Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi cho người dân

Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi cho người dân
3 ngày trướcBài gốc
Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025” tổ chức Hội nghị tổng kết. Ảnh: hanoi.gov.vn
Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển an sinh xã hội
Theo báo cáo tổng kết Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025” (Chương trình số 08), Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ người dân, những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, nhất là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Thành phố quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn; phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Để đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa, xã hội, Thành ủy, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về đầu tư 3 lĩnh vực: Xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo với tổng mức đầu tư hơn 49.000 tỷ đồng và nhiều cơ chế, chính sách quan trọng khác.
Với những chính sách thiết thực, sau hơn 4 năm thực hiện, Chương trình đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, 19 chỉ tiêu vượt kế hoạch như: Tỷ lệ thất nghiệp, mục tiêu đến năm 2025 đạt dưới 3%, kết quả đạt 2,54%; tỷ lệ giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 44,9% (mục tiêu 40%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,25% (mục tiêu 95%); đến nay Hà Nội không còn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo của Thành phố)...
Về kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình số 08-CTr/TU, đối với nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 822.000 lượt lao động, tỷ lệ thất nghiệp toàn Thành phố đạt dưới 3%.
Trên địa bàn Thành phố hiện có 313 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, toàn Thành phố đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 970.493 lượt người, trong đó: Trình độ cao đẳng 136.177 người, trình độ trung cấp 121.267 người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 713.049 người.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được triển khai có hiệu quả, nhất là trong những năm diễn ra đại dịch Covid 19. Đồng thời, Hà Nội triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn Thành phố, xác định lộ trình, từng giai đoạn cụ thể. Năm 2025, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử để phấn đấu đạt mục tiêu 100% người dân được quản lý bằng hồ sơ sức khỏe điện tử...
Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về chính sách xã hội
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình 08 còn một số khó khăn, vướng mắc như: Chỉ số giá tiêu dùng năm 2024 tăng 4,25% so với cùng kỳ năm 2023. Mức thu nhập bình quân đầu người từng bước được nâng cao, tuy nhiên chênh lệch giữa nhóm có thu nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất là 6,6 lần. Kết quả thực hiện chỉ tiêu tại một số địa phương đạt kết quả còn thấp so với bình quân chung của Thành phố...
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08 cho biết, để tiếp tục chăm lo đời sống nhân dân, thời gian tới, Thành phố Hà Nội tiếp tục đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách xã hội bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Thủ đô, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế và tổ chức thực hiện có hiệu quả; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm trong tổ chức thực hiện; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch.
Thành phố sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan đến chính sách xã hội, bảo đảm liên thông, an toàn, bảo mật thông tin chung và dữ liệu cá nhân; phát triển hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống bác sĩ gia đình; chủ động dự báo, thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thu hút xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện để người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu.
Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân. Vận động tạo đồng thuận xã hội, phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và quyền làm chủ của Nhân dân Thủ đô trong việc thực hiện các chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Thành phố./.
THÙY LÊ
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/phat-trien-he-thong-an-sinh-xa-hoi-nang-cao-phuc-loi-cho-nguoi-dan-39058.html