Phát triển kinh tế - xã hội số phù hợp thực tiễn

Phát triển kinh tế - xã hội số phù hợp thực tiễn
10 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức ngày 14/11 tại Bình Dương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.
Tham dự diễn đàn còn có lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương: ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Thái Thanh Quý, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Văn Lợi, Bí Thư tỉnh Ủy Bình Dương...
Gắn với các trụ cột chính
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm cũng như kết quả tích cực đạt được của Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số (CĐS) của đất nước.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, phải thẳng thắn, nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức phải tiếp tục được đẩy mạnh tháo gỡ trong thời gian tới. Theo đó, cần phải đổi mới tư duy, hành động phù hợp điều kiện thực tiễn; triển khai có hiệu quả chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, gắn với chủ đề của năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với các trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Đồng thời, phát huy tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế số, xã hội số (KTS-XHS); xây dựng văn hóa trên môi trường số văn minh, hiện đại, an toàn.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các Bộ, cơ quan liên quan, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, cần tăng cường nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của CĐS quốc gia, phát triển KTS-XHS. Tiếp đến tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế số, chính sách ưu đãi, vượt trội thúc đẩy cho CĐS quốc gia, phát triển KTS-XHS theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
Đẩy mạnh phát triển công nghệ số, dữ liệu số chất lượng cao; chú trọng phát triển các lĩnh vực mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tham quan triển lãm các ứng dụng công nghệ cho phát triển KTS-XHS bên lề diễn đàn.
Bên cạnh đó, cần huy động các nguồn lực cho thúc đẩy nghiên cứu và phát triển. Thúc đẩy phát triển nhân lực số, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi và đề án phát triển 50.000 nhân lực bán dẫn.
“Tôi tin tưởng, với nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cơ quan, người dân và doanh nghiệp, Việt Nam chúng ta sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu đột phá trong phát triển KTS-XHS với phương châm “Rộng hơn - Toàn diện hơn - Nhanh hơn - Chất lượng hơn - Thiết thực hơn”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ.
Gíup Việt Nam đón đầu công nghệ
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6%. Và chúng ta sẽ đạt 20% vào năm 2025, hoàn thành được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, CĐS là 2 câu chuyện tách bạch rõ ràng, câu chuyện công nghệ và câu chuyện chuyển đổi. Trong đó, chuyển đổi là chính, chiếm 70%. Người lãnh đạo không nên bị cuốn vào công nghệ vì đây không phải nghề của người lãnh đạo. Người lãnh đạo tập trung vào việc xác định các vấn đề, "nỗi đau" của tổ chức, hoặc một giải pháp mới trong kinh doanh, và ra lệnh dùng công nghệ số để giải quyết, và sẵn sàng thay đổi quy trình, cách thức vận hành để đạt hiệu quả, đây mới đúng vai của người lãnh đạo. Một khi đã đúng vai, đúng nghề thì việc sẽ dễ hơn rất nhiều.
“Để không phải sợ công nghệ số, chúng ta hãy tư duy như người không biết gì nhằm sử dụng nó một cách tốt nhất, bởi vì sức mạnh của công nghệ số là không giới hạn. Nếu bạn biết về công nghệ tức là mới biết một phần về nó và vì thế mà tư duy sáng tạo của bạn sẽ bị giới hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu chia sẻ về định hướng kỹ thuật số và CĐS của tỉnh nhà.
Là địa phương có tốc độ chuyển đổi số ở top đầu của cả nước, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ, định hướng mới tỉnh của đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 là phát triển hệ sinh thái đô thị - công nghiệp thông minh, trong đó kỹ thuật số, đổi mới sáng tạo và CĐS đóng vai trò nòng cốt. Diễn đàn lần này là cơ hội để tất cả cùng nhau trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về CĐS và định hướng phát triển kỹ thuật số và xã hội số cho các địa phương.
“Chúng tôi mong muốn học hỏi từ những mô hình, sáng kiến hiệu quả để nâng cao năng lực CĐS. Diễn đàn sẽ mở ra nhiều mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, giúp Việt Nam đón đầu các xu thế công nghệ của thời đại”, ông Võ Văn Minh nói.
Quốc Định
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/phat-trien-kinh-te-xa-hoi-so-phu-hop-thuc-tien-10294483.html