Một góc TPHCM
PHÓNG VIÊN: Là chuyên gia đô thị, ông nhận thấy sự thay đổi thế nào về hạ tầng giao thông đô thị TPHCM sau 50 năm đổi mới?
* TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN: Nhìn chung, hạ tầng giao thông ở TPHCM đã có sự phát triển rất lớn. TPHCM hôm nay đã có nhiều cây cầu vượt ở nhiều giao lộ lớn, có tuyến metro số 1 dài gần 20km, cùng nhiều con đường được chỉnh trang và mở rộng hơn, thêm nhiều camera theo dõi và điều hành giao thông với hệ thống tín hiệu phân luồng hợp lý hơn. Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận, giao thông đô thị vẫn là một trong những “vấn nạn” chưa có giải pháp triệt để. TPHCM đã giao Viện Nghiên cứu phát triển thực hiện đề tài “Tính đồng bộ hạ tầng giao thông và các dự án nhà ở”.
Vậy TPHCM nên tiếp tục đột phá như thế nào về hạ tầng giao thông đô thị cho tầm nhìn đến năm 2030?
* Giao thông đã từng là “1 trong 7 chương trình đột phá” của TPHCM từ rất lâu, nhưng đến nay giao thông vẫn là “vấn nạn”. Đó là sự thiếu cân đối giữa tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông quá thấp (mới đạt hơn 10% trong khi cần trên 20% diện tích tự nhiên), so với số lượng phương tiện giao thông quá nhiều (trên 7 triệu xe máy và hơn 1 triệu xe cơ giới các loại). Rất dễ hiểu là “đường ít, xe nhiều” khó tránh khỏi ùn tắc, cũng giống như “sông nhỏ, nước lớn” thì khó tránh bị tràn bờ, ngập úng. Điều này lại bắt nguồn từ tình trạng quá tải sức chứa đô thị do dân số quá cao, tập trung phần lớn vào nội đô. Tuy nhiên, giải pháp không thể giảm dân số, vì TP còn đang hướng đến 15 triệu dân, đồng thời không thể giảm số lượng phương tiện giao thông vì đó là công cụ sản xuất.
TPHCM nên phát triển hệ thống đường bộ và đường sắt trên cao, nhiều tầng và khai thác thêm giao thông đường sông, vì quỹ đất trong nội đô còn rất ít. Thành phố cũng nên tăng cường nhiều hơn các thiết bị kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo cho việc kiểm soát và điều hành hệ thống giao thông. Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ và cân đối chính là những giải pháp căn cơ để cải thiện tình hình giao thông. Và đây không phải là việc có thể thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng nếu buông lỏng, vấn nạn giao thông sẽ ngày càng tăng.
Nếu lấy góc nhìn thành công từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, theo ông, làm thế nào để hạ tầng xã hội TPHCM phù hợp với hạ tầng đô thị hiện đại?
* Phát triển kinh tế và phát triển xã hội là hai mặt không thể tách rời: Kinh tế tạo ra của cải vật chất, còn xã hội tạo ra cuộc sống hài hòa về vật chất và tinh thần cho người dân. Hạ tầng đô thị bao gồm nhiều bộ phận, trong đó quan trọng nhất là hạ tầng kiến trúc, nhà ở và hạ tầng giao thông. Nhưng trên thực tế, dù TPHCM đã có rất nhiều khu nhà cao tầng hiện đại dành cho người thu nhập cao, nhưng cũng còn thiếu rất nhiều nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp.
Nhiệm vụ quan trọng trước mắt của TP chính là trong 5 năm tới phải hoàn thành việc di dời khoảng 40.000 căn nhà ở ven và trên kênh rạch đến những khu định cư được xây dựng mới theo kiểu nhà ở xã hội, có giá thành phù hợp với người thu nhập thấp. Thực tế kế hoạch này đã được thực hiện từ 30 năm trước, nhưng mới chỉ di dời được một nửa số căn nhà trên kênh rạch. Kết quả của phát triển kinh tế - xã hội ở TPHCM được đo bằng lợi ích về vật chất và tinh thần mà người dân thụ hưởng. Điều này quan trọng hơn so với mức độ hiện đại của hạ tầng đô thị.
Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng thông qua. Theo đó, định hướng trở thành siêu đô thị với khoảng 14-15 triệu dân. Vậy theo ông, quy hoạch phải phản ánh rõ mối quan hệ phát triển của TPHCM với vùng Đông Nam bộ như thế nào, đặc biệt qua hệ thống giao thông kết nối?
Vai trò “hạt nhân” được hiểu có sự tương tác hai chiều. Một là sự lan tỏa của TPHCM ra các tỉnh về vốn đầu tư, công nghệ, kinh nghiệm đô thị hóa, giao thông vận tải, logistics. Hai là các tỉnh cung cấp nhân lực lao động, nguyên liệu và thị trường, giao thương. Nói cách khác, TPHCM muốn phát triển nhanh và bền vững phải có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tỉnh Nam bộ, trong đó sự kết nối giao thông có tầm quan trọng đặc biệt, vì TPHCM là đầu mối giao thông trong và ngoài nước cả về đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không.
Tuy nhiên, việc TPHCM hướng tới quy mô dân số 14-15 triệu người là câu chuyện khác. Vấn đề này cần tham khảo từ những “siêu đô thị” trên thế giới để xem họ đang có những vấn nạn gì. Mặt khác, cần tham khảo các nghiên cứu đã chứng minh, quy mô dân số không phải là tiêu chí quan trọng nhất của đô thị hiện đại, mà đó là khái niệm “thành phố đáng sống” theo nghĩa có chất lượng sống cao.
Cần lưu ý, trong quy hoạch cũng nhấn mạnh rất rõ hướng chuyển đổi kinh tế TPHCM theo kinh tế xanh và kinh tế số; nhấn mạnh vai trò kinh tế biển của TPHCM với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khu đô thị lấn biển Cần Giờ và khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi trong khu vực huyện Cần Giờ, để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Đây là xu thế không thể đảo ngược.
ĐÌNH DƯ