Một hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC
Từ năm 2025, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cho học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc một số chương trình đào tạo theo đề án. Đây là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên áp dụng mô hình này và hy vọng có thể nhân rộng ra các cơ sở giáo dục khác trên cả nước.
Miễn học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt
Với Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học”, GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, nhà trường miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh. Cụ thể, với chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, gồm: Khoa học máy tính, Kỹ thuật điện tử, Vật liệu và linh kiện nano, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin.
Chương trình đào tạo tiến sĩ trong đề án gồm: Khoa học máy tính, Kỹ thuật điện tử, Cơ kỹ thuật, Vật liệu và linh kiện nano, Kỹ thuật xây dựng, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Kỹ thuật viễn thông.
“Đây không chỉ là chính sách hỗ trợ, mà còn là cam kết của nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu khoa học gắn kết với thực tiễn, tạo ra mô hình giáo dục tiên tiến theo chuẩn quốc tế”, GS.TS Chử Đức Trình nhấn mạnh và khẳng định, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) xác định, đào tạo sau đại học là một trong những giải pháp chủ đạo, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực.
Trao đổi về quyền lợi dành cho học viên các chương trình đào tạo thạc sĩ, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, đối với học viên cao học là trợ giảng của nhà trường sẽ được cấp học bổng tương đương mức học phí phải đóng, nhận lương và hưởng các quyền lợi khác theo quy định đối với trợ giảng.
Với học viên cao học không phải trợ giảng của nhà trường sẽ được cấp học bổng tương đương mức học phí phải đóng. Được nhà trường ký cam kết để thực hiện công việc hỗ trợ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 5 triệu đồng/tháng.
Với nghiên cứu sinh các chương trình đào tạo tiến sĩ, nếu là giảng viên của trường được cấp học bổng tương đương mức học phí phải đóng; nhận lương và hưởng quyền lợi khác theo quy định của trường đối với giảng viên. Với nghiên cứu sinh không phải giảng viên của trường sẽ được cấp học bổng tương đương mức học phí phải đóng; được nhà trường ký cam kết để thực hiện công việc hỗ trợ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ khác, hỗ trợ sinh hoạt phí 7 triệu đồng/tháng.
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Website nhà trường
Tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ
GS.TS Chử Đức Trình kỳ vọng với những chính sách này không chỉ hỗ trợ tài chính, mà còn giúp học viên, nghiên cứu sinh có điều kiện tập trung vào nghiên cứu và phát triển chuyên môn. Học viên cao học và nghiên cứu sinh có trách nhiệm học tập, nghiên cứu toàn thời gian tại trường, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch; đồng thời tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, khóa đào tạo nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu.
Ngoài định mức trên, nếu thực hiện thêm nhiệm vụ khác, các học viên, nghiên cứu sinh sẽ được nhận thù lao theo quy định của nhà trường. “Nếu hệ thống các trường đại học của Việt Nam đồng hành với chính sách này, tôi tin trong thời gian ngắn sẽ có đội ngũ nhân lực công nghệ kỹ thuật chất lượng cao ngang tầm các nền công nghệ lớn trên toàn cầu”, GS.TS Chử Đức Trình khẳng định và cho biết, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) có 3 nguồn kinh phí để vận hành đề án, gồm vận động doanh nghiệp hỗ trợ; nguồn từ các đề tài khoa học do các giảng viên thu hút về trường, kinh phí khoa học công nghệ của nhà trường; nguồn kinh phí từ đào tạo.
Có ý định học thạc sĩ nhưng Trần Đình Uy (Sóc Sơn, Hà Nội) còn băn khoăn việc chọn ngành/trường học. Nay nhận được thông tin về học bổng của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đình Uy cho biết sẽ nghiêm túc nghiên cứu về ngành Kỹ thuật điện tử của trường. Đây là chính sách hấp dẫn, giúp người trẻ hiện thực hóa ước mơ học tập, có thể toàn tâm, toàn ý cho nghiên cứu khoa học.
“Em mong ngày càng có nhiều chính sách như vậy, nhằm tạo “vườn ươm” để phát triển đội ngũ khoa học trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước”, Đình Uy bày tỏ.
Nếu mô hình đào tạo trên thành công, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam hy vọng có thể nhân rộng ra các cơ sở giáo dục trên cả nước. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57).
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, các cơ sở giáo dục đại học không chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, mà còn đóng vai trò như tổ chức khoa học và công nghệ quan trọng, nơi tập trung phần lớn đội ngũ nhà khoa học của đất nước.
Một trong các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 57 là xây dựng một số trường, trung tâm đào tạo tiên tiến chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo. Muốn vậy, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở triển khai các chương trình đào tạo tài năng từ trình độ đại học đến tiến sĩ theo các tiêu chuẩn quốc tế như: Hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu; hỗ trợ học bổng, học phí cho người học đại học và sau đại học; hỗ trợ kinh phí tuyển dụng, đào tạo và trả thu nhập tăng thêm cho đội ngũ giảng viên, tài trợ các nhiệm vụ nghiên cứu gắn với đào tạo sau đại học, khuyến khích hợp tác với doanh nghiệp…
Việc đầu tư tập trung và hỗ trợ triển khai các chương trình đào tạo tài năng gắn với nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tại các cơ sở đào tạo uy tín sẽ tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu hấp dẫn để thu hút cả giảng viên và sinh viên, học viên tài năng. Đặc biệt, cần tăng cường chính sách hỗ trợ học bổng, học phí và tín dụng ưu đãi cho người học từ ngân sách Nhà nước, nhất là với học viên sau đại học.
Theo GS.TS Chử Đức Trình, Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học” nhằm hướng tới đào tạo những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn, đặt mục tiêu cung cấp các chuyên gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Minh Phong