Phát triển du lịch từ tài nguyên núi rừng, huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa từng ngày 'thay da đổi thịt'

Phát triển du lịch từ tài nguyên núi rừng, huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa từng ngày 'thay da đổi thịt'
một ngày trướcBài gốc
Sẵn vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên, cùng hệ thống hang động và các khu di tích lịch sử, văn hóa..., huyện Quan Hóa đã từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương.
Hướng đi mới "đánh thức tiềm năng"
Các tour du lịch trải nghiệm thu hút nhiều du khách đến với Quan Hóa trong thời gian gần đây có thể kể đến như mô hình homestay và trekking, các cửa hàng bán sản phẩm thủ công truyền thống, phiên chợ du lịch cuối tuần, các tour trải nghiệm văn hóa dân tộc Thái,...
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Chị Hà Thị Lan, chủ một cơ sở sản xuất vải thổ cẩm tại Pù Luông (huyện Quan Hóa), chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi chỉ dệt vải để phục vụ sinh hoạt, nhưng từ khi có nhiều khách du lịch ghé thăm, chúng tôi đã mở cửa hàng nhỏ để giới thiệu sản phẩm, đồng thời tổ chức các buổi trải nghiệm dệt vải cho du khách. Việc này không chỉ giúp gìn giữ nghề truyền thống, mà còn mang lại thu nhập ổn định hơn cho gia đình”.
Cùng chung niềm vui, chị Lò Thị Hoài, chủ cơ sở Homestay Thơ Hà, đồng thời là Tổ trưởng tổ du lịch của một bản tại xã Thành Sơn (huyện Bá Thước) chủ động tiếp đón du khách như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Chị cho hay, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với tổng diện tích hơn 17 nghìn ha, trải dài ở 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa, trong đó vùng lõi rộng khoảng hơn 13.000ha. Những năm gần đây, nhờ lợi thế cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc mà mô hình du lịch cộng đồng ở Pù Luông phát triển khá nhanh. Trong tiếng Thái, Pù Luông có nghĩa là đỉnh núi cao nhất.
Theo chị Hoài, làm du lịch là hướng đi mới, một cách làm kinh tế mới nên vẫn còn nhiều sự bỡ ngỡ từ xã đến bản, đến các hộ gia đình. Nhưng cũng nhờ phát triển du lịch, thời gian qua đã từng bước giải quyết việc làm cho hàng trăm người dân tại địa phương, giúp đời sống bà con ngày càng được nâng cao.
Phát huy vai trò hợp tác xã
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời tạo sự gắn kết giữa các thành viên phát triển lĩnh vực du lịch – dịch vụ, thời gian qua, địa phương đặc biệt chú trọng vai trò của khu vực kinh tế hợp tác xã.
Trong hoạt động, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các ngành, các cơ quan xây dựng, phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; nhân rộng các mô hình cây ăn quả chất lượng cao, rau sạch kết hợp dịch vụ du lịch cộng đồng và tín dụng.
Bên cạnh đó, với định hướng và hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, hoạt động của các HTX không chỉ gói gọn vào một số ngành nghề mà đã trải rộng ra nhiều lĩnh vực: thương mại, vận tải, tiểu thủ công nghiệp, tài chính - tín dụng, du lịch… từng bước thể hiện tư duy đổi mới và sự năng động của kinh tế tập thể trong giai đoạn hiện nay.
Đơn cử, tại bản Hang, xã Phú Lệ, thời gian qua, nhiều hình thức du lịch trải nghiệm được triển khai đã phát huy hiệu quả và ngày càng thu hút khách du lịch, đem lại thu nhập cho người dân.
Việc phát triển các mô hình HTX du lịch nông nghiệp giúp tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, giải quyết được bài toán người dân làm việc theo mùa vụ, thu nhập bấp bênh.
Được biết, xuất phát điểm chỉ là một vài hộ gia đình, đến nay, bản Hang đã có gần 40 gia đình tham gia tổ hợp tác và đủ các điều kiện làm du lịch cộng đồng, phục vụ du khách.
Chị Phạm Thị Tuyết, chủ Homestay A Béo Bản Bút, xã Nam Xuân - một trong 5 hộ gia đình đồng bào Thái ở bản Bút được hỗ trợ làm thí điểm dịch vụ du lịch homestay nằm trong Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, cho biết, với mục tiêu “Vì sự phát triển chung của cộng đồng, không đi ngược với quy luật tự nhiên”, gia đình chị đã đầu tư nâng cấp nhà sàn, cải tạo cảnh quan để kinh doanh du lịch nhưng vẫn giữ được nét riêng của quê hương mình. Đồng thời, chị từng bước học hỏi xây dựng thương hiệu sản phẩm; khai thác các sản phẩm gắn với hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng.
Ngoài ra, các cơ sở luôn chú trọng cung cấp các sản phẩm là thế mạnh, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như: rau rừng, rau bản địa, lúa bản địa, củ quả chất lượng cao; chăn nuôi lợn cỏ bản địa, gà đồi, gà tre lai gà rừng, cá dốc, cá tầm; trồng cây dược liệu như nấm, chè; xây dựng các vườn hoa hồng, cúc. Cùng với đó là các dịch vụ thăm quan trải nghiệm, dịch vụ lưu trú và các cửa hàng bán quà lưu niệm,... giúp tạo công ăn việc làm cho người dân và tạo ấn tượng cho khách du lịch.
Có thể thấy, khi được đầu tư đúng hướng, hệ thống dịch vụ thương mại không chỉ nâng cao trải nghiệm du lịch mà còn mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Những đổi mới này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng nguồn thu cho ngành du lịch mà còn tạo thêm việc làm cho hằng trăm lao động tại địa phương.
Tiềm năng còn lớn
Theo thống kê, tính đến hết tháng 12/2024, cả nước có khoảng 21.700 HTX nông nghiệp, trong đó có khoảng 1.200 HTX đã tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Tại tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, địa phương đang định hình lại phân khúc thị trường du lịch, hướng tới xây dựng những sản phẩm xứng tầm, phát huy được lợi thế, tạo sự bứt phá cho ngành du lịch. Trong đó, du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm đang là sản phẩm hứa hẹn được nhiều du khách đón nhận.
Tính riêng trên địa bàn huyện Quan Hóa hiện có 40 cơ sở lưu trú, trong đó có 20 homestay. Năm 2024, huyện đón 30.000 lượt du khách đến các điểm du lịch trên toàn địa bàn, đạt doanh thu 7,8 tỷ đồng... Theo chính quyền địa phương, đây là con số còn khiêm tốn so với tiềm năng du lịch của huyện.
Việc đầu tư vào hệ thống dịch vụ thương mại tại các khu du lịch không chỉ giúp nâng tầm du lịch Thanh Hóa mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương.
Đáng chú ý, khi phát triển các mô hình HTX du lịch không chỉ khai thác được lợi thế của địa phương, mà còn tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, giải quyết được bài toán người dân làm việc theo mùa vụ, thu nhập bấp bênh.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa cho hay, đơn vị sẽ phối hợp với các sở ngành, tham mưu cho tỉnh tiếp tục ban hành cơ chế chính sách mới về hỗ trợ kinh tế tập thể để giúp các HTX tại địa phương có điều kiện phát triển vươn lên. Bên cạnh đó, Liên minh HTX cũng sẽ lựa chọn một số mô hình HTX kiểu mới để tổng kết, giúp các HTX tham gia mô hình hoạt động tốt hơn.
Đại diện UBND huyện Quan Hóa cho hay, để phát huy những tiềm năng du lịch của địa phương, thời gian tới, huyện sẽ tập trung đổi mới công tác quảng bá, thu hút du khách, tập trung nguồn vốn đầu tư hạ tầng du lịch, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho các hộ dân, tổ hợp tác làm du lịch cộng đồng. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh là đổi mới nhận thức và tư duy về phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động du lịch tại các HTX nông nghiệp, nông thôn.
“Với những giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực của địa phương, cùng mục tiêu, lộ trình phát triển du lịch cụ thể theo hướng bền vững, chúng tôi tin tưởng sẽ xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tiến tới đưa huyện Quan Hóa trở thành địa phương phát triển khá của miền Tây xứ Thanh”, đại diện UBND huyện Quan Hóa kỳ vọng.
Hồng Hương
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/phat-trien-du-lich-tu-tai-nguyen-nui-rung-huyen-ngheo-cua-tinh-thanh-hoa-tung-ngay-thay-da-doi-thit-1105784.html