Dư địa mới, thách thức mới
Đà Nẵng-thành phố trung tâm khu vực miền Trung được thiên nhiên ưu ái ban tặng bờ biển dài, trải dọc theo các dải cát mịn, nước biển trong xanh và khí hậu hiền hòa. Sau khi sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng sở hữu nhiều bãi biển nổi tiếng, trong đó, Mỹ Khê và Cửa Đại từng được vinh danh là những bãi biển đẹp hàng đầu châu Á và thế giới.
Đà Nẵng còn có vị trí chiến lược với cảng biển nước sâu như các cảng: Tiên Sa, Liên Chiểu, Chu Lai, là điều kiện lý tưởng để phát triển kinh tế hàng hải, logistics và du lịch biển. Đây là lợi thế mà không phải địa phương ven biển nào cũng có được...
Đà Nẵng với nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển.
Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, phát triển kinh tế biển, du lịch và công nghiệp công nghệ cao là 3 trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình hành động về phát triển bền vững kinh tế biển của thành phố cũng đã xác định rõ mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, hướng tới hình mẫu đô thị biển quốc tế, phát triển trên cơ sở bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, song hành với những “lợi thế vàng”, Đà Nẵng cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ, đặc biệt là những thách thức môi trường biển ngày càng hiện hữu rõ rệt như tình trạng xói lở, xâm thực bờ biển; tình trạng ô nhiễm môi trường biển (ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm rác thải...), tác động nghiêm trọng đến cảnh quan và hệ sinh thái ven bờ. Điển hình gần đây nhất là trường hợp chủ đầu tư Temple Resort Danang đã bị lực lượng chức năng thành phố xử phạt vào tháng 6-2025 vì xả nước thải ra khu vực bãi biển, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến du lịch biển địa phương... Từ thực trạng nêu trên, Đà Nẵng cần có giải pháp xử lý để gìn giữ tài nguyên, khôi phục hệ sinh thái và hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển.
Bảo vệ biển để phát triển bền vững
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Đà Nẵng, hiện nay, thành phố không chỉ tập trung phát triển các ngành thế mạnh như cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch nghỉ dưỡng ven biển mà còn đặc biệt chú trọng đến việc chống ô nhiễm, phục hồi hệ sinh thái ven bờ và phát triển mô hình đô thị biển sinh thái-thông minh.
Đà Nẵng cần giám sát và xử lý nghiêm túc hành vi vi phạm môi trường.
Theo Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), không gian biển mở rộng với hệ sinh thái đa dạng từ Nam Hải Vân đến Cù Lao Chàm, Tam Hải sẽ đòi hỏi một chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ mạnh mẽ, có sự phối hợp liên ngành và liên cấp. Việc thống nhất quy hoạch không gian biển liên vùng có thể giúp kiểm soát tốt hơn tình trạng ô nhiễm, xói lở và suy giảm đa dạng sinh học-nhưng chỉ thực sự hiệu quả khi đi kèm với hệ thống giám sát môi trường hiện đại và hành lang pháp lý chặt chẽ.
Trong bối cảnh mở rộng không gian đô thị và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ đề xuất, Đà Nẵng cần sớm tích hợp quy hoạch không gian biển với khai thác và bảo tồn nguồn lợi thủy sản theo hướng liên vùng sinh thái-trải dài từ Nam Hải Vân, Sơn Trà, Cù Lao Chàm đến Tam Hải. Quy hoạch này phải gắn liền với các trụ cột như kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn, du lịch bền vững, bảo vệ bờ biển và thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan trọng hơn, thành phố cần bám sát mục tiêu trong quy hoạch không gian biển và bảo tồn biển quốc gia, đây là nền tảng giữ vững chức năng sinh thái và khả năng chống chịu của toàn hệ sinh thái biển Việt Nam.
Song hành với quy hoạch, công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Do vậy, thành phố cần tăng cường công tác truyền thông về giá trị của biển, lồng ghép các hoạt động bảo tồn vào đời sống văn hóa địa phương như lễ hội cầu ngư, tín ngưỡng cá Ông... Đồng thời giáo dục môi trường biển nên được đưa vào chương trình phổ thông, từ ngoại khóa đến nội dung chính khóa, để hình thành nhận thức và hành vi thân thiện với môi trường ngay từ sớm.
Theo đó, Đà Nẵng nên tiên phong áp dụng mô hình “biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác” (OECM), quản lý hiệu quả những khu vực tự nhiên ngoài hệ thống bảo tồn chính thức nhằm mở rộng không gian bảo tồn sinh thái, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái biển quan trọng. Muốn các giải pháp đi vào thực chất, thành phố cần thực hiện điều tra, đánh giá và giám sát thường xuyên hệ sinh thái biển, lấy đó làm cơ sở khoa học cho quy hoạch và hành động. Phải đặt bảo vệ biển vào vị trí ưu tiên chiến lược, đúng với vai trò then chốt của biển trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Kiều Thị Kính, Trường Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng cho rằng, nếu xảy ra sự cố môi trường không chỉ ảnh hưởng đến một doanh nghiệp mà còn có thể làm lung lay cả thương hiệu du lịch biển của thành phố. Do đó, giám sát và xử lý vi phạm môi trường cần được thực hiện nghiêm túc, minh bạch, không chỉ để răn đe mà còn để khẳng định rằng Đà Nẵng xứng đáng là “thành phố đáng sống”. Muốn vậy, Đà Nẵng cần sớm mở rộng hệ thống quan trắc môi trường tự động, thiết lập cảnh báo theo thời gian thực. Công nghệ mới cho phép người dân trực tiếp tham gia giám sát, như chụp ảnh có định vị GPS và gửi về hệ thống phân tích...
Đà Nẵng đang hiện thực hóa khát vọng trở thành đô thị biển sinh thái-thông minh-bền vững trong tương lai gần. Để hiện thực hóa điều đó, thành phố cần cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và gìn giữ hệ sinh thái biển, từ đó phát triển kinh tế biển dài hạn.
Bài và ảnh: KIM NGÂN