Phát triển kinh tế tập thể: Vững vàng vượt khó

Phát triển kinh tế tập thể: Vững vàng vượt khó
11 giờ trướcBài gốc
Hoạt động sản xuất tại HTX Trung Đoàn, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn
Trước những khó khăn xuất phát từ thực tiễn hoạt động, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực, chủ động, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, qua đó vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho HTX, vừa tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động.
Nỗ lực từ hợp tác xã
Trận bão lịch sử xảy ra vào đầu tháng 9/2024 đã cuốn trôi nhiều tài sản của người dân, HTX trên địa bàn tỉnh, trong đó có HTX thủy sản Lê Hồng Phong, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn. Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX cho biết: Bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây gió mạnh, mưa lớn làm 9 lồng bè và 3 ao nuôi cá của HTX bị đứt, gãy, ngập nước dẫn tới một số lượng lớn cá (phần lớn là cá giống) của HTX bị trôi ra ngoài gây thiệt hại cho HTX khoảng 350 triệu đồng. Ngay sau khi xảy ra sự cố, các thành viên HTX đã huy động nguồn lực để nhanh chóng sửa chữa, gia cố lồng bè, ao nuôi, đầu tư bổ sung thêm nguồn cá mới để từng bước phục hồi sản xuất. Từ sự chủ động, khẩn trương của các thành viên, hoạt động chăn nuôi cá của HTX nhanh chóng ổn định. Năm 2024, doanh thu của HTX đạt gần 2 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2023, thu nhập bình quân thành viên và người lao động đạt khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự HTX thủy sản Lê Hồng Phong, năm 2024, HTX Thống Nhất, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cũng đã “gồng mình” để vượt khó vươn lên. Ông Nguyễn Đức Bẩy, Giám đốc HTX Thống Nhất cho biết: Đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Những năm gần đây, hoạt động xây dựng gặp phải nhiều sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp, HTX trong cùng lĩnh vực. Đặc biệt năm 2024, thời tiết mưa nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị. Trước thực tế đó, HTX đã chủ động huy động các nguồn lực trong và ngoài HTX để đầu tư trang thiết bị máy móc, thuê những kỹ sư, thợ có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm để giúp HTX nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, HTX đã chủ động, linh hoạt triển khai các biện pháp thi công để phù hợp với điều kiện thời tiết, qua đó đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình. Bình quân mỗi năm, HTX tạo việc làm cho khoảng 60-100 lao động với thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với 2 HTX kể trên, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu từ Liên minh HTX tỉnh, tính đến tháng 12/2024, trên địa bàn tỉnh có 310 tổ hợp tác, 539 HTX đăng ký hoạt động (trong đó có 456 HTX đang hoạt động), 3 Liên hiệp HTX đăng ký hoạt động (trong đó có 1 Liên hiệp HTX đang hoạt động). Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động huy động nguồn lực để đầu tư trang thiết bị máy móc, mở rộng quy mô, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nhiều HTX đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các khâu sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm... Điển hình như HTX chế biến nông sản Lụa Vy, huyện Chi Lăng; HTX Trung Đoàn, huyện Bắc Sơn; HTX Thành Lộc, huyện Lộc Bình; HTX sản xuất và dịch vụ nông lâm nghiệp Hoàng Trung, thành phố Lạng Sơn; HTX nông sản Toàn Thương, huyện Văn Lãng...
Liên minh HTX tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho HTX
Đồng bộ giải pháp hỗ trợ
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như nhiều HTX có quy mô nhỏ, lẻ; thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; chưa có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp; nguồn nhân lực chất lượng cao còn ít; khả năng kết nối thị trường tiêu thụ còn hạn chế... Trước thực tế đó, các cấp, ngành liên quan đã triển khai các giải pháp cụ thể từng bước hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho HTX. Điển hình như việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho HTX.
Năm 2024, các cấp, ngành liên quan tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho HTX. Đặc biệt cuối tháng 4/2024, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp mặt, kết nối tiêu thụ sản phẩm của HTX. Tại hội nghị, đại diện các HTX, doanh nghiệp cùng các đơn vị liên quan đã thảo luận, phân tích chỉ ra những hạn chế trong khâu quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm của HTX, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, HTX đã gặp gỡ, trao đổi và ký kết 6 hợp đồng cung ứng vốn và tiêu thụ sản phẩm cho HTX. Từ đó, giúp một số HTX có thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn, ổn định.
Chăm sóc thỏ tại HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hoàng Trung, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn
Ông Lý Minh Hiếu, Giám đốc HTX Thành Lộc, huyện Lộc Bình cho biết: HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi gà 6 ngón. Thông qua hội nghị kết nối, phía HTX đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 2 nhà hàng lớn tại thành phố Lạng Sơn. Từ khi ký kết đến nay, bình quân mỗi tháng, HTX cung ứng khoảng 600 con gà thịt cho 2 nhà hàng (dịp cao điểm có thể cao hơn) với giá cả ổn định. Có thêm thị trường tiêu thụ ổn định, HTX yên tâm tập trung vào khâu sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm gà của HTX.
Cùng với tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm cho HTX, từ đầu năm 2024 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ 16 HTX trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội, Bình Định, Thái Nguyên... Đồng thời, các sở, ngành, hội, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố đã lồng ghép các chương trình để hỗ trợ các HTX quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm ở các chương trình ở cả trong và ngoài tỉnh.
Song song với hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, năm 2024, các cấp, ngành liên quan còn triển khai một số giải pháp để hỗ trợ HTX. Ông Liễu Xuân Du, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Bên cạnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của HTX, đến nay, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX (sau sắp xếp lại vào năm 2024) đã hỗ trợ 25 thành viên của 9 HTX và 1 tổ hợp tác vay vốn với số tiền 2,5 tỷ đồng. Cùng với đó, từ đầu năm 2024 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp tổ chức 26 hội nghị tuyên truyền về kinh tế tập thể; 3 lớp tập huấn cho các HTX trên địa bàn tỉnh với các nội dung về quản trị, điều hành; kiểm soát; tổ chức 2 hội nghị gặp mặt, đối thoại với đại diện các HTX trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các cấp, ngành liên quan tiếp tục triển khai hỗ trợ đưa 4 trí thức trẻ về làm việc tại các HTX; hỗ trợ lãi suất tín dụng cho 5 HTX...
Từ sự chủ động, nỗ lực của các HTX và sự quan tâm chỉ đạo sát sao, hỗ trợ thiết thực của các cấp, ngành liên quan, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế tập thể chung trên địa bàn. Ước đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 540 HTX đăng ký hoạt động. Doanh thu bình quân của 1 tổ hợp tác ước đạt 650 triệu đồng/năm; của HTX ước đạt 1,35 tỷ đồng/năm, đạt 135% kế hoạch, tăng 350 triệu đồng so với năm 2023; thu nhập của người lao động trong HTX đạt 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, tăng 0,5 triệu đồng so với năm 2023...
Với sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, sự chủ động, nỗ lực, nhạy bén của các HTX, tin tưởng rằng lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến rõ nét hơn nữa. Từ đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn.
TÂN AN
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/phat-trien-kinh-te-tap-the-vung-vang-vuot-kho-5032072.html