Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, địa phương tăng cường giải pháp kết nối cung - cầu, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 15/01/2025 về tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Công điện nêu: Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng. Để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng dịp Tết nguyên đán, cũng như những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan chủ động thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các quyết định, chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư; kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, tăng cường giải pháp kết nối cung cầu, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước; phát triển thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới hiệu quả; gắn kết sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả, quyết tâm hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ này đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước; thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm hệ thống phân phối, mở rộng thị phần thông qua các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ triển lãm trong nước.
Tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối cung- cầu, quy mô lớn ở cả 3 miền, các hội chợ vùng miền để tạo điều kiện cho các đơn vị cung ứng, sản xuất của địa phương tham gia, có chương trình khuyến mãi thiết thực cho người tiêu dùng. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics và lượng tiêu thụ hàng hóa trong nước; đẩy mạnh các loại hình phân phối hiện đại trên hạ tầng thương mại điện tử.
Bộ Công Thương phát triển và đa dạng hóa các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ; tuyên truyền và thúc đẩy doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cung cấp hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, hài hòa, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Khẩn trương nghiên cứu chính sách giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp trình cấp có thẩm quyền trong tháng 02 năm 2025.
Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục giải ngân kinh phí triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng của các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Ngoài các nhiệm vụ trên, Thủ tướng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nỗ lực phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, để góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là giảm lãi suất cho vay tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu vào các lĩnh vực mới nổi.
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, tăng cường tiêu dùng sản phẩm trong nước; thúc đẩy tiêu dùng nội địa và sản xuất trong nước, tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thông qua việc tổ chức các hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, sản phẩm thế mạnh của địa phương, kết nối doanh nghiệp với người dân; đưa hàng Việt về nông thôn...
Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trên địa bàn được phân công quản lý, chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch nhằm bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa; điều tiết cung cầu hàng hóa và bình ổn thị trường, ổn định giá cả, xử lý nghiêm theo quy định tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá; kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia kinh doanh trên thị trường theo thẩm quyền...
PV.