Tuyến metro số 1 rất được người dân ưa chuộng ở TPHCM. Ảnh: Đ.Xá.
Những kế hoạch lớn
Chỉ khoảng nửa năm sau khi đưa vào khai thác thương mại, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã vận chuyển hơn 10 triệu lượt khách, trở thành phương tiện công cộng được người dân ưa chuộng. Đây là “bệ đỡ” để TPHCM triển khai các tuyến metro tiếp theo và cũng là minh chứng sát thực rằng, nhu cầu thực tế của loại hình phương tiện công cộng này ở TPHCM.
Nắm bắt thực tiễn này, TPHCM đã lên kế hoạch thực hiện khoảng 500km (trước là 350km) metro trong thời gian 10 năm tới. Trong bối cảnh TPHCM vừa hợp nhất với các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương nên dự báo nhu cầu sử dụng metro sẽ còn tăng gấp nhiều lần những năm tới. Ngoài ra, diện tích TPHCM mới rộng lớn cũng kích thích nhu cầu sử dụng metro cao hơn.
Được biết, trước thời điểm hợp nhất, các địa phương TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu đều có quy hoạch xây dựng các tuyến metro. Theo đó, TPHCM có kế hoạch làm 11 tuyến, Bình Dương cũng có kế hoạch làm 12 tuyến, Bà Rịa Vũng Tàu 3 tuyến. Tuy nhiên, sau khi hợp nhất, Sở Xây dựng TPHCM đã tiến hành rà soát lại quy hoạch, đánh giá tính thực tế của từng tuyến. Trong đó ưu tiên các tuyến số 1 kéo dài về Bình Dương, tuyến Thủ Thiêm - Long Thành hay tuyến đi Cần Giờ (đang chờ phê duyệt chủ trương) và có thể kéo dài sang Vũng Tàu… Theo TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98, việc TPHCM triển khai hàng trăm km metro trong 10 năm là nhiệm vụ chưa từng có trong tiền lệ. Để thực hiện được, đòi hỏi sự thay đổi lớn từ tư duy đến phương thức tổ chức thực hiện, từ cách làm đến phương pháp quản lý. Với cơ chế phân quyền mạnh mẽ cho TPHCM như hiện nay, sẽ là đòn bẩy triển khai đồng bộ hệ thống metro. Sau khi TPHCM hợp nhất cũng cần rà soát, bổ sung quy hoạch và xin áp dụng Nghị quyết 188 cho những tuyến mới, để có thể rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
Điểm nhấn doanh nghiệp tư nhân
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng khoảng 500km metro trong 10 năm tới là một thách thức to lớn với chính quyền TPHCM bởi thực tế, tuyến metro số 1 chỉ dài chưa tới 20km nhưng đã mất gần 13 năm mới có thể hoàn thành.
Ngoài cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98, một trong những yếu tố có thể giúp mạng lưới metro hoàn thành nhanh hơn trước nhiều lần là sự tham gia của khối tư nhân. Bởi nguồn vốn thực hiện các dự án metro luôn ở mức rất cao và nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước, thì gần như chắc chắn sẽ không thể huy động đủ để thực hiện trong thời gian ngắn. Thậm chí, việc vay vốn cũng sẽ gặp một số vấn đề do đây là loại hình giao thông công cộng. Bởi khi hoàn thành, hệ thống giao thông công cộng thường phải được trợ giá từ ngân sách nhà nước, thay vì có thể thu phí như các dự án hạ tầng đường bộ có sự đầu tư của doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, bản thân các dự án metro lại sinh ra những giá trị kinh tế khác mà nếu chưa đưa vào vận hành, rất khó để định lượng. Đó là các quỹ đất vệ tinh và đô thị theo mô hình TOD (xây dựng đô thị theo định hướng giao thông công cộng). Đây cũng là yếu tố then chốt, khiến nhiều doanh nghiệp lớn đi đến quyết định đầu tư để xây dựng metro.
Cụ thể, Tập đoàn Thaco vừa đề xuất UBND TPHCM được nghiên cứu, đầu tư 2 tuyến metro, là tuyến số 2 (giai đoạn 1: Tham Lương - Bến Thành; giai đoạn 2: Bến Thành - Thủ Thiêm) và tuyến Thủ Thiêm - Long Thành. Doanh nghiệp này kiến nghị UBND TPHCM cho phép nghiên cứu đầu tư các dự án nêu trên, theo hình thức tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình) hoặc đầu tư trực tiếp theo quy định của Luật Đầu tư.
Tập đoàn Thaco cam kết, toàn bộ quá trình nghiên cứu sẽ được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, không làm ảnh hưởng đến tiến độ khởi công tuyến metro số 2 vào cuối năm 2025 và đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành vào quý IV/2026, theo kế hoạch của TPHCM.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup đề xuất dự án tuyến đường sắt đô thị TPHCM - Cần Giờ, có chiều dài khoảng 48,7km. Dự án bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao với đường Nguyễn Thị Thập và đường Lý Phục Man) và điểm cuối nằm tại khu đất 39ha tiếp giáp dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Tập đoàn Sovico cũng mới có đề xuất nghiên cứu đầu tư tuyến metro số 4, từ huyện Hóc Môn đến Khu đô thị Hiệp Phước có chiều dài tuyến khoảng 47,3km.
Có thể nói, với sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, cơ chế đặc thù và cú hích từ hợp nhất, hy vọng thời gian tới, mạng lưới metro ở TPHCM sẽ được phủ rộng, đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân tại siêu đô thị.
ĐOÀN XÁ