Siêu thị Long Tơ Plaza (Nông Cống) đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Xác định địa bàn nông thôn là thị trường tiềm năng, năm 2019 Công ty TNHH Long Tơ đã đầu tư xây dựng Siêu thị Long Tơ Plaza tại huyện Nông Cống với tổng diện tích 4.000m2 cung cấp đa dạng các loại hàng hóa và dịch vụ cho người dân địa phương. Nối tiếp thành công đó, công ty tiếp tục xây dựng thêm hai siêu thị tại huyện Triệu Sơn và huyện Như Thanh. Với không gian hiện đại, hệ thống bài trí khoa học và dịch vụ thân thiện, các siêu thị này đã nhanh chóng thu hút khách hàng. Mô hình bán lẻ này không chỉ nâng cao chất lượng mua sắm mà còn tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế địa phương và mang lại trải nghiệm tiêu dùng văn minh cho người dân vùng nông thôn.
Giám đốc Công ty TNHH Long Tơ, Tống Văn Long chia sẻ: “Việc đầu tư xây dựng siêu thị tại nông thôn được thúc đẩy bởi thực tế nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở các khu vực này đang ngày càng tăng cao. Đặc biệt, đây là những địa phương có đông công nhân lao động và người dân thuê trọ. Tuy nhiên, trước đây, họ chưa có điều kiện tiếp cận các cơ sở mua sắm hiện đại, chủ yếu dựa vào các chợ truyền thống hoặc cửa hàng nhỏ lẻ. Chúng tôi quyết định mở rộng mô hình kinh doanh theo hướng siêu thị tự chọn với hy vọng mang lại một không gian mua sắm thoải mái, sản phẩm đa dạng và dịch vụ chuyên nghiệp để phục vụ nhu cầu của người dân”.
Ông Long cũng khẳng định: Chúng tôi tạo ra hàng trăm việc làm mới cho người dân bản địa, từ nhân viên bán hàng đến quản lý và lao động trong lĩnh vực hậu cần. Điều này giúp ổn định đời sống và mang lại cơ hội nghề nghiệp cho nhiều người, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả vùng. Khảo sát bước đầu cho thấy, mô hình kinh doanh đã được người dân đón nhận tích cực. Đây là động lực để công ty tiếp tục nghiên cứu mở rộng thêm các cơ sở tại những địa phương khác trong tỉnh, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhiều hơn với môi trường mua sắm văn minh và hiện đại.
Tương tự, các hệ thống siêu thị như The City; chuỗi cửa hàng WinMart, WinMart+; Điện máy Xanh cũng đang mở rộng hoạt động tại khu vực nông thôn. Các đơn vị này mang đến nhiều ưu điểm như hàng hóa phong phú, đa dạng với nguồn gốc rõ ràng; thời gian mở cửa linh hoạt, giúp người dân dễ dàng mua sắm ở nhiều thời điểm phù hợp. Khách hàng có thể tìm thấy hầu hết các mặt hàng thiết yếu tại một địa điểm, thay vì phải di chuyển qua nhiều chợ hay cửa hàng khác nhau. Ngoài ra, các siêu thị còn thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi như giảm giá, tặng kèm sản phẩm, mang đến lợi ích thiết thực cho người mua. Phương thức thanh toán cũng được cải tiến, cho phép khách hàng sử dụng quẹt thẻ, chuyển khoản hoặc quét mã QR, tạo sự tiện lợi tối đa. Nhờ những yếu tố này, các hệ thống bán lẻ hiện đại tại nông thôn đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng và đem lại nhiều thành công cho các nhà đầu tư.
Hiện, toàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 27 siêu thị, 537 cửa hàng tiện ích, 389 chợ và hàng trăm cửa hàng chuyên doanh, không chỉ tập trung tại các thành phố mà còn mở rộng đến khu vực nông thôn. Sự phát triển này đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, thay đổi thói quen mua sắm và tư duy thương mại hiện đại của người dân nông thôn. Dẫu vậy, việc phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại ở vùng nông thôn vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Hạ tầng giao thông còn yếu kém là một trong những vấn đề gây cản trở lớn. Việc vận chuyển hàng hóa về vùng sâu, vùng xa là bài toán khó khi chi phí logistics cao khiến giá thành sản phẩm tăng, khó cạnh tranh với các chợ truyền thống. Thêm vào đó, thói quen tiêu dùng lâu đời của người dân địa phương cũng là một rào cản không nhỏ.
Theo khảo sát từ Sở Công Thương, hơn 60% người dân vùng nông thôn vẫn chọn mua sắm tại các chợ truyền thống vì sự tiện lợi và thói quen lâu đời. Để thay đổi tư duy tiêu dùng này cần thời gian và sự tác động mạnh mẽ từ chính quyền cũng như các doanh nghiệp bán lẻ. Trong đó, để thúc đẩy thương mại nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, cần khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại tại các khu vực xa trung tâm huyện và thị trấn. Các siêu thị mini và cửa hàng tiện ích cần cải thiện chất lượng phục vụ, có chiến lược tiếp cận và phân khúc thị trường hợp lý, đảm bảo chất lượng hàng hóa. Việc đưa các nhóm hàng nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp vào kinh doanh cũng là cần thiết để quảng bá, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm địa phương.
Bài và ảnh: Chi Phạm