Phát triển du lịch trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La

Phát triển du lịch trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La
một ngày trướcBài gốc
Đảo Trái Tim trên lòng hồ Thủy điện Sơn La.
Ngày 27/12/2024, tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Sơn La phối hợp với Câu lạc bộ lữ hành UNESCO tổ chức tọa đàm “Xây dựng sản phẩm, khu, điểm du lịch trên địa bàn các huyện: Thuận Châu, Quỳnh Nhai”.
Trước đó, trong các ngày 25-26/12, đại diện của hơn 50 doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ du lịch đã tham gia Chương trình Famtrip “khảo sát, giới thiệu điểm đến, kết nối các tuor, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La”.
PHẤN ĐẤU ĐƯA LÒNG HỒ THỦY ĐIỆN SƠN LA THÀNH KHU DU LỊCH QUỐC GIA
Ông Nghiêm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Sơn La, cho biết định hướng phát triển ngành dịch vụ trong quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nêu rõ: Phát triển ngành du lịch tỉnh thành ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn, là điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc, cả nước và quốc tế.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Chu Khôi.
Trong quy hoạch 4 không gian kinh tế, tỉnh Sơn La cũng xác định về tiềm năng, lợi thế tại vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận (Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu), vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà (Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên), vùng cao biên giới (Sông Mã, Sốp Cộp) tạo thuận lợi cho phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng... Đặc biệt, Sơn La đang phấn đấu mục tiêu đến năm 2030 đưa vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La ở huyện Quỳnh Nhai trở thành Khu du lịch cấp quốc gia thứ hai của tỉnh Sơn La, sau Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
"Quy hoạch sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để du lịch Sơn La phấn đấu đạt được mục tiêu đón 5,2 triệu lượt khách, doanh thu 5.800 tỷ đồng vào năm 2025 và đạt mức tăng trưởng về doanh thu từ dịch vụ du lịch từ 20 - 30%/năm vào giai đoạn 2025-2030".
Ông Hoàng Chí Thức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La.
Theo ông Tuấn, tại huyện Thuận Châu, cũng quy hoạch chi tiết Khu du lịch đèo Pha Đin, hiện đang mời gọi các nhà đầu tư xây dựng các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn trên đỉnh đèo Pha Đin để thu hút du khách. Trong những năm qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh đã tham mưu các sản phẩm du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiện đại.
Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đẹp và hoang sơ, Sơn La còn là tỉnh đứng thứ hai cả nước về nông nghiệp. Cả nước có 14 nông sản chủ lực, thì Sơn La có 12 sản phẩm. Trong đó, đặc biệt Sơn La nổi tiếng với cà phê arabica, nên cũng đang xây dựng những điểm du lịch cà phê và thưởng thức cà phê. Trải nghiệm nông nghiệp sinh thái, đặc sản nông nghiệp cũng sẽ trở thành những sản phẩm phẩm rất triển vọng của du lịch của Sơn La trong tương lai.
Ông Hoàng Chí Thức, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La, nhận định tiềm năng du lịch ở Sơn La rất lớn, nhưng sản phẩm du lịch chưa hoàn thiện. “Hiện nay Sơn La đang học làm du lịch. Có những địa điểm được lãnh đạo tỉnh, huyện quy hoạch thúc đẩy phát triển du lịch, nhà đầu tư xây dựng các điểm đến, dịch vụ, thế nhưng lượng khách đến lại chưa được như kỳ vọng", ông Thức nêu thực tế.
Vì vậy, ông Thức cho rằng công tác quy hoạch cần cụ thể, rõ ràng, sát thực tế để “mở đường” cho du lịch Sơn La phát triển đúng hướng, khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng để hình thành những điểm đến hấp dẫn, các sản phẩm du lịch thực sự chất lượng, xứng tầm.
Theo lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Nhai, địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng. Nơi đây, còn là địa bàn cư trú của 7 dân tộc còn lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc. Tại đây có hơn 10.500 ha mặt nước lòng hồ Thủy điện Sơn La đã và đang trở thành một trong những thế mạnh của Quỳnh Nhai vừa khai thác các nguồn lợi từ lòng hồ, là tiềm năng để phát triển du lịch trải nghiệm, sinh thái, nghỉ dưỡng trên lòng hồ thủy điện.
Quang cảnh một hòn đảo trên lòng hồ Thủy điện Sơn La. Ảnh: Chu Khôi.
Phát triển du lịch được Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai xác định là một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, với mục tiêu đến năm 2025, số lượt khách du lịch đạt 250.000 lượt khách/năm, tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 120 tỷ đồng/năm.
Đến nay, Quỳnh Nhai đã thu hút được 5 dự án đầu tư xây dựng du lịch lớn, đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, như: Điểm du lịch Pá Uôn Ecolakes, đảo Trái tim, vịnh Bình Yên, Đảo Pú Dăn; khu du lịch văn hóa tâm linh Quỳnh Nhai; khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, điểm du lịch Khách sạn Trung Kiên, du lịch cộng đồng bản Bon…
PHÁT HUY GIÁ TRỊ THIÊN NHIÊN CỦA "VIÊN NGỌC" VÙNG TÂY BẮC
Tại tọa đàm, đại diện nhiều hãng du lịch lữ hành đã đóng góp những ý kiến cho du lịch của huyện Quỳnh Nhai và huyện Thuận Châu. TS.Trần Thị Ngân Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chuyển giao ứng dụng công nghệ và phát triển du lịch cộng đồng bền vững (TTSC) nhận xét: qua hai ngày Famtrip, nhìn thấy một số điểm còn yếu về du lịch tại đây. Trên các con đường nhìn thấy rác nilon nhiều, do đó địa phương cần tuyên truyền cho người dân ý thức làm sạch môi trường. Đi qua những bản làng người Mông và người Thái, thế nhưng lại có nhiều nhà gạch xây, nhiều người dân mặc trang phục của người Kinh.
“Sơn La cần học tập kinh nghiệm của Hà Giang, người dân chỉ xây nhà theo kiểu truyền thống, luôn mặc trang phục truyền thống của dân tộc họ, đây chính là yếu tố thu hút du khách”, bà Giang nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Cty cổ phần xây dựng du lịch Hitech, cho rằng Sơn La có Khu du lịch nổi tiếng từ lâu, đó là Mộc Châu. Nhưng giờ đây, Mộc Châu chỉ được coi là điểm đến đầu tiên của các tuor du lịch đến Tây Bắc theo quốc lộ 6. Do đó, phát triển du lịch ở Thuận Châu và Quỳnh Nhai là rất đúng hướng. Vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La chính là viên ngọc, triển vọng sẽ còn trên “tầm” cả Mộc Châu.
Ở châu Âu, những cái hồ rất nhỏ mà họ cũng phát triển được du lịch. Vì vậy, theo ông Dũng đừng gọi hồ Thủy điện Sơn La là du lịch lòng hồ, mà phải nâng tầm lên với tên gọi “biển hồ”. Đi trên hồ ngày hôm qua, thấy trên núi đá có màu lá xanh, màu lá đỏ cực kỳ châu Âu. Có thể khẳng định, đây là hòn ngọc còn sót lại ở Tây Bắc.
Một hòn đảo trên lòng hồ Thủy điện Sơn La. Ảnh: Chu Khôi.
Tuy vậy, ông Dũng cho rằng cần tôn vinh bản sắc của người Thái làm "kim chỉ nam" cho phát triển du lịch. Các điểm dịch vụ cần phải làm nhà sàn, chứ không phải là xây khách sạn nhà tầng bê tông cốt thép như chúng ta đang nhìn thấy. Bởi vì, thế mạnh ở đây là thiên nhiên, cần phải tô điểm bản sắc thiên nhiên ở đây mới là điều quan trọng.
“Nhiều nhà đầu tư xây khách sạn hiện đại vì cho rằng nơi lưu trú phải hiện đại thì mới thu hút được khách. Nhưng thật ra với du khách châu Âu chúng tôi đưa về Việt Nam, nhu cầu chỗ ăn chỗ ngủ của họ rất đơn giản. Thứ họ cần là ngắm cảnh thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa”, ông Dũng chia sẻ.
Một vấn đề khác được ông Dũng đề cập là, đến các điểm du lịch ở Sơn La giờ đây, toàn thấy các điểm bán hàng “OCOP” với các sản phẩm chế biến sẵn, bao bì đẹp. Thế nhưng, chỗ nào cũng OCOP thì chẳng ai muốn mua nữa. Trong khi, nhiều du khách muốn mua khoai sọ, lại không thấy bán. Các loại trái cây, củ quả, và hoa đào là đặc sản của tỉnh Sơn La cần phải trở thành sản phẩm phục vụ nhu cầu mua hàng du khách.
Ông Phan Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Vietnam Travel, cho rằng, hiện nay du khách rất quan tâm tới tín chỉ carbon và giảm phát thải trong hoạt động du lịch. Do đó, cần hạn chế mang sắt thép, gạch ngói vào vùng thiên nhiên này.
“Mọi người dân ở nơi đây đều có thể làm truyền thông, làm marketing cho bản làng của mình. Vì thế, nên tổ chức các khóa đào tạo về quay clip, làm youtube, tik tok cho người dân trong các thôn bản tại đây. Đừng chỉ nói rằng: Quỳnh Nhai rất đẹp, du khách hãy đến đi!. Mà phải cung cấp cho du khách những cái du khách cần, du khách thích, chứ không phải những gì mà mình có”, ông Tùng nhấn mạnh.
Chu Khôi
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/phat-trien-du-lich-tren-vung-long-ho-thuy-dien-son-la.htm