Lực lượng quản lý, bảo vệ tuần tra rừng ngập mặn tại xã Phước An. Ảnh:B.Nguyên
Đồng Nai đặt mục tiêu phát huy tối đa giá trị của hệ sinh thái rừng cả về kinh tế, xã hội, môi trường, trên cơ sở phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, đa mục đích, đa giá trị, sử dụng bền vững tài nguyên rừng. Tỉnh khuyến khích phát triển kinh tế rừng theo hướng đa dụng như: phát triển du lịch sinh thái rừng, triển khai các mô hình kết hợp trồng dược liệu trong rừng sản xuất, nuôi thủy sản dưới tán rừng…
Giàu tài nguyên rừng
Tỉnh Đồng Nai cũ quản lý, khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc hơn 181 ngàn hécta rừng gồm: rừng đặc dụng hơn 99,8 ngàn hécta, rừng phòng hộ gần 35 ngàn hécta và rừng sản xuất gần 46,9 ngàn hécta. Tỉnh Bình Phước (cũ) với diện tích trong quy hoạch 3 loại rừng có hơn 171 ngàn hécta, gồm: rừng đặc dụng gần 31,2 ngàn hécta, rừng phòng hộ hơn 43,5 ngàn hécta và rừng sản xuất gần 96,8 ngàn hécta.
Không chỉ có diện tích lớn, rừng của Đồng Nai phần lớn là rừng tự nhiên, có hệ sinh thái rừng đa dạng cả trên cạn lẫn dưới nước. Điển hình là Vườn quốc gia Cát Tiên được đánh giá cao về tiềm năng dự trữ sinh quyển với các danh hiệu quốc tế như: Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Khu đất ngập nước Ramsar, Khu di tích quốc gia đặc biệt... Vườn quốc gia Cát Tiên có đa dạng sinh cảnh như: rừng mưa nhiệt đới, rừng cây cổ thụ tung, gõ, đất ngập nước Bàu Sấu; đa dạng hệ động vật với 1.529 loài, thực vật có 1.615 loài...
Khai thác kinh tế rừng, các địa phương của Đồng Nai đang triển khai nhiều dự án du lịch liên quan đến rừng như: Dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le tại xã Xuân Lộc; Dự án Du lịch tại Khu du lịch Thác Mai - Bàu Nước Sôi tại xã Định Quán; Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021-2030...
Vườn quốc gia Bù Gia Mập là khu vực rừng liền vùng, liền khoảnh với hệ động, thực vật lớn duy nhất còn lại của tỉnh Bình Phước (cũ). Khu vực vườn quốc gia này ghi nhận có 1.114 loài thực vật, 105 loài thú, 248 loài chim, 59 loài bò sát; trong đó có tới 61 loài động vật bị đe dọa, nguy cấp, quý hiếm.
Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có hệ thực vật phong phú với 1.588 loài thực vật, trong đó có 147 loài thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm; 90 loài đặc hữu của Việt Nam và 20 loài đặc hữu của tỉnh Đồng Nai. Khu bảo tồn có 2.277 loài động vật; 1.470 loài côn trùng, trong đó có 154 loài nhóm nguy cấp, quý, hiếm; 72 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam...
Đồng Nai có diện tích rừng và tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất khu vực Đông Nam Bộ. Đạt được thành quả trên không chỉ do Đồng Nai có lợi thế lớn về nguồn tài nguyên rừng, mà còn do tỉnh luôn đặt mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng lên hàng đầu. Trong đó, ngành lâm nghiệp nói chung, lực lượng kiểm lâm nói riêng, luôn giữ vai trong tiên phong thực hiện mục tiêu bảo vệ rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng, trồng phủ xanh đất trống, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
Đồng Nai đạt kết quả ấn tượng trong thực hiện Đề án quốc gia “Trồng 1 tỷ cây xanh” nhằm phục hồi hệ sinh thái của Việt Nam cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu trồng 20 triệu cây xanh trên đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp. Kết quả đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đã trồng được gần 20,6 triệu cây xanh. Dự kiến trong năm 2025, tỉnh sẽ trồng thêm 4,4 triệu cây xanh. Như vậy, dự kiến giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh trồng được hơn 25 triệu cây xanh, vượt hơn 17,7 triệu cây so với chỉ tiêu Trung ương giao. Đạt được kết quả ấn tượng trên nhờ tỉnh đã tích cực triển khai chương trình với tinh thần cả hệ thống chính trị vào cuộc, đưa việc trồng cây thành phong trào thi đua sôi nổi “Nhà nhà trồng cây, người người trồng cây”.
Khai thác hiệu quả tài nguyên rừng
Nhằm phát huy tối đa giá trị của hệ sinh thái rừng cả về kinh tế, xã hội, môi trường, tỉnh đã triển khai Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Du khách tìm hiểu các loài gỗ quý tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: B.Nguyên
Tỉnh khai thác đa dạng cả về tài nguyên rừng cũng như giá trị văn hóa, lịch sử như: gỗ và lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tín chỉ carbon… Ngành lâm nghiệp tỉnh đang tích cực tìm kiếm, áp dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng nhằm mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường, giúp công tác quản lý, phát triển rừng bền vững hơn.
Với diện tích lớn gần 8 ngàn hécta rừng ngập mặn, tỉnh khuyến khích các mô hình kinh tế dưới tán rừng, vừa mang lại lợi ích kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường, trong đó phát triển các mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng theo hướng quảng canh như: tôm, cua, cá nước lợ… Với mô hình nuôi này, người nuôi chủ yếu thả con giống trong môi trường thiên nhiên, vật nuôi tự tìm nguồn thức ăn trong tự nhiên. Chính vì vậy, tuy là thủy sản nuôi nhưng vẫn là đặc sản thiên nhiên có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.
Có gần 10 hécta nuôi tôm, cua quảng canh tại xã Phước An, ông Lưu Nhật Nam chia sẻ, nguồn thủy sản nước lợ ngoài thiên nhiên ngày càng giảm sút nên thủy sản nuôi quảng canh được thị trường ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Nam: “Phát triển rừng ngập mặn, giữ được môi trường rừng thì thủy sản mới sinh sôi. Chính vì vậy, người dân sinh sống ở vùng rừng ngập mặn cũng có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn”.
Đồng Nai phát triển ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ thuộc tốp đầu cả nước. Tỉnh có diện tích rừng sản xuất lớn nên các doanh nghiệp gỗ trên địa bàn tỉnh rất quan tâm hỗ trợ người trồng rừng đạt Chứng nhận Quản lý rừng bền vững (FSC). Đến nay, toàn tỉnh đã có 3,6 ngàn hécta gỗ rừng trồng đạt chứng nhận FSC.
Theo Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc Hoàng Đình Long, rừng phòng hộ Xuân Lộc đã phát triển được 3,6 ngàn hécta rừng được cấp chứng nhận FSC. Để có được chứng nhận này, người trồng rừng phải tuân thủ nhiều yêu cầu, thủ tục khắt khe.
Bình Nguyên