Phát triển kinh tế số và xã hội số: Người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là mục tiêu...

Phát triển kinh tế số và xã hội số: Người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là mục tiêu...
3 giờ trướcBài gốc
Thúc đẩy chuyển đổi số
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cho biết tư tưởng chính của diễn đàn tập trung 2 định hướng, đó là: Phát triển kinh tế số (KTS) bằng việc thúc đẩy cả cung và cầu về KTS; chương trình hành động của Bộ TT&TT và các bộ, ngành để thúc đẩy phát triển KTS các ngành, các lĩnh vực. Để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đất nước mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, trong đó có mục tiêu đến năm 2030 KTS chiếm 30% GDP, ông Thái Thanh Quý, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh chúng ta cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm, như: Hoàn thiện thể chế và quy định pháp luật; đầu tư vào hạ tầng số chiến lược; ứng dụng công nghệ số trong các ngành kinh tế chủ lực; xây dựng và thúc đẩy thị trường dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư của người dân; phát triển nguồn nhân lực số; khuyến khích nghiên cứu khoa học - công nghệ.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II tham quan các gian hàng tại triển lãm Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Thời gian qua, Bình Dương đã có những bước tiến đáng khích lệ trong quá trình chuyển đổi số nhờ vào sự quyết tâm mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết định hướng của Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển hệ sinh thái đô thị - công nghiệp thông minh, trong đó KTS, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò nòng cốt. Bình Dương mong muốn xây dựng trở thành một đô thị thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại, nơi khoa học - công nghệ làm động lực phát triển, thu hút đầu tư công nghệ cao và xây dựng môi trường sống chất lượng cho người dân. Các dự án quy hoạch của tỉnh sẽ tập trung vào phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, khuyến khích các sáng kiến đổi mới từ cộng đồng.
Quang cảnh diễn đàn
Ông Võ Văn Minh khẳng định diễn đàn lần này có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với Bình Dương mà còn cho cả nước. Diễn đàn là cơ hội để cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về chuyển đổi số và định hướng phát triển KTS, xã hội số cho các địa phương. Bình Dương mong muốn học hỏi từ những mô hình, sáng kiến hiệu quả để nâng cao năng lực chuyển đổi số; tin tưởng diễn đàn sẽ mở ra nhiều mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, giúp Việt Nam đón đầu các xu thế công nghệ của thời đại.
Tham dự Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II có ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh. Về phía tỉnh Bình Dương có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Dành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức
Tại phiên toàn thể, các diễn giả đã thảo luận các nội dung, như: Chuyển đổi số và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP.Hồ Chí Minh; mô hình triển khai điểm đến du lịch thông minh trên toàn quốc - hiện trạng và giải pháp; chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ kinh nghiệm thành công của Tập đoàn TH; chuyển đổi số công nghiệp: Kinh nghiệm thực tiễn triển khai tại Tổng Công ty Becamex IDC; nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu...
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, trước những thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh các nền tảng thương mại điện tử quốc tế đang phát triển mạnh mẽ, thành phố tập trung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số; phát triển KTS có trọng tâm, trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực chính; định hướng, phổ cập KTS vào mọi thành phần kinh tế, xã hội…
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể của diễn đàn
Tham luận về chuyển đổi số công nghiệp tại Tổng Công ty Becamex IDC, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ thông tin Tổng Công ty Becamex IDC, chia sẻ về chiến lược xây dựng hệ sinh thái công nghiệp 4.0 Becamex; mô hình khung chuyển đổi công nghiệp Becamex; hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Becamex; làm chủ công nghệ và tự chuyển đổi nội tại của Becamex IDC…
Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đề nghị thời gian tới các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, phát triển KTS, xã hội số; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế số, cơ chế, chính sách ưu đãi; đẩy mạnh phát triển công nghệ số, dữ liệu số chất lượng cao; đồng thời chú trọng phát triển các lĩnh vực mới; thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất; huy động tốt các nguồn lực thúc đẩy nghiên cứu và phát triển.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, ông Phạm Tuấn Anh đã đưa ra một số đề xuất như: Thành lập văn phòng chuyên trách liên bộ thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0; triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực phát triển và áp dụng công nghiệp 4.0 ở quy mô quốc gia; xây dựng các chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế cho các doanh nghiệp chuyển đổi số; các nhà phát triển hạ tầng công nghiệp cần chủ động tham gia kiến tạo và thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp 4.0; kết hợp “3 nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp để xây dựng chiến lược tổng thể chính sách, nhân lực, thương mại.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể, ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nhấn mạnh Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II rất phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển của đất nước. Hiện nay, công cuộc chuyển đổi số quốc gia còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức, cần phải tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ trong thời gian tới. Để công cuộc chuyển đổi số quốc gia phát triển hiệu quả, thực chất, đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực. Do đó, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động; triển khai có hiệu quả chuyển đổi số quốc gia, gắn với chủ đề của năm 2024: “Phát triển KTS với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số; phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực cho phát triển KTS, xã hội số; xây dựng văn hóa trên môi trường số, kiến tạo môi trường số văn minh, hiện đại, an ninh, an toàn” .
PHƯƠNG LÊ
Nguồn Bình Dương : https://baobinhduong.vn/phat-trien-kinh-te-so-va-xa-hoi-so-nguoi-dan-doanh-nghiep-la-chu-the-la-muc-tieu--a335534.html