Phát triển nhiều mô hình du lịch, gắn với bảo tồn văn hóa Khmer

Phát triển nhiều mô hình du lịch, gắn với bảo tồn văn hóa Khmer
8 giờ trướcBài gốc
Du lịch nông nghiệp đang phát huy hiệu quả "níu chân" du khách đến với vùng đất Vĩnh Long
Tạo sự khác biệt trong phát triển du lịch
Tỉnh Vĩnh Long đang tập trung phát triển bốn loại hình du lịch chủ đạo: homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, và du lịch văn hóa. Đây là những lĩnh vực không chỉ khai thác tốt tiềm năng địa phương, mà còn tạo ra những trải nghiệm độc đáo, góp phần khẳng định bản sắc riêng có, khác biệt của vùng đất này.
Loại hình du lịch homestay tại Vĩnh Long đã xuất hiện từ những năm 1990, với dấu ấn đậm nét ở khu vực Cù lao An Bình. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái, với hơn 4.000 ha vườn cây ăn trái, kết hợp cùng các di tích văn hóa – lịch sử như Chùa Tiên Châu, Đình Hòa Ninh, và những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi. Du khách không chỉ được hòa mình vào không gian thiên nhiên xanh mát, mà còn có cơ hội trải nghiệm đời sống dân dã, bình dị của người dân miền Tây.
Vĩnh Long sở hữu lợi thế lớn nhờ mạng lưới sông ngòi chằng chịt, đặc biệt là hai nhánh sông Tiền và sông Hậu. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch đường sông, với những tuyến tham quan hấp dẫn như Cù lao Dài – Làng gốm Mang Thít hay Cái Bè – Vĩnh Long – Cù lao An Bình. Những hành trình này, không chỉ mang đến trải nghiệm mới lạ trên sông nước, mà còn kết nối các điểm đến nổi bật, từ các di tích văn hóa, lịch sử đến làng nghề truyền thống, giúp du khách hiểu sâu hơn về nét đặc trưng của vùng đất và con người nơi đây.
Ông Phạm Công Toàn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Long Hồ, chia sẻ: “Cù lao An Bình không chỉ là cái nôi du lịch sinh thái của Vĩnh Long mà còn là mô hình tiêu biểu trong phát triển du lịch xanh, bền vững.”
Những hoạt động trải nghiệm như lội ruộng bắt cá, nấu ăn, làm bánh, thưởng thức đờn ca tài tử, đã chinh phục trái tim của biết bao du khách. Đặc biệt, cụm homestay An Bình đã ba lần liên tiếp đạt giải thưởng Homestay ASEAN giai đoạn 2023-2025. Đây là minh chứng cho chất lượng dịch vụ và sự đầu tư nghiêm túc, bài bản trong lĩnh vực du lịch homestay của tỉnh.
Các tour du lịch nông nghiệp và làng nghề cũng đang được Vĩnh Long chú trọng phát triển. Từ việc tham quan các vườn cây ăn trái, trải nghiệm thu hoạch nông sản cho đến khám phá các làng nghề truyền thống như, làm gốm, dệt chiếu, hay sản xuất kẹo dừa, mỗi hoạt động đều phản ánh nét tinh túy trong đời sống lao động của người dân miền Tây.
Bên cạnh đó, loại hình du lịch văn hóa tập trung khai thác những giá trị di sản qua các lễ hội, đình chùa, và kiến trúc cổ. Đây là cầu nối quan trọng giữa du lịch và bảo tồn văn hóa, giúp giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống.
Vĩnh Long còn tự hào với hệ thống làng nghề truyền thống lâu đời, đặc biệt là làng gạch gốm Mang Thít. Với khoảng 1.000 lò gạch hình quả trứng nằm bên dòng sông Cổ Chiên, nơi đây không chỉ là biểu tượng văn hóa độc đáo mà còn được định hướng phát triển thành “di sản đương đại”.
Những thành tựu như xác lập kỷ lục Việt Nam về các sản phẩm từ gốm, khoai lang Bình Tân hay làng nghề bánh tráng Cù lao Mây, đã góp phần khẳng định vị thế của Vĩnh Long trong bản đồ du lịch khu vực ĐBSCL.
Với hệ thống chùa Khmer đã tạo lợi thế tiềm năng sản có cho du lịch tỉnh Vĩnh Long
K hai thác văn hóa Khmer trong phát triển du lịch
Văn hóa Khmer từ lâu đã trở thành một phần không thể tách rời của bản sắc vùng đất Vĩnh Long, đặc biệt tại huyện Trà Ôn – địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất trong tỉnh. Với sự độc đáo và giá trị văn hóa sâu sắc, đây chính là nguồn tài nguyên quý báu để phát triển loại hình du lịch văn hóa, góp phần đưa Trà Ôn trở thành điểm đến nổi bật ở miền Tây Nam bộ.
Ông Thạch Dương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, huyện Trà Ôn tự hào sở hữu 06 ngôi chùa Khmer nổi tiếng tại các xã Tân Mỹ, Trà Côn, và Hựu Thành, không chỉ là nơi lưu giữ giá trị tâm linh mà còn là trung tâm văn hóa và nghệ thuật độc đáo. Các công trình chùa Khmer, với lối kiến trúc rực rỡ, hoa văn tinh xảo là minh chứng sống động cho sự phong phú của văn hóa Khmer.
Không dừng lại ở đó, các lễ hội truyền thống như Ok Om Bok, Chol Chnam Thmay, và Sen Đôn Ta mang ý nghĩa sâu sắc về tâm linh và cộng đồng. Những lễ hội này không chỉ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong may mắn mà còn là cơ hội giới thiệu vẻ đẹp văn hóa Khmer đến với du khách.
Đặc biệt, nền ẩm thực Khmer cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự khác biệt cho trải nghiệm du lịch. Những món ăn đặc trưng như cốm dẹp, bánh tét, cháo lòng bánh hỏi, bánh bò nướng, và rượu quách phản ánh hương vị độc đáo, đậm chất miền Tây, gắn liền với đời sống thường nhật của người dân Khmer.
Nghệ thuật múa truyền thống của đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long đang các nghệ nhân phát triển và lưu truyền mạnh
Trà Ôn có vị trí thuận lợi trên tuyến đường thủy liên tỉnh, nối liền các điểm du lịch như Cái Bè (Tiền Giang), cù lao An Bình (Vĩnh Long), và của chính địa phương này. Các tour du lịch kết hợp giữa văn hóa bản địa và sông nước miệt vườn mang lại trải nghiệm phong phú và độc đáo.
Du khách có thể tham quan Lăng Ông Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn, một di tích lịch sử gắn liền với truyền thống cách mạng và lòng tự hào dân tộc. Đồng thời, có thể thưởng thức nhạc ngũ âm, tham gia trình diễn đờn ca tài tử – loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận, hoặc trải nghiệm đời sống văn hóa Khmer tại các ngôi chùa và làng nghề.
Việc khai thác văn hóa Khmer trong phát triển du lịch, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống. Các hoạt động du lịch đã tạo cơ hội cho người dân địa phương tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa cho thế hệ mai sau.
Theo ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, Đề án Du lịch Đặc thù đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ sau ba năm triển khai. Ông cũng đánh giá cao việc khai thác văn hóa Khmer trong phát triển du lịch tại các huyện như Trà Ôn. Ngoài ra, các lễ hội đặc sắc của người Khmer như Ok Om Bok, Chol Chnam Thmay và Sen Đôn Ta đã được tổ chức định kỳ, thu hút đông đảo du khách tham gia. Các chùa Khmer ở Tân Mỹ, Trà Côn, và Hựu Thành cũng trở thành điểm nhấn trong hành trình du lịch văn hóa của tỉnh.
"Việc giữ gìn và phát huy văn hóa Khmer không chỉ mang ý nghĩa về bảo tồn di sản, mà còn tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm du lịch Vĩnh Long, giúp tỉnh định vị rõ nét hơn trên bản đồ du lịch quốc gia.", ông Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho hay.
Minh Triết (Báo Dân tộc và Phát triển)
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/phat-trien-nhieu-mo-hinh-du-lich-gan-voi-bao-ton-van-hoa-khmer-225031.htm