Trong một nền kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân không chỉ là trụ cột chính của tăng trưởng mà còn đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy đổi mới, tạo việc làm và ngân sách quốc gia. Ảnh: Minh Duy
Làm mới nền kinh tế thị trường
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều biểu hiện của cơ chế kế hoạch hóa trong quản lý kinh tế. Nhà nước vẫn sử dụng quá nhiều công cụ hành chính để kiểm soát thị trường và điều tiết các doanh nghiệp thay vì để cung – cầu tự điều tiết.
Những can thiệp hành chính quá mức như vậy không chỉ làm méo mó thị trường mà còn tạo ra sự kém hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, làm suy giảm động lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và cản trở ý chí khởi nghiệp của người dân. Để giải quyết vấn đề này, tư duy hành chính phải được thay thế bằng tư duy thị trường trong quản lý kinh tế.
Phát triển kinh tế tư nhân với một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa không có nghĩa là Nhà nước hoàn toàn đứng ngoài mà đóng vai trò định hướng, tạo ra khung pháp lý và điều tiết vĩ mô. Tuy nhiên, sự điều tiết này phải dựa trên nguyên tắc thị trường, bằng các công cụ kinh tế, chẳng hạn như thuế, phí hay các công cụ tiền tệ.
Trong hầu hết các chính sách, cần phải nghĩ đến thuế như một công cụ kinh tế hữu hiệu để điều tiết các quan hệ kinh tế của thị trường, các giao dịch và hợp đồng của tư nhân, bao gồm cả việc tái phân phối và chuyển hóa giữa lợi ích kinh tế của Nhà nước với lợi ích tài chính của thị trường và doang nghiệp.
Nhà nước có hai chức năng cơ bản là sửa chữa các thất bại của thị trường và tái phân phối. Các chức năng này được thể hiện qua vai trò của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân và đảm bảo thực thi hợp đồng cho doanh nghiệp đồng thời phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và công bằng; tham gia đầu tư vào những lĩnh vực mà thị trường không thể tự phân bổ hiệu quả như giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng.
Một khi tư duy thị trường chưa thực sự thấm nhuần, thì vai trò của Nhà nước dễ bị hiểu sai, dẫn đến hai thái cực: hoặc can thiệp quá mức hoặc buông lỏng quản lý. Cả hai đều gây bất ổn và cản trở sự phát triển của kinh tế thị trường cũng như kinh tế tư nhân.
Kinh tế tư nhân: trụ cột chủ đạo của nền kinh tế thị trường
Trong một nền kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân không chỉ là trụ cột chính của tăng trưởng mà còn đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy đổi mới, tạo việc làm và ngân sách quốc gia. Kinh tế tư nhân không chỉ cung cấp nguồn lực tài chính mà còn là yếu tố quyết định mức độ linh hoạt, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khi kinh tế tư nhân phát triển, nền kinh tế sẽ có sức bật cao hơn, tạo ra sự năng động, sáng tạo và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.
Việt Nam muốn có nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập thì phải đảm bảo rằng kinh tế tư nhân được phát triển trong môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi, nơi mà sáng tạo và cạnh tranh thực sự trở thành động lực cho sự thịnh vượng chung. Để làm được điều đó, một lần nữa, phải quay về với nền tảng tư duy kinh tế thị trường.
Nếu tư duy kinh tế thị trường không được áp dụng đúng mức, doanh nghiệp tư nhân sẽ bị kìm hãm bởi những rào cản hành chính nặng nề. Khi đó, thay vì dành thời gian và nguồn lực cho đổi mới và phát triển, doanh nghiệp phải vật lộn với những quy định chồng chéo, chi phí tuân thủ cao và sự bất định về chính sách. Hệ quả là kinh tế tư nhân sẽ mất đi động lực, không thể vươn lên thành đầu tàu tăng trưởng mà chỉ tồn tại trong sự phát triển cầm chừng, không lớn lên được.
Một nền kinh tế muốn phát triển mạnh mẽ không thể để doanh nghiệp tư nhân giống như những hạt giống tốt bị gieo trên mảnh đất cằn cỗi của nền kinh tế kế hoạch hóa và cơ chế chỉ huy. Nếu môi trường kinh doanh không được cải thiện thì dù có tiềm năng lớn đến đâu, doanh nghiệp cũng sẽ bị kiệt quệ hoặc mất khả năng cạnh tranh.
Thực tế ở nhiều quốc gia cho thấy, nơi nào tạo ra được một hệ sinh thái thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân, với chính sách khuyến khích đầu tư, thủ tục hành chính đơn giản, chi phí tuân thủ thấp, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh được bảo đảm thì nền kinh tế ở đó sẽ bứt phá mạnh mẽ.
Đổi mới tư duy để bước vào kỷ nguyên mới
Để kinh tế tư nhân có thể đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng vai trò là động lực chủ đạo của nền kinh tế trong thập niên tới cần đặt nền móng trên các nguyên tắc thị trường. Nền kinh tế không thể vừa mong muốn cạnh tranh, đổi mới lại vừa duy trì cơ chế xin-cho, hạn chế cạnh tranh và thiếu minh bạch trong quản lý.
Điều cốt lõi của một nền kinh tế thị trường không phải nằm ở tên gọi mà quan trọng là cách nó được vận hành. Nếu thị trường vẫn bị chi phối bởi các quyết định hành chính thay vì các yếu tố cung - cầu, nếu quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp vẫn bị ràng buộc bởi những quy định bất hợp lý, nếu việc phân bổ nguồn lực vẫn dựa vào ý chí chủ quan thay vì cơ chế thị trường thì dù có đặt tên là “kinh tế thị trường” nhưng trên thực tế, đó cũng nó vẫn chỉ là một phiên bản cải biên của “kinh tế kế hoạch”.
Nếu muốn xây dựng một nền kinh tế hiện đại, trong đó kinh tế tư nhân thực sự đóng vai trò chủ đạo thì không thể giữ mãi tư duy cũ. Điều này cũng tựa như việc chúng ta mua một chiếc máy bay nhưng vẫn giữ tư duy đi xe đạp thì dù là phương tiện hiện đại nhưng nó cũng chỉ chạy loanh quanh trên mặt đất, chứ không thể cất cánh.
Sau bốn thập niên đổi mới, đã đến lúc Việt Nam cần có bước chuyển tư duy mạnh mẽ hơn để bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Chỉ khi nào tư duy kinh tế thị trường trở thành nền tảng, kinh tế tư nhân trở thành động lực chủ đạo thì chúng ta mới có thể có được một nền kinh tế thị trường hiện đại, thực chất; kinh tế tư nhân mới có thể phát triển bùng nổ, đất nước mới trở nên hùng cường và thịnh vượng.
(*) Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright
Đỗ Thiên Anh Tuấn