Phát triển điện hạt nhân sẽ giải bài toán an ninh năng lượng, phát triển bền vững

Phát triển điện hạt nhân sẽ giải bài toán an ninh năng lượng, phát triển bền vững
11 giờ trướcBài gốc
Mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Tờ trình số 811/TTr-CP của Chính phủ.
Trước khi chủ trương được Quốc hội thông qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về việc tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, hiện nay điện hạt nhân ngày càng được nhiều nước quan tâm và tiếp tục phát triển trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng.
Ở Việt Nam, phát triển nguồn điện hạt nhân mang lại nhiều tác dụng như đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Đáp ứng nhiệm vụ kép vừa cung cấp điện nền, vừa bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất điện trung bình của điện hạt nhân có thể cạnh tranh được với các nguồn truyền thống khác. Phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân.
Điện hạt nhân có lợi thế là nguồn điện xanh và bền vững. Ảnh minh họa
Bảo đảm an ninh năng lượng cho sự phát triển trong tương lai
Thực tế hiện nay, trong quá trình phát triển, Việt Nam đang đối mặt với nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng, dự kiến tổng công suất hệ thống điện sẽ cần bổ sung khoảng 70 GW vào năm 2030 và từ 400-500 GW vào năm 2050.
Trong khi đó, các nguồn năng lượng truyền thống như than đá và thủy điện đã hạn chế về cả trữ lượng và có những tác động môi trường. Năng lượng tái tạo, dù phát triển mạnh mẽ, vẫn chưa đủ để đáp ứng một cách ổn định và lâu dài cho nền kinh tế đang phát triển nhanh.
Trước thực tế đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào sáng ngày 25/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Chúng ta nhìn thấy trước mắt là tình trạng thiếu hụt năng lượng ngay cả khi đã triển khai Quy hoạch điện VIII, vì vậy việc tái khởi động nghiên cứu sử dụng vấn đề điện hạt nhân hiện nay là rất cần thiết để chuẩn bị cho tương lai".
Phát biểu này của Tổng Bí thư thể hiện sự nhất quán trong chính sách năng lượng của Đảng và Nhà nước, đồng thời mở ra cơ hội để đánh giá tiềm năng các dự án đã từng bị tạm dừng.
Điện hạt nhân, đã được chứng minh là nguồn cung cấp điện nền ổn định và chi phí sản xuất cạnh tranh, sẽ là giải pháp hợp lý để đa dạng hóa nguồn cung cấp điện và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Thực tế, các quốc gia phát triển đều đã và đang gia tăng tỉ trọng năng lượng hạt nhân trong cơ cấu điện năng của mình để đối phó với các thách thức tương tự.
Tại Mỹ, vào giữa tháng 11 vừa qua, Nhà Trắng đã công bố lộ trình chi tiết về cách thức nước này sẽ tăng gấp 3 lần công suất điện hạt nhân vào năm 2050. Dự kiến, 200 gigawatt điện hạt nhân sẽ được bổ sung vào giữa thế kỷ này, thông qua việc xây dựng các lò phản ứng mới, khởi động lại các nhà máy cũ, và nâng cấp các cơ sở hiện có.
Chiến lược này có thể tiếp tục giành được sự ủng hộ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã kêu gọi xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới trong chiến dịch tranh cử như một cách để cung cấp điện cho các trung tâm dữ liệu và nhà máy đang thiếu năng lượng. Việc phục hưng ngành công nghiệp điện hạt nhân trước đó cũng đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ.
Các doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm xử lý dữ liệu cho trí tuệ nhân tạo, cũng đang hướng tới điện hạt nhân như một giải pháp hiệu quả và ổn định. Microsoft hồi tháng 9 đã đạt được thỏa thuận đảm bảo nguồn cung điện từ nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island được khôi phục ở Pennsylvania, trong khi Google, Amazon đều nằm trong số những công ty gần đây đã bày tỏ mối quan tâm mới đối với việc phát triển năng lượng nguyên tử.
Bên cạnh đó, vừa qua, Washington đã bày tỏ ý định cung cấp khoản vay 979 triệu đô la Mỹ cho một dự án ở Ba Lan, nhằm xây dựng ba lò phản ứng hạt nhân mới do Westinghouse – một công ty của Mỹ thiết kế.
Theo Jake Levine, Giám đốc cấp cao về khí hậu và năng lượng tại Nhà Trắng, Chính phủ Mỹ rất quan tâm đến việc mở rộng việc sử dụng năng lượng hạt nhân ở Đông Âu để giúp các quốc gia tránh phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Ông cho biết năng lượng hạt nhân mang lại “giá trị an ninh năng lượng rõ ràng cho nhiều đối tác và đồng minh của chúng tôi”.
Một đồng minh của Mỹ ở Đông Âu là Rumani, hiện đã nhận được một phần năm lượng điện từ hai lò phản ứng hạt nhân lớn. Hiện quốc gia này đang đàm phán với các quốc gia phương Tây về việc khôi phục hai lò phản ứng khác đã được xây dựng một phần cũng tại địa điểm kể trên nhưng chưa bao giờ hoàn thành.
Cùng lúc đó, một công ty khởi nghiệp của Mỹ là NuScale đang có kế hoạch xây dựng sáu lò phản ứng cỡ nhỏ hơn ở Rumani, với sự hỗ trợ từ khoản vay của Chính phủ Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho một thế hệ mới các lò phản ứng quy mô nhỏ hơn, có thể dễ dàng hơn so với các lò phản ứng truyền thống quy mô lớn, mặc dù công nghệ này vẫn chưa hoàn thiện.
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, khi mà an ninh năng lượng đang đặt ra những thách thức cho sự phát triển thì việc Việt Nam tái khởi động chương trình điện hạt nhân không chỉ phù hợp với xu thế mà còn khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng công nghiệp năng lượng toàn cầu, tạo đà cho sự phát triển về sau.
Hiện thực hóa các cam kết khí hậu
Tính đến cuối tháng 8, trên thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành, với tổng công suất lắp đặt 373.735 MWe và 62 lò đang được xây dựng với tổng công suất khoảng 64.971 MWe.
Bên cạnh 32 nước đang sở hữu và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.
Ở hội nghị về khí hậu COP28 diễn ra hồi năm ngoái ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, lần đầu tiên 22 quốc gia đã cam kết tăng gấp 3 lần công suất năng lượng hạt nhân trên thế giới vào giữa thế kỷ này để giúp hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu. Và tại hội nghị thượng đỉnh COP29 năm nay ở Azerbaijan, thêm sáu quốc gia khác đã ký cam kết.
Danh sách các quốc gia cam kết xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới nhằm sản xuất điện khá đa dạng, bao gồm từ những quốc gia đã ứng dụng công nghệ này từ lâu như Canada, Pháp, Hàn Quốc và Mỹ, cho tới những quốc gia hiện không có bất kỳ năng lực hạt nhân nào, như Kenya, Mông Cổ và Nigeria.
Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân giai đoạn tới là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, trung hòa carbon đã cam kết tại COP 26.
Theo ông Nguyễn Thái Sơn, chuyên gia Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, điện hạt nhân là nguồn không phát thải khí nhà kính trong quá trình vận hành. Thế giới đã công nhận đây là nguồn năng lượng sạch. Thời gian qua, cả nước đã “phát triển nóng” về năng lượng tái tạo với tỷ lệ công suất trong hệ thống điện chiếm tới 26%. Tuy nhiên, điện năng chỉ chiếm khoảng hơn 12%. Nguồn điện tái tạo vừa qua cũng cho thấy sự khó khăn trong vận hành hệ thống điện, truyền tải do tính bất ổn.
Bên cạnh đó, yêu cầu về giảm phát thải trong khi tăng trưởng điện ở mức cao đặt ra những thách thức trong việc tìm ra nguồn điện lớn, ổn định. Vì vậy, việc trở lại nghiên cứu khởi động điện hạt nhân đang là ưu tiên do đảm bảo được dòng điện liên tục, không phụ thuộc thời tiết như các loại hình thủy điện, nhiệt điện hay năng lượng tái tạo. Việc song hành của điện hạt nhân với điện năng lượng tái tạo là định hướng nổi bật để đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam trong các năm tới.
So sánh với các nguồn năng lượng tái tạo hiện nay, năng lượng hạt nhân được các nhà nghiên cứu đánh giá là sạch nhất, khi sản xuất điện, một nhà máy điện hạt nhân hầu như không tạo ra khí thải carbon và do đó có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang một tương lai năng lượng phát thải thấp.
Đầu năm 2024, năng lượng hạt nhân đã được Ủy ban Châu Âu xếp vào nhóm nguồn năng lượng xanh trong hệ thống phân loại và thiết lập danh sách các hoạt động kinh tế bền vững với môi trường cho ngành này.
Bên cạnh đó, từ góc nhìn sức khỏe cộng đồng, năng lượng hạt nhân cũng an toàn hơn so với việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Số liệu thống kê cho thấy, than và dầu là nguyên nhân gây ra 20% số ca tử vong trên thế giới. Nhiên liệu hóa thạch mới là kẻ sát nhân vô hình trên hành tinh này. Chỉ tính riêng trong năm 2018, số ca chết vì nhiên liệu hóa thạch đã lên tới 8,7 triệu người. Trong khi đó, trong suốt 7 thập kỷ tồn tại và phát triển, năng lượng hạt nhân mới chỉ có 3 vụ tai nạn gây chấn động thế giới, đó là: thảm họa Three Mile, Mỹ năm 1979; Chernobyl, Liên Xô cũ năm 1986 và Fukushima, Nhật Bản năm 2011. Tuy nhiên, trong số 3 thảm họa này chỉ có duy nhất thảm họa Chernobyl, nay thuộc Ukraina có trường hợp tử vong.
Về năng suất vận hành, năng lượng hạt nhân cũng vượt xa so với các nguồn năng lượng tái tạo khác. Theo thống kê của Văn phòng Năng lượng Hạt nhân Mỹ, ngành này có hệ số công suất cao nhất với khả năng vận hành 2 năm mới phải tiếp nhiên liệu và công suất tối đa đạt hơn 93% trong năm. Hơn thế, các nhà máy năng lượng hạt nhân cũng ít đòi hỏi bảo trì. Vì những ưu điểm này, năng lượng hạt nhân được đánh giá cao hơn so với năng lượng mặt trời và gió.
H.A
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/phat-trien-dien-hat-nhan-se-giai-bai-toan-an-ninh-nang-luong-phat-trien-ben-vung-95281.html