gia đang không ngừng thay đổi và thích nghi với tình hình thực tế. Việc lựa chọn con đường phát triển năng lượng hạt nhân là một quyết định phức tạp, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh.
Mỗi quốc gia có những mục tiêu năng lượng khác nhau như đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế - xã hội... Mỹ đang thúc đẩy phát triển các lò phản ứng hạt nhân thế hệ III+ và IV, đồng thời hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ hạt nhân mới.
Pháp có một lịch sử lâu dài trong việc phát triển điện hạt nhân và đang duy trì vai trò quan trọng của năng lượng hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới và phát triển công nghệ hạt nhân nội địa. Nga đang đẩy mạnh xuất khẩu các công nghệ hạt nhân và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới ở trong nước và nước ngoài.
Nhà máy điện hạt nhân Tianwan Unit 8 đang được xây dựng tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc)
Còn đối với Nhật Bản, sau sự cố Fukushima, họ đã tạm dừng các lò phản ứng hạt nhân của mình nhưng gần đây đã có những động thái tái khởi động lại một số lò phản ứng. Nhiều quốc gia khác đang tái đánh giá vai trò của năng lượng hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu giảm phát thải.
Việt Nam đã có kế hoạch phát triển điện hạt nhân từ nhiều năm trước, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có dự án nào được thực hiện thành công. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn quan trọng trong việc phát triển chương trình năng lượng hạt nhân. Trong thời gian qua, chúng ta đã có những động thái tích cực để quay trở lại tiếp tục phát triển lĩnh vực điện hạt nhân, trước mắt là đối với dự án nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Có thể điểm qua nhanh một số cột mốc sau:
Ngày 25/11/2024, theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, liên quan chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
Ngày 30/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.
Ngày 5/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã thăm, làm việc với Tỉnh ủy Ninh Thuận về kinh tế, xã hội và phát triển dự án điện hạt nhân.
Với xu hướng toàn cầu ngày càng chú trọng đến năng lượng hạt nhân như một giải pháp bền vững và ổn định (điện hạt nhân hiện được coi là một nguồn năng lượng sạch gần như không phát thải khí nhà kính), Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để phát triển ngành năng lượng hạt nhân của riêng mình, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để thành công, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân dài hạn, rõ ràng và phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước.
việc phát triển điện hạt nhân không chỉ giúp bổ sung nguồn điện nền, mà còn giảm thiểu rủi ro về môi trường
Theo ông, việc áp dụng công nghệ khi triển khai điện hạt nhân của các nước trên thế giới hiện nay, Việt Nam nên tính toán thế nào?
Trong phát triển điện hạt nhân, vấn đề an toàn cần đặt lên hàng đầu, hướng tới mục tiêu rủi ro bằng 0. Trên thế giới, các quốc gia thường tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất có thể thông qua các biện pháp kỹ thuật, quản lý và pháp lý, trong đó việc nâng cao văn hóa an toàn được đặt lên hàng đầu.
Việc lựa chọn công nghệ, đảm bảo an toàn, xử lý chất thải, xây dựng niềm tin của công chúng và hợp tác quốc tế là những yếu tố quyết định thành công của một dự án điện hạt nhân. Cụ thể:
Về công nghệ hạt nhân, Việt Nam nên ưu tiên lựa chọn các công nghệ hạt nhân thế hệ mới (đã qua kiểm chứng), có tính năng an toàn cao và hiệu quả kinh tế. Cần lựa chọn các nhà cung cấp công nghệ có uy tín, kinh nghiệm và cam kết cao về an toàn. Việt Nam cũng cần theo dõi sát sao các tiến bộ công nghệ, liên tục cập nhật thông tin về các công nghệ hạt nhân mới để đưa ra những quyết định đầu tư, cập nhật quy hoạch phù hợp cho chương trình phát triển lĩnh vực điện hạt nhân dài hạn của đất nước.
Về an toàn hạt nhân, an toàn hạt nhân phải là ưu tiên số một trong mọi giai đoạn của dự án, từ thiết kế, xây dựng đến vận hành và xử lý chất thải. Việt Nam cần xây dựng một hệ thống giám sát và quản lý an toàn hạt nhân chặt chẽ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; cũng như đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về an toàn hạt nhân.
Vấn đề chất thải hạt nhân, Việt Nam cần đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng để xử lý và lưu trữ chất thải hạt nhân một cách an toàn và lâu dài; theo dõi và nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải hạt nhân tiên tiến mà các nước trên thế giới đã áp dụng để tìm ra giải pháp tối ưu.
Về pháp lý, cần xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về năng lượng hạt nhân, đảm bảo tính minh bạch, công khai và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Trước mắt, chúng ta cần sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử (2008) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ mục tiêu phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố an ninh quốc gia trong tình hình mới. Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế, chúng ta cần thành lập một cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân chuyên nghiệp, có thẩm quyền và độc lập để quản lý và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân một cách an toàn và hiệu quả.
Về công tác thông tin tuyên truyền, cần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về các dự án điện hạt nhân; tổ chức các cuộc đối thoại để lắng nghe ý kiến của người dân và giải đáp kịp thời, đầy đủ các thắc mắc.
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam cần nhanh chóng tiến hành các công việc để tiếp tục, thúc đẩy hơn nữa hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân để tiếp cận các công nghệ tiên tiến và đào tạo nhân lực. Việc chúng ta phát triển điện hạt nhân một cách an toàn và bền vững chắc chắn sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng quốc tế.
Chúng ta cũng cần tham gia nhiều hơn nữa vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế về năng lượng hạt nhân để cập nhật thông tin và chia sẻ các kinh nghiệm mới nhất về công nghệ, an toàn hạt nhân hay xử lý, ứng phó các sự cố bức xạ,...
Công tác an toàn trong nhà máy điện hạt nhân luôn được đặt lên hàng đầu
Việc khởi động lại những dự án điện hạt nhân sẽ có tác động như nào đến nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng cũng như mục tiêu Net Zero mà Việt Nam đã cam kết, thưa ông?
Việc khởi động lại các dự án điện hạt nhân tại Việt Nam (trước mắt là đối với Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận) hứa hẹn mang đến những tác động sâu rộng và đa chiều, không chỉ đối với lĩnh vực năng lượng mà còn đến nền kinh tế, xã hội và môi trường của đất nước.
Về phát triển kinh tế, việc phát triển điện hạt nhân sẽ thu hút các nguồn vốn đầu tư lớn từ nước ngoài, mang lại nguồn vốn lớn cho nền kinh tế; tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao (từ giai đoạn xây dựng đến vận hành và bảo trì) và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp liên quan.
Điều này có tác động bao trùm và lan tỏa đến nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội, góp phần tạo ra những ngành công nghiệp mới cho đất nước, những việc làm và dịch vụ mới,...; kích thích tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến xây dựng, công nghiệp nặng và dịch vụ. Hơn nữa, Việt Nam có thể tiếp cận và từng bước làm chủ các công nghệ hạt nhân hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước trên trường quốc tế.
Về bảo đảm an ninh năng lượng, do Việt Nam có nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nên để theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng của đất nước, việc phát triển điện hạt nhân sẽ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu, tăng cường an ninh năng lượng quốc gia. Điện hạt nhân cung cấp một nguồn năng lượng ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố biến động của thị trường như giá nhiên liệu hóa thạch, và tình hình địa chính trị quốc tế.
Về bảo vệ môi trường, bảo đảm mục tiêu Net Zero, so với các nhà máy nhiệt điện than, nhà máy điện hạt nhân không phát thải khí nhà kính trực tiếp trong quá trình vận hành, do đó góp phần quan trọng vào mục tiêu bảo vệ môi trường sống, giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Việc kết hợp điện hạt nhân với các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo khác (như gió, mặt trời) sẽ giúp Việt Nam có một cơ cấu năng lượng đa dạng, sạch và bền vững, qua đó bảo đảm mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với thế giới tại COP26.
Để tận dụng tối đa các cơ hội và vượt qua các thách thức, chúng ta cần nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ hạt nhân trong nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật về năng lượng hạt nhân, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả; đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ sư có trình độ chuyên môn cao về năng lượng hạt nhân; tìm kiếm sự hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm; và tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về năng lượng hạt nhân, giải đáp các thắc mắc và lo ngại của người dân.
Xin cảm ơn ông!
Nguyên Thảo
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/phat-trien-dien-hat-nhan-lua-chon-tat-yeu-cho-an-ninh-nang-luong-363904.html