Phát triển kinh tế tư nhân: Bước ngoặt từ Nghị quyết số 68-NQ/TW

Phát triển kinh tế tư nhân: Bước ngoặt từ Nghị quyết số 68-NQ/TW
5 giờ trướcBài gốc
Động lực phát triển từ doanh nghiệp nhỏ và vừa
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương) nhận định, Nghị quyết số 68-NQ/TW thể hiện tư duy chiến lược toàn diện, hệ thống và có tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt, nghị quyết cũng chỉ ra rằng, KTTN hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Đây là những vấn đề lâu nay chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến những rào cản lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong khu vực tư nhân. Việc nhận diện chính thức những vấn đề này trong Nghị quyết số 68-NQ/TW đã mở ra cơ hội để gỡ bỏ những hạn chế và khó khăn đối với khu vực này.
Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần Tôn mạ Vnsteel Thăng Long (Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội).
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế (tăng gấp đôi so với hiện nay). Điều đó đồng nghĩa, mỗi năm, sau khi đã trừ đi số doanh nghiệp tư nhân rút lui khỏi thị trường thì cần có thêm ít nhất 200.000 doanh nghiệp mới. Đây là một mục tiêu không dễ dàng, đòi hỏi sự chuyển biến đồng bộ và quyết liệt trong tư duy, hành động của toàn bộ hệ thống chính trị.
Trong cơ cấu doanh nghiệp hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp, đóng vai trò nòng cốt trong việc hiện thực hóa mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực dễ “tổn thương”, gặp nhiều thách thức về năng lực cạnh tranh, khả năng liên kết và tiếp cận nguồn lực. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, khu vực KTTN đã có bước phát triển ấn tượng trong gần 40 năm đổi mới. Tuy nhiên, cơ cấu doanh nghiệp vẫn còn thiếu cân đối. Doanh nghiệp quy mô vừa, lực lượng được kỳ vọng sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ lại đang thiếu vắng, trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân lớn thực sự có năng lực sản xuất, công nghệ và thương hiệu mang tầm quốc tế vẫn còn rất ít, phần lớn vẫn phụ thuộc vào bất động sản và tài chính.
Một vấn đề được đặt ra hiện nay, đó là khu vực KTTN nhỏ rất đông đảo, tạo công ăn việc làm và đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước (GDP), nhưng hiện tại vẫn hoạt động chủ yếu trong vùng “khu vực kinh tế phi chính thức”. Ông Đậu Anh Tuấn cho biết thêm, hiện nay, theo thống kê, cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Mặc dù lực lượng này rất lớn nhưng phần lớn vẫn chưa chính thức và thiếu động lực để chuyển đổi thành doanh nghiệp chính thức.
Để giải quyết những hạn chế này, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, cần triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp: Thứ nhất, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa và các dự án đầu tư lớn bằng cách yêu cầu các nhà đầu tư trong và ngoài nước dành tối thiểu 30% giá trị hợp đồng cho doanh nghiệp trong nước, có chính sách ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hóa; thứ hai, cải thiện khả năng tiếp cận vốn bằng việc hoàn thiện khung pháp lý cho vay dựa trên tài sản hình thành trong tương lai, tăng cường vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng; thứ ba, cải cách thể chế một cách thực chất, trong đó yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% thời gian và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển.
Doanh nghiệp cần chủ động trong bối cảnh mới
Nghị quyết số 68-NQ/TW đã mở ra một hành lang pháp lý thuận lợi hơn để phát triển doanh nghiệp tư nhân, nhưng thành công hay không còn phụ thuộc vào ý chí vươn lên, tinh thần dấn thân và khả năng tự đổi mới của từng doanh nghiệp. Không ai khác, chính doanh nghiệp phải là người “viết tiếp” câu chuyện phát triển của mình bằng nỗ lực và hành động cụ thể, từ việc chuẩn hóa quản trị, minh bạch tài chính, mở rộng liên kết đến chủ động hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Kinh nghiệm cho thấy, những doanh nghiệp phát triển bền vững đều là những đơn vị biết tự thích ứng, liên tục nâng cao năng lực quản trị, đầu tư vào công nghệ và không ngừng tìm kiếm cơ hội trong thách thức. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng biến động, việc trông đợi vào sự ưu đãi hoặc bảo hộ sẽ chỉ khiến doanh nghiệp chậm bước, dễ bị đào thải. Thay vào đó, bản thân doanh nghiệp cần xem mỗi thay đổi chính sách là một cơ hội để cải tổ mô hình, củng cố nội lực và nâng cao sức cạnh tranh. Ông Nguyễn Văn Thân khuyến nghị các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, đặc biệt là các chính sách về tín dụng, thuế và đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để thực sự tận dụng được các chính sách này, các doanh nghiệp phải có kế hoạch kinh doanh bài bản, tham gia các chương trình tập huấn và nâng cao năng lực quản trị.
Trong những năm gần đây, KTTN Việt Nam tuy có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Vì vậy, để phát triển bền vững, cần có chiến lược phù hợp cho từng nhóm doanh nghiệp, từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với các giải pháp cụ thể trong việc hỗ trợ đào tạo, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản trị. Đồng thời, cần tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và hợp lý để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự thịnh vượng của nền kinh tế quốc gia.
Nghị quyết số 68-NQ/TW là một bước ngoặt quan trọng trong việc phát KTTN, nhưng thành công chỉ thực sự đến từ sự nỗ lực không ngừng của chính các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là những “chiến sĩ” kiên cường trên mặt trận kinh tế, sẵn sàng vượt qua thách thức để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Với tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên, nền KTTN Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.
Bài và ảnh: THANH HUYỀN - ĐỨC THỊNH
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-buoc-ngoat-tu-nghi-quyet-so-68-nq-tw-828653