Phát triển kinh tế biển, lấy đặc khu Phú Quốc làm đầu tàu tăng trưởng tỉnh An Giang

Phát triển kinh tế biển, lấy đặc khu Phú Quốc làm đầu tàu tăng trưởng tỉnh An Giang
9 giờ trướcBài gốc
Ngày 14-7, Tỉnh ủy An Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025–2030”.
Tham dự hội thảo có ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội; GS.TS Tạ Ngọc Tấn; cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ.
Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025–2030”.
Ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu tại Hội thảo.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, trình bày báo cáo dẫn đề, nêu rõ bối cảnh, định hướng phát triển, mục tiêu và các nội dung trọng tâm trong dự thảo văn kiện chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ tới.
Theo đó, tỉnh An Giang đang đứng trước thời cơ lịch sử để phát huy vai trò trung tâm phát triển kinh tế biển mạnh của quốc gia, trở thành vùng kinh tế năng động.
Tỉnh hội tụ đủ yếu tố tự nhiên gồm: đồng bằng, đồi núi, biển đảo (vùng biển rộng hơn 63.000 km²), biên giới (giáp Campuchia gần 148 km); có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế biên mậu, logistics, du lịch và đô thị thông minh.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy An Giang
Tỉnh cũng xác định du lịch biển chất lượng cao là một trong những mũi nhọn phát triển trong thời gian tới. Với quy mô dân số gần 5 triệu người (đứng đầu vùng ĐBSCL) An Giang có thị trường tiêu dùng nội địa rộng và khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ hơn.
Hệ thống đô thị của tỉnh cũng được đầu tư phát triển. Các cụm động lực như Long Xuyên – Châu Đốc – Rạch Giá – Hà Tiên được xác định là trung tâm phát triển kinh tế. An Giang hiện có hai cảng hàng không kết nối quốc gia và quốc tế. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc như Kinh, Khmer, Chăm, Hoa… với nền văn hóa đa dạng và nhiều nét truyền thống đặc sắc.
Bên cạnh những tiềm năng và lợi thế, lãnh đạo tỉnh cũng nhìn nhận những yêu cầu, thách thức đặt ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tỉnh cần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, hài hòa, toàn diện và bền vững.
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã gợi ý nhiều định hướng chiến lược cho phát triển nông nghiệp tỉnh trong bối cảnh mới.
Ông nhấn mạnh An Giang cần tái cơ cấu nông nghiệp theo tư duy hệ sinh thái tích hợp đa tầng, gắn kết giữa nông – lâm – ngư nghiệp, tối ưu hóa giá trị sinh thái, kinh tế, xã hội và công nghệ. Định hướng phát triển nông nghiệp phải kết nối đồng bằng – biên giới – biển Tây, trong đó biển Tây trở thành không gian kinh tế thủy sản bền vững, gắn với chiến lược “Tam ngư”: ngư nghiệp – ngư dân – ngư trường.
Hoạt động khai thác thủy sản
An Giang được khuyến nghị đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt ngành hàng, hỗ trợ hợp tác xã và khởi nghiệp nông nghiệp địa phương.
Đáng chú ý, ông đề xuất Dự án thứ 22 bên cạnh 21 dự án hạ tầng đang triển khai phục vụ APEC 2027. Dự án này là chương trình mềm mang tên “Ấn tượng Nông nghiệp An Giang”, nhằm giới thiệu tại APEC 2027 các sản phẩm nông nghiệp đặc sắc như gạo phát thải thấp, thủy sản đạt chuẩn môi trường, sản phẩm tái chế từ rơm rạ… thể hiện hình ảnh người nông dân thân thiện, đổi mới, góp phần quảng bá thương hiệu nông nghiệp tỉnh trên trường quốc tế.
Đặc khu Phú Quốc đạt tầm cỡ quốc tế vào năm 2030
Đóng góp tại hội thảo, PGS.TS Bùi Văn Huyền – Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – đồng tình và đánh giá cao quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển An Giang giai đoạn 2025–2030.
Ông cho biết, định hướng phát triển của tỉnh thời gian tới được khái quát bằng mô hình "1 thể nhất – 2 trục – 3 đột phá – 4 trụ cột – 5 vùng trọng điểm – 6 danh mục trọng tâm".
Theo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020–2025, trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I (nhiệm kỳ 2025–2030), tỉnh xác định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng; quốc phòng, an ninh, đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Cùng với đó là xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát triển theo hướng xanh, số, hội nhập sâu, lấy chuyển đổi số, kinh tế biển, kinh tế biên mậu và đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển...
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là trung tâm kinh tế biển mạnh; đặc khu Phú Quốc đạt tầm quốc tế; vùng Long Xuyên – Châu Đốc – Rạch Giá – Hà Tiên là động lực phát triển công nghiệp, logistics, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2025–2030 đạt từ 10% trở lên, GRDP bình quân đầu người đạt từ 7.500 USD.
Tỉnh An Giang đặt mục tiêu đưa Đặc khu Phú Quốc đạt tầm cỡ quốc tế vào năm 2030
Phú Quốc là địa điểm du lịch thu hút đông đảo du khách Quốc tế. Ảnh: HD
Ba khâu đột phá được xác định gồm: phát triển kinh tế biển, trở thành trung tâm kinh tế biển Quốc gia, trọng tâm là Phú Quốc; hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số.
Ông Huyền nhấn mạnh, các đột phá này cần được dẫn dắt bởi bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, quyết tâm chính trị cao và sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị để tạo ra bước phát triển đột phá, thực chất và bền vững cho tỉnh.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân 10% là một thách thức lớn, đòi hỏi tỉnh phải nỗ lực rất cao, và nếu thực hiện thành công sẽ là bước phát triển "phi thường".
Góp ý định hướng phát triển, ông đề xuất tỉnh cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế cửa khẩu biển, đồng thời tận dụng tốt vai trò đầu tàu của các đặc khu, đặc biệt là Phú Quốc, để tạo động lực phát triển, nhất là trong bối cảnh tỉnh sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị APEC 2027. Ngoài ra, ông Trần Đình Thiên cũng đề xuất An Giang mạnh dạn trở thành mô hình thí điểm thực hiện cơ chế tự quyết địa phương.
HẢI DƯƠNG - CHÂU ANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/phat-trien-kinh-te-bien-lay-dac-khu-phu-quoc-lam-dau-tau-tang-truong-tinh-an-giang-post860206.html