Phát triển du lịch trang trại: Xu hướng bền vững trong ngành du lịch

Phát triển du lịch trang trại: Xu hướng bền vững trong ngành du lịch
4 giờ trướcBài gốc
Trong những năm gần đây, mô hình kinh tế trang trại kết hợp với du lịch sinh thái, hay còn gọi là du lịch sinh thái nông nghiệp, đã nổi lên như một xu hướng mới trong ngành du lịch bền vững.
Theo TS. Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Truyền thông quốc tế, loại hình này đã giúp nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai lĩnh vực.
Xu hướng toàn cầu và tiềm năng phát triển tại Việt Nam
Trên thế giới, nhiều quốc gia như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan đã thành công trong việc kết hợp nông nghiệp truyền thống với du lịch sinh thái, từ đó thu hút khách du lịch và tăng doanh thu từ các sản phẩm nông nghiệp.
Tại Việt Nam, du lịch nông nghiệp được coi là hướng phát triển tiềm năng khi phần lớn dân số sống ở khu vực nông thôn, nơi có cảnh quan tươi đẹp và văn hóa truyền thống phong phú.
Theo ông Hồ Minh Sơn, Việt Nam với gần 65,6% dân số sống ở nông thôn, sở hữu nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa, là điểm đến lý tưởng cho du lịch nông nghiệp. Đặc biệt, du khách đang có xu hướng lựa chọn các vùng nông thôn để trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp và văn hóa bản địa.
ThS.LS Đặng Thị Ngọc Hạnh, Trưởng Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng khẳng định rằng, khu vực nông thôn Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, góp phần đa dạng hóa ngành nghề và tăng giá trị kinh tế nông thôn.
Tại TP.HCM, nhiều khu vực đã và đang phát triển các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp, trong đó nổi bật là TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh và huyện Cần Giờ. Các mô hình du lịch này cho phép du khách tham quan các trang trại nông nghiệp công nghệ cao, hái và thưởng thức trái cây ngay tại vườn, đồng thời mua về những sản phẩm nông sản an toàn và chất lượng.
Tại TP Thủ Đức, mô hình du lịch xanh đang ngày càng phát triển, trong đó nổi bật là Suối Tiên Farm với vườn sung Mỹ – một điểm đến độc đáo. Du khách khi tới đây có thể trực tiếp tham quan, hái và thưởng thức trái sung Mỹ tại vườn mà không cần phải đến các quốc gia nổi tiếng về loại quả này như Ý, Tây Ban Nha, Úc hay Mỹ. Đây là một trải nghiệm thú vị và độc đáo, mang lại cho du khách cảm giác mới lạ ngay giữa lòng Sài Gòn.
Một ví dụ điển hình của du lịch nông nghiệp kết hợp cộng đồng là mô hình du lịch tại ấp đảo Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Mô hình này, được triển khai từ cuối năm 2022, đã thu hút khoảng 4.500 lượt khách. Du khách đến đây có cơ hội tham gia vào các hoạt động như “tắm rừng,” đua bạch tuộc, tìm hiểu quy trình làm muối và thưởng thức các đặc sản địa phương. Đây là một cách tuyệt vời để khám phá nét đẹp văn hóa và cuộc sống của người dân vùng đảo.
Huyện Bình Chánh cũng là một điểm sáng trong phát triển du lịch nông nghiệp. Các mô hình tiêu biểu có thể kể đến như trồng dưa Huỳnh Long, làng Mai Vàng Bình Lợi và mô hình nuôi cá Koi trong ao đất. Những địa điểm này được giới thiệu trong hành trình "Bình Chánh những điều chưa kể," mang đến cho du khách cái nhìn toàn diện về sự phong phú của vùng đất này.
Theo đại diện UBND huyện Bình Chánh, địa phương còn sở hữu 20 tài nguyên có tiềm năng khai thác du lịch, bao gồm các điểm đến văn hóa, lịch sử và sinh thái. Điều này mở ra cơ hội phát triển du lịch đa dạng và bền vững cho huyện.
Cơ hội và thách thức cho du lịch trang trại tại Việt Nam
Tại Việt Nam, nhiều địa phương như Lâm Đồng, Đồng Nai, Đà Lạt và vùng Tây Bắc đã phát triển các mô hình du lịch trang trại kết hợp với nông sản đặc trưng như chè, cà phê và các loại trái cây nhiệt đới. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch này vẫn gặp nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, quy hoạch và chính sách hỗ trợ.
Theo GS.TS Bùi Quang Hải, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, công tác quy hoạch và phát triển du lịch nông nghiệp ở nhiều địa phương chưa hoàn thiện. Các dịch vụ du lịch nông nghiệp thường do các hộ gia đình tự cung cấp, chưa chuyên nghiệp và thiếu sự ổn định.
Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp bảo tồn các giá trị văn hóa nông thôn và bảo vệ môi trường.
Để thúc đẩy mô hình này, các chuyên gia khuyến nghị cần có những chính sách đột phá về quy hoạch đất đai, hạ tầng và hỗ trợ pháp lý. Đồng thời, cần tận dụng nguồn lực địa phương và phát triển các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường.
Việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và cung cấp hỗ trợ từ phía nhà nước sẽ giúp loại hình du lịch này phát triển bền vững, đồng thời mang lại những giá trị lâu dài cho cả ngành nông nghiệp và du lịch Việt Nam.
Hàn Mai
Nguồn Du lịch TP.HCM : https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/phat-trien-du-lich-trang-trai-xu-huong-ben-vung-trong-nganh-du-lich-c17a82813.html