Phát triển hạ tầng giao thông là một trong những đột phá rõ nét năm 2024

Phát triển hạ tầng giao thông là một trong những đột phá rõ nét năm 2024
một giờ trướcBài gốc
Đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông
Sáng 21/10, báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nền kinh tế đã phục hồi tích cực, lấy lại được đà tăng trưởng như trước dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày trước Quốc hội báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến Kế hoạch năm 2025. Nguồn: Đài Truyền hình Việt Nam.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý sau cao hơn quý trước, tính chung 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82%, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, phấn đấu đạt và vượt 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%).
Thủ tướng trình bày báo cáo trước Quốc hội.
Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và nhiều tổ chức quốc tế khác đánh giá Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới
Theo người đứng đầu Chính phủ, một trong những đột phá rõ nét nhất của năm 2024 là phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực. Nhiều công trình giao thông quan trọng, dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa liên kết vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa được đưa vào khai thác.
Từ đầu năm đến nay đã đưa vào khai thác thêm 109 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến nay lên hơn 2.021 km, khởi công tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; khởi công 2 dự án nâng cấp tuyến để khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc; khởi công 2 dự án nối thông đường Hồ Chí Minh; triển khai đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc"...
Từ nay đến cuối năm 2024, đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để phấn đấu khởi công 5 dự án.
Về hàng không, đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công rút ngắn thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất...
Nhiều dự án, công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm quan trọng đã được thực hiện nghiêm túc, sát với kế hoạch như dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 & 4 (đạt 40,09%), chuỗi dự án điện - khí lô B (đạt khoảng 42%)...
Đặc biệt, dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối với quy mô gần 1 tỷ USD được khánh thành sau hơn 6 tháng thần tốc thi công trong khi dự án với quy mô tương tự thường mất từ 2-3 năm.
"Dự án này đã trở thành hình mẫu điển hình, tạo động lực, truyền cảm hứng trong triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia với cách làm mới, tư duy mới, điều hành mới, huy động sức mạnh tổng lực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại", theo báo cáo của Chính phủ.
Đến 2025 quy mô GDP Việt Nam đứng thứ 31-33 thế giới
Về dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025, Thủ tướng cho biết nền kinh tế nước ta dự báo vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực.
Song, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP là khoảng 6,5-7,0%.
Toàn cảnh nghị trường.
Nếu tình hình thuận lợi, phấn đấu khoảng 7,0-7,5% để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP.
Trong các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chính phủ tiếp tục xác định tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; các dự án quan trọng, động lực như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM… phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Bên cạnh đó, phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đề nghị thanh tra toàn diện công tác nhà ở xã hội
Ở góc độ thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban đồng tình với báo cáo của Chính phủ. Những kết quả về phát triển KTXH năm 2024 là minh chứng rõ nét nhất khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư.
Ủy ban Kinh tế cho rằng: "Hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp đến những vùng bão lũ chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn gây xúc động cho toàn thể nhân dân, củng cố thêm niềm tin và tình cảm của nhân dân với Đảng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.
Bên cạnh những điểm sáng, có ý kiến cho rằng, tuy công tác phòng chống, ứng phó trước, trong và sau bão mặc dù được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra vẫn hết sức nặng nề, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rút kinh nghiệm để chuẩn bị ứng phó tốt hơn, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra.
Nêu bật tình hình thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, Ủy ban Kinh tế cho rằng từ đầu năm 2024, giá căn hộ chung cư ở vị trí trung tâm hay vùng ven của TP Hà Nội đều ghi nhận mức tăng đột biến.
"Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do nguồn cung căn hộ tại TP Hà Nội đang thực sự khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các gia đình trẻ còn rất lớn", theo báo cáo Ủy ban Kinh tế.
Cũng có ý kiến cho rằng, nhà ở xã hội trên thực tế được mua bán, trao đổi, cho thuê chủ yếu bởi những người giàu, thậm chí cả người nước ngoài, không phải công nhân, người lao động, người có nhu cầu thực đối với loại hình nhà ở này.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội những năm qua để có giải pháp hiệu quả; nghiên cứu có biện pháp mạnh đối với vi phạm chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, bao gồm cả đối tượng mua nhà ở xã hội.
Cùng với quá trình tăng giá đột biến của căn hộ chung cư, giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là đối với các huyện có thông tin lên quận.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, một số phiên đấu giá tại các huyện ven Hà Nội thu hút hàng nghìn hồ sơ tham dự, gấp hơn chục lần số lô đất được bán ra và trúng đấu giá với giá cao cũng gấp hàng chục lần giá khởi điểm.
Tuy nhiên, diễn ra tình trạng "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.
Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ.
Ủy ban Kinh tế đánh giá đây là những vấn đề có thể để lại hậu quả xấu đến quá trình phát triển KTXH của đất nước.
Kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết
Về mục tiêu, giải pháp năm 2025, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng".
Đồng thời, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết.
Ưu tiên bố trí nguồn lực của ngân sách trung ương thực hiện các công trình kết nối các tỉnh, kết nối vùng, kết nối quốc gia, quốc tế. Các địa phương chủ động cân đối nguồn lực của địa phương để đầu tư các dự án thuộc phạm vi tỉnh.
Trang Trần
Phùng Đô
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-dot-pha-ro-net-nhat-la-phat-trien-ha-tang-giao-thong-dien-luc-192241021101046002.htm