Phát triển trạm sạc xe điện: Cần sớm ban hành những quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể

Phát triển trạm sạc xe điện: Cần sớm ban hành những quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể
3 giờ trướcBài gốc
Chậm trễ xây dựng các quy chuẩn về trạm sạc gây ảnh hưởng tới việc chuyển đổi sang giao thông xanh của Việt Nam.
Theo Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Phạm Nguyên Hùng, tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đang tiến hành sản xuất, lắp ráp ô tô điện như Vinfast với xe điện chạy pin (BEV), Hyundai Thành Công với xe điện chạy pin (BEV) và xe hybrid (HEV), Thaco với xe hybrid (HEV) và plug-in hybrid (PHEV), TMT với xe điện chạy pin cỡ nhỏ (mini-BEV).
Năm 2023, tổng cộng 15.676 xe điện chạy pin và 5.220 xe hybrid, plug-in hybrid được tiêu thụ tại việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng cộng 17.536 xe BEV được tiêu thụ tại Việt Nam, bao gồm 17.482 xe sản xuất, lắp ráp trong nước và 54 xe nhập khẩu.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, xe điện ở Việt Nam được người tiêu dùng ngày càng đón nhận, ưa chuộng và phát triển. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hỗ trợ về tài chính, hạ tầng trạm sạc cũng là yếu tố đang được nhiều nước tập trung đầu tư.
Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua về hạ tầng trạm, đặc biệt, nhờ sự đầu tư quyết liệt của VinFast, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có lượng cổng sạc hàng đầu khu vực cũng như thế giới. Chỉ tính riêng trạm sạc của VinFast, theo quy hoạch, cả nước có khoảng 150.000 cổng sạc phủ khắp 63 tỉnh thành. Mức độ tăng trưởng trạm sạc xe tại Việt Nam thời gian gần đây cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và các nước có trạm sạc lớn như Mỹ và Hàn Quốc.
“Nếu không kịp thời có chính sách hỗ trợ phát triển mạng lưới trạm sạc, chưa xây dựng hoàn thiện được quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc thì sẽ dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong triển khai hệ thống các trạm sạc cả nước”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh và cho biết thêm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 8 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến trạm sạc dùng cho xe điện và 3 tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm.
Tháng 4 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung quy định về đo lường đối với phương tiện nhóm 2 với nội dung bổ sung "thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện" và ban hành kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Kỹ thuật quốc gia năm 2024, trong đó, Bộ đang xây dựng 8 tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm điện, sạc điện đối với phương tiện giao thông xanh. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam chưa có quy chuẩn Việt Nam đối với hệ thống trạm sạc xe điện.
Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về trụ/thiết bị sạc điện, Bộ Công thương đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện, đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc phát triển xe điện là xu hướng chủ đạo của thế giới hiện nay và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này, giao thông vận tải cũng là một trong những lĩnh vực có lượng phát thải tương đối lớn. Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon, việc thay đổi các phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang dùng điện cũng đóng vai trò rất quan trọng. Đây là nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xe điện và trạm sạc điện không chỉ là công cụ giúp cho quản lý nhà nước mà còn góp phần định hướng cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ trong việc bảo vệ và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các phương tiện giao thông giảm phát thải. Bên cạnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn chung cho các trụ, trạm sạc điện đã có, thì hiện nay còn thiếu những quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể. Đặc biệt cũng chưa có quy định cụ thể trong việc xác định vị trí, địa điểm để xây dựng những trụ, trạm sạc điện và những quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện và loại hình năng lượng cung cấp cho hình thức này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bên cạnh những tiêu chuẩn, quy chuẩn chung đã có, Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật riêng cho các trụ/trạm sạc. Việc này cần triển khai theo quy trình rút gọn để có thể hoàn thành trong tháng 9/2024. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải bổ sung quy hoạch xây dựng các trạm sạc điện ở tất cả tòa nhà, khu dân cư, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc… Chính quyền địa phương cũng cần rà soát, bổ sung các địa điểm có thể xây dựng được trạm sạc xe điện.
Trạm dừng nghỉ phải có trụ sạc xe điện
Từ ngày 5/10, những trạm dừng nghỉ xây mới trên các tuyến cao tốc, quốc lộ hoặc đường tỉnh phải có trạm sạc cho xe điện. Đây là quy định mới thuộc Thông tư 9/2024 của Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành.
Không chỉ trạm sạc, trạm dừng nghỉ loại 1 và loại 2 phải có số vị trí đỗ cho xe điện vào sạc chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe. Việc đầu tư hạ tầng dành để lắp đặt trụ sạc, thiết bị sạc phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư.
Trạm dừng nghỉ loại 1 có diện tích từ 10.000 m2 trở lên, khu vực đỗ xe rộng khoảng 5.000 m2 trở lên. Loại 2 có diện tích khai thác tối thiểu từ 5.000 m2 trở lên, bãi đỗ từ 2.500 m2 trở lên. Các trạm dừng nghỉ loại 1, 2 thường bố trí trên các tuyến cao tốc hoặc quốc lộ lớn.
Với các trạm dừng loại 3, 4 có diện tích khai thác tối thiểu lần lượt từ 3.000 m2 và 1.000 m2 trở lên, yêu cầu về số vị trí đỗ xe điện chiếm 10% bãi xe dừng ở mức "khuyến khích có".
T.H
N.Linh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/phat-trien-tram-sac-xe-dien-can-som-ban-hanh-nhung-quy-chuan-tieu-chuan-cu-the-10290981.html