Phát triển nền ngoại giao đậm bản sắc 'Cây tre Việt Nam'

Phát triển nền ngoại giao đậm bản sắc 'Cây tre Việt Nam'
7 giờ trướcBài gốc
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt những bước chân đầu tiên soi đường, mở lối cho con đường ngoại giao của Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ khi Đảng ra đời năm 1930, công tác đối ngoại luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ mà còn góp phần to lớn xây dựng, phát triển đất nước. Người nhấn mạnh: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(1). Độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta.
Trong hoạt động đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo “phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ”, luôn làm chủ tình thế; hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ giữa các nước lớn. Người xử lý khéo léo quan hệ với các nước, phải “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” để “cương nhu kết hợp” vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc.
Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại của ông cha ta, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, soi rọi tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta bổ sung, phát triển, hoàn thiện và xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”, “Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!”(2).
Ngoại giao “Cây tre Việt Nam”: Mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”! “Đây là nền ngoại giao đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa”.
Gần 40 năm đổi mới và phát triển, đất nước Việt Nam đã đạt nhiều kết quả, thành tựu tốt đẹp; tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa; môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển KT-XH.
Diện mạo đất nước ngày càng đổi thay, đời sống người dân được cải thiện, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước là bệ phóng, đường lối đối ngoại là ánh sáng soi đường, dẫn lối, để đối ngoại, ngoại giao Việt Nam vươn cao, bay xa. Việt Nam được chấn hưng theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, công tác đối ngoại thời gian qua vẫn còn hạn chế. Đó là hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có lúc, có việc chưa thật chủ động và hiệu quả chưa cao. Thiếu những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế; nhận thức và chỉ đạo thực tiễn có lúc chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Ngoại giao là một “mặt trận”, giữ vai trò “tiên phong”, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh, “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”; phát hiện sớm vấn đề để dự báo sớm, cảnh báo sớm những nguy cơ, thách thức và nắm bắt cơ hội.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Mang chuông đi đánh nước người”, chuông có kêu to hay không là nhờ thực lực quốc gia, nhờ cái gốc ở bên trong. Gốc có vững thì thân, cành mới tốt tươi, xum xuê, uyển chuyển được.
Ðể tiếp nối truyền thống đối ngoại và ngoại giao đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần thực hiện tốt một số giải pháp trong tình hình mới như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới để kịp thời nhạy bén, đổi mới tư duy và có giải pháp phù hợp trong công tác đối ngoại.
Thứ hai, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu, rộng.
Thứ ba, phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, coi đây là một định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đến năm 2030.
Thứ tư, tăng cường mở rộng và nâng cao hiệu quả thực chất các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hóa và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng.
Thứ năm, chú trọng chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.
Thấm nhuần triết lý ngoại giao “Cây tre Việt Nam”, mỗi tổ chức và cán bộ ngoại giao cần nói đi đôi với làm, học thật, làm thật; đồng thời, phải kiên định, vững chắc, mềm mỏng, linh hoạt, “dĩ bất biến ứng vạn biến” và luôn mang khí thế tiến công, biết bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng./.
ThS Nguyễn Thanh Hoàng
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 147
(2) Lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, ngày 14-12-2021.
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/phat-trien-nen-ngoai-giao-dam-ban-sac-cay-tre-viet-nam-a183829.html