Kỳ vọng tái sinh dòng sông Đáy
Sông Đáy chảy qua địa bàn TP Hà Nội bắt nguồn từ xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ), qua các quận, huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Hà Đông, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa đến xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức).
Sông Đáy đoạn qua huyện Ứng Hòa (TP Hà Nội). Ảnh: VGP.
Chị Mai Anh (xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ) cho biết, trước đây, nhiều hộ dân sống bám ven sông, sống được bằng nghề đánh cá, trồng cây ăn quả. Thế nhưng, khoảng 15 năm nay, con sông dần bị ô nhiễm nặng, gần như không còn tôm, cá… Nước sông hiện nay thường xuyên bốc mùi hôi thối, đặc biệt vào những ngày nắng nóng.
"Với việc quy hoạch sông Đáy được quy củ và bài bản, tôi mong muốn trước tiên TP nên quy hoạch lại các cơ sở sản xuất hai bên sông để không cho xả nước thải trực tiếp gây ô nhiễm, không ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất của bà con", chị Mai Anh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tòng (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai) cũng kỳ vọng, sớm quy hoạch phát triển khu vực ven sông Đáy, góp phần giải quyết những tồn tại về đất đai, môi trường hai bên bờ sông, hồi sinh lại dòng sông và đem lại nhiều lợi ích cho người dân và tôn tạo cảnh quan đô thị.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng phòng Kinh tế, hạ tầng và Đô thị huyện Thanh Oai, trong định hướng phát kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2021-2025, xác định phát triển vùng ven sông Đáy thành không gian du lịch sinh thái, hình thành tuyến du lịch thủy trên sông Đáy.
Huyện Thanh Oai định hướng quy hoạch toàn bộ khu vực bãi bồi sông Đáy là khu vực hỗn hợp du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp, kết nối tuyến du lịch đường thủy sông Đáy với du lịch làng nghề truyền thống ven sông. Đồng thời, cải tạo không gian làng xóm hiện hữu, phát triển du lịch văn hóa - lễ hội gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề.
Lãnh đạo UBND xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức cho biết, qua các lần lấy ý kiến, người dân xã Dương Liễu rất đồng thuận về chủ trương định hướng phát triển sông Đáy của TP Hà Nội. Xã là địa phương đất chật người đông, nhu cầu cần mặt bằng để phát triển kinh tế là rất lớn. Vì vậy, rất mong khi lập quy hoạch chi tiết cần tạo điều kiện cho người dân phát huy bản sắc sản xuất làng nghề truyền thống của Dương Liễu.
Tiềm năng đô thị xanh trung tâm Hà Nội
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, TP Hà Nội cần xem xét định hướng phát triển theo trục sông Đáy, bởi đây là con sông có khả năng thoát nước cho các huyện phía tây TP và phương án thoát lũ sông Hồng khi khi lũ lên cao.
Bên cạnh đó, hai bờ sông có quỹ đất đai lớn, dân cư chưa đông; đồng thời, sông Đáy gần như nằm giữa TP. Sau khi cải tạo có thể trở thành một vùng đất đô thị xanh trung tâm rất tiềm năng cho sự phát triển TP Hà Nội trong tương lai.
Cần kiểm soát và di dời các nguồn gây ô nhiễm dọc sông Đáy.
Cũng theo PGS.TS Lưu Đức Hải, với tiết diện ngang lớn, dòng sông Đáy khi được nắn chỉnh, nạo vét và khơi thông có thể kết nối đường thủy với phần hạ lưu sông Đáy thuộc Hà Nam và Ninh Bình; tạo ra lợi ích lớn trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là du lịch.
ThS.KTS Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc - Quy hoạch Hà Nội (Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng) cho biết, đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng phê duyệt, đã xác định trục sông Đáy là trục dịch vụ sinh thái văn hóa, trong đó ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, hình thành chuỗi công viên sinh thái, vui chơi giải trí dọc hành lang sông để bổ trợ cho nhu cầu vui chơi giải trí và phát triển du lịch cho khu vực đô thị trung tâm.
Định hướng phát triển hành lang đô thị phía tây Vành đai 4 và hệ thống các thị trấn sinh thái bám dọc tuyến sông gồm Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa sẽ cung cấp các dịch vụ đô thị cho người dân dọc hành lang xanh phía tây Thủ đô. Đồng thời, khai thác các giá trị cảnh quan sinh thái dọc sông Đáy vào không gian cảnh quan đô thị nông thôn của khu vực.
Theo ThS.KTS Lê Hoàng Phương, cũng tương tự sông Hồng, cần phải phát triển hạ tầng kết nối dọc trục sông, có hệ thống giao thông chạy dọc hai bên sông thay vì những tuyến đường kết hợp với đê. Đồng thời, bổ sung hệ thống cầu qua sông, phát triển giao thông kết nối vào các vùng bãi, khai thác mở rộng mặt nước sông Đáy để có thể lưu thông đường thủy sẽ giúp cho việc tiếp cận, khai thác, sử dụng sông Đáy được thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Phương nhấn mạnh, để bảo vệ và cải thiện môi trường dọc sông Đáy, hành động cần làm ngay đó là kiểm soát và di dời các nguồn gây ô nhiễm dọc sông; chuyển đổi hoạt động kinh tế xã hội dọc hành lang sông để ngăn chặn nguồn thải, tạo môi trường nước, đất và không khí trong sạch để thu hút người dân, du khách đến nghỉ ngơi và vui chơi giải trí.
Tiến Hào
Tuyết Hạnh