Phát triển kinh tế từ cây dưa lưới

Phát triển kinh tế từ cây dưa lưới
15 giờ trướcBài gốc
Qua lời giới thiệu của người quen và sau khi tìm hiểu mô hình trồng dưa lưới, anh Tín đã mạnh dạn đầu tư khoảng 60 triệu đồng cho nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hạt giống... để thực hiện trồng dưa lưới. Lúc đầu anh Tín chỉ trồng thử trên diện tích khoảng 110m2 , với 210 gốc dưa lưới. Sau thời gian chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng, vườn dưa lưới phát triển tốt và cho thu hoạch vụ đầu tiên, trọng lượng trung bình mỗi trái dưa lưới đạt khoảng gần 2kg. Đồng thời, nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng về chất lượng trái, như: Thịt trái chắc, giòn, ngọt, vỏ mỏng, thời gian bảo quản lâu… Từ đó, anh Tín quyết định mở rộng thêm nhà màng để trồng dưa lưới.
Đến nay, sau hơn 5 năm gắn bó, với dưa lưới, anh Tín đã có 6 nhà màng với diện tích mỗi nhà màng khoảng 110m2 và nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định ở trong và ngoài địa phương. Anh Tín chia sẻ: “Dù vốn đầu tư ban đầu tương đối cao, nhưng bù lại mô hình cho thu nhập ổn định, giá trị kinh tế cao, với giá bán dao động từ 45.000 – 60.000 đồng/kg tùy mùa vụ và loại giống. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của cây dưa lưới tương đối ngắn, có thể canh tác 3 - 4 vụ/năm nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh”.
Anh Tín cho biết, trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi công chăm sóc phải tỉ mỉ. Quy trình chuẩn, kiểm soát chặt chẽ từ khâu hạt giống, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi thu hoạch mới có thể thành công. Hạt giống dưa lưới được anh mua ở cơ sở có uy tín, sau đó gieo trong giá thể xơ dừa đã qua xử lý, giúp cây tránh tiếp xúc với vi sinh vật có hại. Bình quân mỗi gốc dưa lưới, anh Tín chỉ để 1 trái và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi trái.
Theo anh Tín, hệ thống nhà màng trồng dưa lưới có ưu điểm là có thể sản xuất liên tục, không cần phụ thuộc điều kiện thời tiết, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động được chế độ dinh dưỡng và hạn chế thấp nhất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, nên sản phẩm bảo đảm an toàn, giảm chi phí. Tùy quá trình sinh trưởng, phát triển của từng loại giống dưa lưới, thời gian từ khi xuống giống đến thu hoạch khoảng 2,5 - 3 tháng, sau mỗi vụ thu hoạch thì ngưng khoảng 2 tuần để vệ sinh thay giá thể để chuẩn bị trồng cho vụ tiếp theo. Bên cạnh đó, anh Tín còn sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel điều khiển bằng điện thoại thông minh không cần phải đến trại trồng, nhưng vẫn có thể tưới cho cây dưa lưới, giảm được rất nhiều thời gian và chi phí. Hệ thống tưới chính xác lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới giúp cho cây dưa lưới phát triển đồng đều.
“Tôi cũng đã đầu tư, thiết kế bộ cảm biến với mục đích kiểm soát độ ẩm không khí, nhiệt độ, độ ẩm đất và cường độ ánh sáng, cảnh báo các chỉ số về yếu tố tự nhiên qua ứng dụng trên điện thoại thông minh để cài đặt chế độ tưới kết hợp bổ sung dinh dưỡng kịp thời theo nhu cầu sinh học của cây. Đây là điều kiện rất cần thiết để cây sinh trưởng phát triển tốt, kháng sâu bệnh cho năng suất chất lượng tối ưu” – anh Tín chia sẻ.
Đặc biệt, để có đầu ra ổn định cho sản phẩm, ngoài bán lẻ dưa lưới ở địa phương, anh Tín còn sử dụng thêm kênh phân phối, liên kết tiêu thụ sản phẩm với một số bạn bè ở TP. Hồ Chí Minh và thông qua mạng xã hội, như: Facebook, Zalo… để giới thiệu và bán sản phẩm. “Trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới tự động ít tốn công chăm sóc, đầu ra ổn định, thu nhập cao. Bên cạnh đó, tôi trồng dưa lưới theo dạng gối vụ nhau để có sản phẩm dưa lưới thu hoạch thường xuyên, trại này thu hoạch xong mới đến trại kia, không tập trung thu hoạch rộ cùng một thời điểm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và tránh việc “dội chợ”. Nhờ đó, vườn dưa lưới của tôi bán được giá cao và ổn định. Tôi sẽ hướng đến xây dựng thương hiệu để sản phẩm dưa lưới của mình vươn xa hơn”- anh Tín cho biết.
“Hiện, tôi đang chăm sóc dưa lưới chuẩn bị bán Tết Nguyên đán, từ 6 nhà màng tôi trồng 2 giống dưa lưới ngân long và kim long. Dự kiến, tôi sẽ thu hoạch khoảng 1,7 tấn dưa lưới phục vụ thị trường Tết, bán với giá từ 55.000 – 70.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi lời khoảng 40 - 45% trên tổng thu nhập từ dưa lưới” – anh Tín chia sẻ thêm.
TRỌNG TÍN
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/phat-trien-kinh-te-tu-cay-dua-luoi-a411987.html