Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh) hướng đến trở thành trọng điểm du lịch xanh của tỉnh. Ảnh: Hoài Anh
Từ những mô hình thí điểm...
Du lịch xanh là hướng phát triển du lịch bền vững, được nhiều địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm. Đến nay, một số tỉnh như Ninh Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa... đã có những mô hình du lịch xanh được triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, Ninh Bình là địa phương được Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường lựa chọn thực hiện thí điểm Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam”, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ. Sau gần 2 năm triển khai, tại Khu Du lịch sinh thái Thung Nham và Khu Du lịch sinh thái Tràng An đã tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển sản phẩm theo mô hình du lịch xanh, kết hợp hài hòa giữa hoạt động kinh doanh với bảo vệ môi trường sinh thái, chú trọng giảm thiểu rác thải. Trong đó, Khu Du lịch sinh thái Thung Nham đã đầu tư công nghệ sản xuất nước uống tinh khiết phục vụ du khách, giảm thiểu việc sử dụng nước uống đóng chai nhựa. Bên cạnh đó, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm gỗ, sành, sứ thân thiện với môi trường...
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình, Dương Thị Thanh cho biết: “Mới đây (ngày 15/10), Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổ chức UNDP và Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình đã tổ chức chương trình khảo sát đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch. Sau một thời gian triển khai, các doanh nghiệp du lịch đăng ký tham gia dự án đã thực hiện thay túi nilon bằng túi giấy, không sử dụng ống hút nhựa, sử dụng nước uống đóng chai thủy tinh, thu gom và phân loại rác từ nguồn... Mặc dù vậy, quá trình triển khai, thực hiện dự án cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như: việc thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trong và ngoài các khu du lịch chưa được thực hiện đồng bộ, một bộ phận du khách có thói quen sử dụng và xả rác thải nhựa trong quá trình tham quan... Cùng với đó, một số giải pháp chưa thực sự mang lại sự tiện lợi, phù hợp với hoạt động du lịch... Do đó, để phát triển du lịch xanh, mà trước mắt là tập trung giảm thiểu rác thải nhựa, các địa phương cần có kế hoạch, giải pháp phù hợp nhằm mang lại hiệu quả thiết thực”.
Còn tại tỉnh Quảng Nam - một trong hai địa phương thí điểm Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam” đã, đang có những bước tiến tích cực trong hành trình phát triển du lịch xanh. Trong số các doanh nghiệp tham gia dự án, Silk Sense Hoi An River Resort của địa phương này đã trở thành khách sạn đầu tiên tại Việt Nam không còn rác thải nhựa thải ra môi trường và không còn đồ nhựa dùng một lần. Được biết, kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa đã được Silk Sense Hoi An River Resort đặt ra những tiêu chí cụ thể, đồng thời áp dụng đồng bộ giải pháp trong tất cả các khâu dịch vụ, đảm bảo loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa tại khách sạn. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, trong đó có Thanh Hóa tham khảo, định hướng xây dựng những mô hình du lịch xanh phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế.
...đến những việc cần làm ngay
Thanh Hóa là địa phương sở hữu đa dạng loại địa hình (đồng bằng, miền núi, trung du và vùng biển), với đường bờ biển dài, có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch xanh. Hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, một số điểm đến như Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh), Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), Khu Du lịch sinh thái cộng đồng bản Mạ (Thường Xuân)... đã, đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ gìn môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với xây dựng điểm đến xanh.
Nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường tại bãi biển Sầm Sơn. Ảnh: Hoài Anh
Nếu đã từng đến với Vườn Quốc gia Bến En, du khách hẳn không khỏi ấn tượng bởi cảnh quan xanh - sạch - đẹp, đặc biệt là hình ảnh cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En luôn túc trực nhặt rác, nhắc nhở du khách giữ gìn vệ sinh môi trường. Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En, Lê Công Cường chia sẻ: “Ở đây, mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động đều gương mẫu, chủ động nhặt rác, bỏ rác đúng nơi quy định. Chúng tôi luôn cố gắng giảm bớt những tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch lên môi trường bằng việc thực hiện từ những hành động nhỏ nhất như vậy. Cùng với đó, chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của du khách trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường tự nhiên. Chỉ khi chúng ta bắt đầu từ những việc có thể làm ngay thì những giải pháp mang tính chiến lược nhằm phát triển du lịch xanh mới có thể được triển khai, thực hiện có hiệu quả”.
Với định hướng phát triển trở thành một trong những trọng điểm du lịch xanh của tỉnh, Vườn Quốc gia Bến En sẽ tập trung phát triển một số loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái (cắm trại trong rừng, ven hồ, du thuyền trên mặt hồ); du lịch cộng đồng (văn hóa bản địa, ẩm thực); du lịch văn hóa - lịch sử (các di tích danh lam thắng cảnh địa phương); du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe (nghỉ dưỡng, spa); du lịch thể thao, mạo hiểm (trên hồ, trong rừng); giáo dục môi trường (trồng cây)... Qua đó, mang đến cho du khách những trải nghiệm xanh, gần gũi với thiên nhiên. Mặt khác, hoạt động du lịch phát triển sẽ thu hút sự tham gia của cộng đồng, cùng chung tay bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
Không chỉ tại các khu du lịch sinh thái, các khu du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Bãi Đông... đã, đang nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa. Đi dọc bãi biển Sầm Sơn, du khách dễ dàng bắt gặp những con cá đựng rác được đan bằng lưới sắt khổng lồ, kèm theo là dòng chữ “Đừng xả rác xuống đại dương”, hay “Bảo vệ đại dương - bảo vệ trái đất”. Cùng với đó, Công ty CP Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn - đơn vị chủ lực trong công tác vệ sinh môi trường của TP Sầm Sơn luôn duy trì lực lượng xử lý, thu gom rác ở khu vực bãi biển và rác trôi dạt vào bờ, mang đến cảnh quan bãi biển thoáng đãng, sạch đẹp.
Chuyên gia du lịch cộng đồng Dương Minh Bình cho rằng: “Thanh Hóa đang đứng trước rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch xanh. Trước mắt, cần quan tâm phát triển trải nghiệm xanh, điểm đến xanh tại các khu du lịch sinh thái cộng đồng, làm tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch xanh ở các dòng sản phẩm chủ lực khác của tỉnh. Thuận lợi của du lịch cộng đồng Thanh Hóa hiện nay đó là sản phẩm du lịch “sinh sau, đẻ muộn”, bởi vậy mà rút ra được những bài học kinh nghiệm từ tăng trưởng “nóng” ở một số tỉnh phía Bắc, từ đó mà quy hoạch và thực hiện quy hoạch cơ bản được triển khai đúng hướng. Tuy nhiên, du lịch xanh cần chú trọng thực hiện đồng bộ các nội dung quan trọng đó là: quản lý du lịch xanh; sản xuất các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh và tiêu dùng du lịch xanh. Điều đó đồng nghĩa với việc cần tạo động lực để thúc đẩy tất cả các bên tham gia, trong đó cần đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch xanh ở mọi quy mô từ lớn đến nhỏ”.
Hoài Anh