Nhà văn hóa tổ dân phố 6, 9, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) được xây dựng từ nguồn xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân 2 tổ dân phố.
Linh hoạt huy động nguồn lực
Nếu như trước đây, nhà văn hóa (NVH) của tổ dân phố (TDP) 4, phường Quang Vinh chỉ rộng chưa đầy 100m2, xập xệ, thì nay đã được thay thế bằng công trình khang trang, thiết kế hiện đại, với tổng diện tích cả mái vòm trên 400m2. Điều đáng nói là toàn bộ kinh phí xây dựng gần 1 tỷ đồng đều do người dân trong tổ đóng góp và huy động xã hội hóa.
Ông Hoàng Ngọc An, Tổ trưởng TDP 4, cho biết: Trước những khó khăn, vất vả trong tổ chức sinh hoạt cộng đồng tại NVH cũ, TDP đã trưng cầu ý dân để kêu gọi đóng góp xây dựng công trình mới. Qua khái toán, kinh phí ban đầu còn hạn hẹp nên chúng tôi kêu gọi thêm sự ủng hộ của những gia đình có điều kiện, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn.
Khi bà con nhất trí, TDP tiến hành thu tiền, với mỗi hộ 4,1 triệu đồng (gia đình hoàn cảnh khó khăn, người già thì đóng góp từ 30-50% so với định mức chung). Sau hơn 3 tháng thi công, toàn bộ công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. - Ông Hoàng Ngọc An
Bà Bùi Thị Ngân, người dân ở TDP 4, phường Quang Vinh, cho biết: Trước đây, mỗi khi họp là bà con đều phải ngồi tràn ra ngoài sân, hôm nào mưa to thì phải hoãn. Các phong trào thể dục, thể thao vì thế cũng bị hạn chế rất nhiều. Giờ có công trình mới khang trang, trong khuôn viên lại có sân chơi thể thao nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ chúng tôi không còn phải đi nhờ nơi khác như trước đây.
Nhà văn hóa tổ dân phố 8, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên) được xây dựng từ lâu nên nhỏ hẹp, đang xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Có quỹ đất nhưng nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên TDP 8, phường Quang Trung, đã linh hoạt xây dựng nhà vòm, với diện tích trên 200m2, sử dụng thay thế cho NVH cũ đã xuống cấp.
Bà Lê Thị Cậy, Bí thư Chi bộ TDP 8: Tổng kinh phí xây dựng công trình gồm nhà vòm, đổ bê tông sân, nhà vệ sinh… là trên 300 triệu đồng. Trước khi triển khai, chúng tôi đã họp, thống nhất mỗi hộ nộp 1 triệu đồng (chia thành 2 lần đóng góp). Khi thi công, bà con trong TDP ai có thời gian cũng đều góp thêm ngày công để giảm chi phí. NVH mới hiện phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của trên 300 hộ dân trong tổ.
Ngoài điển hình nêu trên, trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã có nhiều xóm, TDP huy động nguồn lực để xây dựng, sửa chữa NVH. Theo số liệu thống kê, từ năm 2022 đến nay, toàn thành phố đã có 13 NVH được xây mới; 87 NVH cải tạo, sửa chữa từ nguồn vốn xã hội hóa (chiếm khoảng 50% tổng số NVH có nhu cầu xây mới, sửa chữa và 1/4 tổng số NVH xóm, TDP trên địa bàn). Điều này giúp đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng dân cư, góp phần tô đẹp thêm cho diện mạo đô thị trung tâm của tỉnh.
Khó khăn vẫn còn
Bên cạnh những địa phương huy động tốt nguồn lực để đầu tư xây dựng mới, sửa chữa NVH thì nhiều TDP trên địa bàn TP. Thái Nguyên vẫn còn rất khó khăn, khi trên địa bàn vẫn còn trên 200 NVH cần sửa chữa, xây mới. Mặc dù NVH nhỏ hẹp, xập xệ nhưng do nguồn kinh phí không có nên bà con vẫn phải sử dụng tạm.
Bên cạnh đó, vẫn còn những TDP do diện tích đất quá nhỏ, chỉ rộng hơn 100m2 nên dù có huy động được nguồn lực để xây dựng mới hay cải tạo NVH cũng không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của bà con. Ở TDP 11, phường Hương Sơn là ví dụ cụ thể.
Diện tích nhà văn hóa tổ dân phố 11, phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên), rộng chỉ khoảng 75m2, khiến việc sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Tống Văn Thúy, Bí thư Chi bộ TDP 11, phường Hương Sơn, cho biết: NVH của chúng tôi xây dựng hơn 20 năm nay, với tổng diện tích đất (gồm nhà, sân…) rộng 144m2. Trong đó, diện tích của NVH chỉ rộng khoảng 75m2. TDP sau khi sáp nhập có tới trên 300 hộ dân nên càng không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Bà con cũng tính toán phương án xây dựng mới công trình nhưng đời sống còn khó khăn, hơn nữa dù có huy động được nguồn kinh phí thì với diện tích đất công hiện có thì NVH cũng không đáp ứng được các tiêu chí. - Ông Tống Văn Thúy
Không chỉ vậy, ở một số TDP, NVH bị vướng vào quy hoạch (như tổ 2, phường Gia Sàng) loại đất khác nên không thể triển khai được việc xây dựng mới trong nhiều năm nay. Hoặc có những nơi, người dân chưa có quỹ đất xây dựng NVH, do chủ đầu tư dự án chưa giải phóng xong mặt bằng (như ở tổ 1, 17 phường Phan Đình Phùng)…
Thêm một khó khăn nữa là tại nhiều TDP, người dân tính toán xây dựng NVH theo nguồn vốn đầu tư công nhưng khi triển khai lại bị vướng ở nhiều khâu.
Ông Nguyễn Văn Doanh, Tổ trưởng TDP 1, phường Tân Thịnh: Theo quy định, với những NVH xây dựng mới được hỗ trợ 250 triệu đồng/nhà và 150 triệu đồng/nhà sửa chữa. Tuy nhiên, quy trình thủ tục theo Luật Đầu tư công khá rườm rà, trong khi đó, các chi phí liên quan cao, lên tới khoảng 30-32% tổng kinh phí xây dựng. Do vậy, bà con không còn mặn mà.
Cần giải pháp tháo gỡ
Với mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, TP. Thái Nguyên đã và đang đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; triển khai nhiều giải pháp nâng cao hơn nữa đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân. Các phong trào thể dục, thể thao; cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”… trên địa bàn ngày càng được triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Để thúc đẩy phát triển các phong trào thể dục thể thao, từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, TP. Thái Nguyên cũng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo nhiều nhà đa năng, NVH tại các xã, phường; thôn xóm, TDP.
Hiện nay, TP. Thái Nguyên đang chỉ đạo UBND phường, xã chủ động triển khai thực hiện Đề án phát triển thiết chế văn hóa, giai đoạn 2022-2025, huy động các nguồn lực từ nhân dân, xã hội hóa hợp pháp để xây dựng, sửa chữa NVH tại các xóm, TDP. Từ năm 2022-2024, trên địa bàn thành phố đã xây dựng mới 13 NVH; sửa chữa 87 NVH, với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng (hầu hết là nguồn dân đóng góp và xã hội hóa).
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện trạng các NVH xóm, TDP vẫn còn nhỏ, hẹp, chưa đáp ứng đủ, đúng công năng là nơi rèn luyện, nâng cao thể lực cho các tầng lớp nhân dân; cũng như chưa góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, lan tỏa các giá trị văn hóa mới của thời đại, dân tộc.
Nhờ linh hoạt huy động nguồn lực, nhà văn hóa tổ dân phố 4, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên) đã được xây dựng khang trang.
Theo ý kiến từ cơ sở, người dân mong muốn tiếp tục được TP. Thái Nguyên quan tâm, bố trí nguồn vốn ngân sách phù hợp để hỗ trợ các TDP, xóm xây dựng, cải tạo, sửa chữa các NVH. Ngoài ra, các ngành, chức năng liên quan chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các dự án, trả lại quỹ đất xây dựng NVH cho các TDP bị thu hồi. Đối với những NVH diện tích nhỏ hẹp, cần rà soát, cân đối nguồn quỹ đất công tại địa phương để xây dựng mới NVH, thuận tiện cho sinh hoạt.
Ông Tống Văn Thúy, Bí thư Chi bộ TDP 11, phường Hương Sơn, cho biết: Chúng tôi mong muốn UBND TP. Thái Nguyên xem xét, có thể đổi diện tích đất NVH hiện có sang một khu đất rộng hơn. Với diện tích đất NVH cũ, thành phố có thể nghiên cứu thực hiện thu hồi hay đấu giá quyền sử dụng đất để thu ngân sách Nhà nước.
Bà Luyện Thanh Vân, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Vinh: Trên địa bàn phường hiện có 8/10 TDP có nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa NVH. Ngoài những tổ huy động được nguồn lực xã hội hóa và tự đóng góp thì phần lớn đều mong muốn được Nhà nước hỗ trợ phần nào để xây dựng, sửa chữa NVH.
Còn ông Trần Đình Thìn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng, cho biết: Chúng tôi đề nghị các đơn vị liên quan của tỉnh, TP. Thái Nguyên nghiên cứu, xem xét hỗ trợ nhân dân sửa chữa hoặc xây dựng mới NVH bằng nguồn vốn phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân sinh hoạt cộng đồng.
Bởi lẽ, nếu hỗ trợ bằng nguồn vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND ngày 10/5/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đầu tư NVH - khu thể thao xóm, TDP trên địa bàn, giai đoạn 2023-2025 thì thủ tục khá rườm rà, trong khi các chi phí liên quan thậm chí còn cao hơn cả tiền hỗ trợ các TDP.
Có thể thấy, việc xây dựng mới hay sửa chữa các NVH ở xóm, TDP trên địa bàn TP. Thái Nguyên vẫn cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa và tháo gỡ những khó khăn. Người dân cũng cần đoàn kết, đồng lòng góp sức, góp của để chung tay hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, từng bước nâng cao đời sống tinh thần, góp phần làm đẹp cho quê hương.
Năm 2022, TP. Thái Nguyên đã ban hành Đề án phát triển thiết chế văn hóa, giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu của Đề án là xây dựng, tổ chức hoạt động nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn; từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa của thành phố. Mục tiêu cụ thể: Thành phố dự kiến sẽ xây dựng 10 trung tâm văn hóa - thể thao phường; hỗ trợ xây dựng mới 100 NVH xóm, TDP; sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng 216 NVH xóm, TDP… Tổng kinh phí thực hiện là trên 103 tỷ đồng (nguồn kinh phí ngân sách và vốn xã hội hóa, đóng góp của nhân dân).
Để có cơ sở hỗ trợ kinh phí, TP. Thái Nguyên đã căn cứ theo Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND ngày 10/5/2023 của HĐND tỉnh, quy định chính sách hỗ trợ đầu tư NVH - khu thể thao xóm, TDP trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025. Theo đó, sẽ hỗ trợ xây dựng mới 250 triệu đồng/nhà; sửa chữa, cải tạo hỗ trợ 150 triệu đồng/nhà. Cơ chế hỗ trợ thực hiện theo Luật Đầu tư công và các luật hiện hành.
Tuy nhiên, khi triển khai với nhiều khó khăn, vướng mắc gặp phải, đa phần các xóm, TDP trên địa bàn thành phố đều thống nhất lựa chọn phương án thực hiện xã hội hóa, không đề nghị Nhà nước hỗ trợ. Cụ thể, trong tổng số 10 TDP đăng ký xây dựng mới thì có 8 xóm, TDP lựa chọn thực hiện theo nguồn xã hội hóa. Số NVH sửa chữa, nâng cấp, cải tạo được các xóm, TDP lựa chọn phương án thực hiện xã hội hóa là 28/33 nhà; số NVH đề nghị hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 5/33.
Chung An