Phát triển du lịch khi sáp nhập tỉnh, thành

Phát triển du lịch khi sáp nhập tỉnh, thành
6 giờ trướcBài gốc
Cùng với đó, việc sáp nhập các địa phương sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế mới rộng lớn hơn, trong đó có ngành Du lịch. Trên thực tế, du lịch Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp không nhỏ vào GDP quốc gia trong những năm gần đây. Sau khi sáp nhập, các địa phương mới sẽ phải điều chỉnh chiến lược du lịch riêng biệt của mỗi tỉnh, thành trước đây cho phù hợp với tình hình mới.
Với doanh nghiệp, ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt chỉ ra, khi tên địa danh thay đổi, việc quảng bá du lịch có thể gặp khó khăn, nhất là những điểm đến gắn liền với văn hóa, lịch sử và ẩm thực địa phương. Điều này khiến các doanh nghiệp lữ hành cần sớm điều chỉnh lại chương trình tour, sản phẩm du lịch và kế hoạch làm việc với đối tác.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, ngành Du lịch phải đối mặt với một khó khăn nữa là sự khác biệt rõ rệt về địa hình, khí hậu và sản phẩm du lịch. Đơn cử như Lâm Đồng nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, cảnh quan núi rừng, sáp nhập với Bình Thuận là vùng khí hậu khô nóng, mạnh về du lịch biển. Sự trái ngược này sẽ đặt ra những thách thức trong quản lý, quảng bá thương hiệu chung và phát triển du lịch đồng bộ.
Nhiều cơ hội và thách thức cho du lịch khi thay đổi đơn vị hành chính
Cùng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, thạc sĩ nghiên cứu chính sách công Trường đại học Fulbright từng đưa ra nhận định, một trong những vấn đề nảy sinh trong quá trình sáp nhập là tên các địa danh có giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch bị thay đổi hoặc không còn trên bản đồ hành chính. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản sắc địa phương mà còn tác động đến nhận diện thương hiệu du lịch và tâm lý người dân.
Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại tên địa danh du lịch khi sáp nhập gồm giá trị lịch sử và bản sắc địa phương gắn với tên gọi cũ sẽ dần bị lãng quên, nhất là đối với thế hệ sau. Bên cạnh đó ngành Du lịch có thể chịu tác động khi các địa danh bị thay đổi về mặt tên gọi có thể tác động đến tâm lý và nhận diện của du khách. Cần phải thấy rằng, tên đơn vị hành chính không chỉ là tên gọi mà còn là thương hiệu du lịch thu hút khách trong và ngoài nước. Nếu những tên gọi đã quen thuộc không còn hoặc bị thay đổi, du khách gặp khó khi tìm kiếm thông tin các địa danh quen thuộc.
Bên cạnh những lo lắng, cũng có những quan điểm bày tỏ sự lạc quan, cho rằng ngành Du lịch sẽ đón nhận những cơ hội, khai phá được tiềm năng phát triển mới sau đợt sáp nhập đơn vị hành chính này. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ thúc đẩy các tour du lịch liên vùng mà còn tạo điều kiện để đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên, Phó Chi hội trưởng Chi hội lữ hành Khánh Hòa tin rằng, việc sáp nhập các địa phương sẽ góp phần phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế vùng, thay vì phải mất thời gian phối hợp giữa từng tỉnh riêng lẻ như trước kia, thủ tục hành chính cũng trở nên thuận lợi hơn. Khi phát triển sản phẩm, nhờ quy mô rộng lớn hơn sau khi sáp nhập, các địa phương sẽ có điều kiện phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú hơn.
Liên quan đến vấn đề thương hiệu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị các địa phương giữ nguyên tên gọi các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia, cấp tỉnh/thành phố, khu du lịch quốc gia. Bộ cũng yêu cầu cập nhật địa danh gắn với khu du lịch theo đơn vị hành chính mới điều chỉnh, tên gọi, địa danh, địa chỉ mới của các tổ chức, ban quản lý khu du lịch liên quan trực tiếp. Các nhà chuyên môn đánh giá, đây rõ ràng là một thuận lợi với ngành Du lịch khi các thương hiệu du lịch nổi tiếng lâu đời vẫn được giữ nguyên, không gây xáo trộn cho ngành Du lịch và du khách.
Đề xuất các giải pháp, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, sắp xếp, sáp nhập đồng nghĩa với việc các địa phương phải thiết kế lại bản đồ du lịch và chiến lược truyền thông. Đây là thời điểm then chốt để tái cơ cấu làm lại từ tuyến tour, hệ thống hạ tầng, nội dung quảng bá, đến đào tạo nhân sự phục vụ mô hình liên vùng. Đại diện Hiệp hội Du lịch Hà Nội cũng nhấn mạnh, cần làm bộ bản đồ du lịch tỉnh mới càng sớm càng tốt. Phải có thông tin rõ ràng, trực quan về các tour liên vùng, các sản phẩm mới để hướng dẫn du khách và doanh nghiệp.
Hồng Sơn
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/phat-trien-du-lich-khi-sap-nhap-tinh-thanh-166697.html