Phát triển du lịch từ di tích lịch sử cách mạng

Phát triển du lịch từ di tích lịch sử cách mạng
4 giờ trướcBài gốc
Du khách đến tham quan, dâng hương tại Di tích lịch sử hang Co Phường, bản Sại, xã Phú Lệ (Quan Hóa).
Di tích lịch sử hang Co Phường, bản Sại, xã Phú Lệ (Quan Hóa) đã trở thành điểm đến tham quan, du lịch, giáo dục truyền thống cách mạng được các nhà trường, khách du lịch ở cả trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Theo các tài liệu còn ghi lại, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hang Co Phường vừa là căn cứ, vừa là điểm trung chuyển lương thực, vũ khí của quân ta lên Thượng Lào, Tây Bắc và sau đó là phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Hòng cắt đứt tuyến đường huyết mạch này, thực dân Pháp đã tìm đủ mọi cách, điên cuồng bắn phá. Ngày 2/4/1953, máy bay Pháp bất ngờ quần thảo, thả bom tàn sát khu vực bản Sại, nhiều thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến đang ở độ tuổi thanh xuân đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Riêng tại hang Co Phường, bom đạn đã đánh sập cửa hang, 11 người thuộc tiểu đội dân công hỏa tuyến ở xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) đang trú ẩn bên trong đã anh dũng hy sinh.
Năm 1999, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà bia tưởng niệm tại hang Co Phường. Năm 2012, UBND tỉnh đã lập quy hoạch, tôn tạo Khu Di tích lịch sử cách mạng hang Co Phường. Đến năm 2019, hang Co Phường được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Để thu hút du khách đến tham quan, xã Phú Lệ và huyện Quan Hóa đã chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh, anh dũng của các thế hệ cha anh đi trước. Mới đây, Huyện đoàn Quan Hóa cũng đã ra mắt công trình Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử văn hóa tại di tích lịch sử hang Co Phường. Theo đó, du khách chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh quét mã QR được lắp đặt tại di tích là có thông tin đầy đủ về di tích, sự hy sinh anh dũng của các dân công hỏa tuyến... Đây cũng chính là “cầu nối” đưa các di tích lịch sử, văn hóa đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh của quê hương Quan Hóa.
Những năm qua, di tích lịch sử Hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (giai đoạn 1964-1972) tại thôn 4, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) cũng là “địa chỉ đỏ” thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Theo các sử liệu, Hầm làm việc và chỉ huy được xây dựng nhằm bảo đảm an toàn cho bộ máy lãnh đạo cao nhất của tỉnh để kịp thời chỉ huy cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964-1972). Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược, từ căn hầm làm việc này, Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp làm việc và chỉ huy phong trào sản xuất chiến đấu tại Thanh Hóa một cách hiệu quả. Trong đó, có một số sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc như, chiến thắng Hàm Rồng - Nam Ngạn, phà Ghép, đảo Mê... đến việc chi viện, tuyển quân, giao thông thông suốt và thực hiện các mục tiêu sản xuất đều có sự đóng góp không nhỏ từ hầm làm việc và chỉ huy này. Với ý nghĩa đó, năm 2007, Hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Để phát huy giá trị của di tích, đưa di tích thành địa chỉ du lịch tìm hiểu hấp dẫn du khách, huyện Thiệu Hóa và tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo lại di tích. Cùng với đó, xã Thiệu Trung cũng đã đẩy mạnh phối hợp với các đoàn thể, ngành giáo dục và đào tạo huyện tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh, kết nạp đoàn viên tại di tích, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan về nguồn. Qua đó, vừa thể hiện sự trân trọng đối với những giá trị lịch sử của cha ông, vừa giúp lớp trẻ ý thức được trách nhiệm của bản thân để phấn đấu trong học tập và rèn luyện.
Là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, Thanh Hóa có hệ thống di tích lịch sử cách mạng đa dạng và phong phú về số lượng cũng như thể loại. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có 143 di tích và địa điểm lịch sử cách mạng, với các loại hình, bao gồm: nhà dân, đình, chùa, đền, nghè, cầu, phà, bến, bãi, sân bay, chợ, hầm hào, công sự, trận địa... Những năm gần đây, với sự quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng khang trang, cùng những cách làm sáng tạo trong việc kết nối các di tích cách mạng với các tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh, du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm các di tích lịch sử cách mạng ngày càng nhiều. Từ đó, không chỉ góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển mà góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, giới thiệu, truyền tải thông điệp rộng rãi đến du khách biết đến bề dày lịch sử hào hùng của vùng đất xứ Thanh.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là tại một số địa phương, nơi có những địa danh lịch sử cách mạng việc đầu tư phát triển du lịch vẫn còn khá khiêm tốn. Cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, thiếu điểm nhấn, nhân lực phục vụ chưa chuyên nghiệp. Việc liên kết, xây dựng chương trình tour, tuyến để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù còn rời rạc, thiếu sự hoàn thiện trong kết nối. Do đó, để “đánh thức” tiềm năng của các “địa chỉ đỏ”, cần có sự chung tay của các cấp, ngành, các địa phương và người dân để khai thác, phát huy giá trị, đưa di tích lịch sử cách mạng trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách tham quan.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/phat-trien-du-lich-tu-di-tich-lich-su-cach-mang-226703.htm