Giáo viên, học sinh ở địa bàn miền núi nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Sở GD&ĐT và các cơ quan, đơn vị đầu năm học mới.
Những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của Trung ương, ngành GD&ĐT Quảng Trị tham mưu ban hành nhiều nghị quyết địa phương nhằm tháo gỡ “nút thắt” thúc đẩy phát triển giáo dục, giúp đội ngũ nhà giáo yên tâm với sự nghiệp “trồng người”.
Chính sách đi vào thực tiễn
Giáo dục Quảng Trị những năm gần đây có bước phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo “hành lang pháp lý” thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Trong đó, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, Sở GD&ĐT Quảng Trị tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản thực hiện các nhiệm vụ giáo dục. Qua hơn 10 năm triển khai Nghị quyết 29 đã tạo chuyển biến tích cực đối với giáo dục. Chất lượng đại trà và mũi nhọn có nhiều khởi sắc.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT xây dựng, tham mưu UBND tỉnh, để trình HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành nhiều Nghị quyết về quy hoạch phát triển ngành và các chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh. Những chính sách được ban hành, áp dụng vào thực tiễn đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo.
Hơn 10 năm trước, đến các địa bàn miền núi khó khăn, không khó để bắt gặp các lớp học trong điều kiện tạm bợ, trường lớp chưa kiên cố, hoặc lớp học ghép, học mượn nhà văn hóa... Từ thực tế trên, Sở GD&ĐT tham mưu ban hành Nghị quyết về xóa phòng học tạm, phòng học mượn để tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Nhờ đó, cơ sở vật chất các trường học được cải thiện, nâng cấp, ngày càng mở rộng khang trang, đáp ứng yêu cầu giáo dục.
Công tác ở các địa bàn xa xôi, cách trở, giáo viên phải ở nội trú để bám lớp dạy học. Nghị quyết về xây dựng nhà công vụ cho giáo viên sau đó được ban hành đã huy động nguồn lực rất lớn từ ngân sách, lẫn sự chung tay của xã hội để giúp nhà giáo công tác ở địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa có nơi sinh hoạt ổn định, yên tâm và tiếp tục nhiệm vụ “trồng người”.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng tham mưu ban hành nghị quyết thực hiện chế độ lương và hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các trường mầm non công lập.
Đây được xem là chính sách đặc thù của Quảng Trị để động viên, khích lệ đội ngũ làm nhiệm vụ cấp dưỡng chăm sóc trẻ. Tiếp đó, chính sách hỗ trợ cho giáo viên và nhân viên làm việc liên trường hoặc nhiều điểm trường tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên, hỗ trợ thầy cô dạy học ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Để khuyến khích học sinh trong học tập, Quảng Trị ban hành chính sách khen thưởng đối với các em đoạt giải cao tại các kỳ thi, cuộc thi; hỗ trợ tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật tại các cơ sở giáo dục công lập;...
TS.NGƯT Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị khen thưởng học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia.
Chất lượng giáo dục khởi sắc
Quảng Trị có gần 400 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Ngoài ra, có 1 Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị, 2 trường cao đẳng. Quy mô mạng lưới trường, lớp học được tổ chức, sắp xếp từng bước hợp lý, tinh gọn và hiệu quả, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Các loại hình trường lớp ngày càng đa dạng; giáo dục ngoài công lập ngày một phát triển.
Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được tăng cường đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được chú trọng và đạt được những kết quả quan trọng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển về cả về số lượng, lẫn chất lượng, cơ bản đảm bảo yêu cầu của việc dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn ngành Giáo dục Quảng Trị bàn giao nhà ở công vụ cho giáo viên ở huyện Đakrông.
Những năm qua, ngành Giáo dục tích cực chỉ đạo các đơn vị, trường học triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục hai mặt và quan tâm đến công tác duy trì sĩ số, đặc biệt là đối với giáo dục vùng khó. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà được duy trì ổn định; giáo dục mũi nhọn có bước phát triển khởi sắc.
Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì vững chắc và từng bước được nâng lên. Năm 2023, tỉnh Quảng Trị được Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3 và xóa mù chữ đạt mức độ 2.
Năm học 2023-2024, bám sát các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ năm học và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tỷ lệ học sinh đạt giải trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2024 đạt 44 giải và cao nhất từ trước đến nay.
Trong đó, có 1 học sinh đạt giải Nhất, 5 giải Nhì, 21 em đạt giải Ba và 17 giải Khuyến khích. Đặc biệt, số học sinh đạt giải HSG quốc gia tăng về số lượng, lẫn chất lượng so với năm học 2022-2023 (tăng 12 giải và có giải Nhất).
Ngoài ra, kết quả tốt nghiệp THPT năm 2024 cao hơn so với năm 2023 (đạt tỉ lệ 97,36%); có 210 học sinh, đoàn viên ưu tú được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng... Học sinh Quảng Trị tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2024 đạt 1 giải Nhất và 1 giải Ba. Trong đó, Dự án đạt giải Nhất được chọn tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ...
Đánh giá về những kết quả giáo dục đạt được, TS.NGƯT Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, để thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương và Bộ, ngành liên quan, Sở GD&ĐT Quảng Trị xây dựng, tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết địa phương giúp tháo gỡ “nút thắt” và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành.
“Những nghị quyết đi vào thực tiễn giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành; tạo hành lang pháp lý, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, đây là cơ sở quan trọng để động viên đội ngũ giáo viên yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”, TS Lê Thị Hương nhấn mạnh.
Đăng Đức