(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
Theo đại diện Bộ Xây dựng, cây xanh, công viên được xem là “lá phổi” của đô thị, đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người, giúp cải thiện môi trường sống, bảo vệ môi trường (đặc biệt là tại các đô thị lớn, ven biển), tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy hệ thống công viên, cây xanh vẫn chưa phát triển tương xứng với quy mô đô thị và nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng cây xanh, công viên đô thị để cụ thể hóa quy định về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.
Trước thực tế trên, Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý cây xanh, công viên đô thị (thay thế Nghị định số 64/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị, bởi sau hơn 13 năm thực thi đã bộc lộ những điểm hạn chế trong thực tiễn quản lý).
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội khóa XV cũng đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 (thay thế Luật Quy hoạch đô thị năm 2009) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025; trong đó khoản 2 Điều 53 giao “Chính phủ quy định chi tiết về quản lý công viên, cây xanh, mặt nước tại đô thị, nông thôn.”
Đại diện Bộ Xây dựng cho hay, mục đích ban hành nghị định trên nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về cây xanh, công viên công cộng đô thị; bảo đảm phân định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể có hoạt động liên quan đến quản lý phát triển cây xanh và công viên công cộng đô thị; nâng cao khả năng huy động các nguồn lực tham gia vào đầu tư phát triển cây xanh, công viên công cộng đô thị nhằm tăng diện tích không gian xanh công cộng đô thị, góp phần nâng cao chất lượng môi trường đô thị.
Theo đó, dự thảo nghị định đặt ra mục tiêu bảo đảm không gian cây xanh trong hoạt động quản lý quy hoạch; quy hoạch đô thị phải bảo đảm chỉ tiêu tỷ lệ đất cây xanh trong cơ cấu sử dụng đất và bố trí đất cây xanh bảo đảm hài hòa với không gian phát triển của đô thị, bảo đảm khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người.
Khi lập quy hoạch để cải tạo, chỉnh trang đô thị hoặc tái thiết đô thị, địa phương phải đánh giá chỉ tiêu diện tích đất cây xanh đô thị của khu vực lập quy hoạch so với quy chuẩn về quy hoạch đô thị. Trường hợp khu vực lập quy hoạch chưa đáp ứng chỉ tiêu diện tích đất cây xanh đô thị, nội dung quy hoạch phải ưu tiên bố trí đất cây xanh và quy định về chỉ tiêu diện tích mảng xanh đối với các lô đất xây dựng công trình trong quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị để tăng diện tích cây xanh đô thị.
Khuyến khích trồng, phát triển và bảo vệ cây xanh cách ly tại các khu vực ven biển, ven sông của đô thị. (Ảnh: HV/Vietnam+)
Đối với đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị được xác định trong quy hoạch đô thị đã phê duyệt, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cắm mốc giới theo quy hoạch được phê duyệt và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Trường hợp đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị đã được Nhà nước thu hồi nhưng chưa thực hiện dự án đầu tư xây dựng hoặc chưa huy động được nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình công viên, vườn hoa, ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm giao tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, sử dụng và khai thác đất đã thu hồi làm vườn ươm hoặc công trình công cộng có tính chất tạm thời theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Yêu cầu đối với quản lý, duy trì cây xanh đô thị là việc trồng, phát triển cây xanh đô thị sử dụng công cộng bảo đảm tuân thủ theo quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, phương án thiết kế cây xanh đô thị, quy chế quản lý kiến trúc có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt; khi xây dựng mới đường đô thị phải trồng cây xanh đồng bộ với việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Cây xanh đô thị sử dụng công cộng có thể trồng cố định trên đất hoặc trồng di động trong các chậu chuyên dụng. Việc lựa chọn các hình thức bố trí cây, loại cây trồng phải phù hợp với từng khu vực, từng loại đường phố, đặc thù của mỗi đô thị và yêu cầu về cảnh quan, mục đích ưu tiên. Loài cây xanh đô thị sử dụng công cộng được lựa chọn trồng phải nằm trong danh mục cây xanh đô thị sử dụng công cộng.
Dự thảo nghị định cũng đề cập đến việc trồng cây bóng mát trong khuôn viên công trình và cây trang trí trên các ban công, sân thượng, mái nhà phải bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị; khuyến khích trồng, phát triển và bảo vệ cây xanh cách ly tại các khu vực ven biển, ven sông của đô thị để tăng cường khả năng phòng hộ, giảm thiểu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và bảo vệ công trình.
Đối với cây nguy hiểm trong đô thị phải có biện pháp bảo vệ và có kế hoạch chặt hạ, dịch chuyển kịp thời. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng quản lý để giải quyết khi phát hiện cây nguy hiểm và các hành vi gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh đô thị./.
(Vietnam+)