Phát triển trạm sạc xe điện: Cần thiết như 'mạch máu'

Phát triển trạm sạc xe điện: Cần thiết như 'mạch máu'
8 giờ trướcBài gốc
Để khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, cần tăng cường xây dựng hạ tầng trạm sạc tại các khu vực công cộng, trung tâm thương mại, các khu dân cư. Ảnh: Quang Vinh.
Mong có nhiều trạm sạc hơn
Là chủ sở hữu mẫu xe điện VF8 từ năm 2024, chị Đỗ Hằng Thu (đường Trường Chinh - Hà Nội) cho biết, gia đình chị thường xuyên phải di chuyển đến các trung tâm thương mại để sạc xe do yêu cầu sạc bằng dòng điện 3 pha. “Thông thường, tôi hay sạc tại trung tâm thương mại số 2 Phạm Ngọc Thạch hoặc phải chạy xuống khu Minh Khai. Việc tìm điểm sạc mất khá nhiều thời gian” - chị Thu chia sẻ.
Mất nhiều thời gian di chuyển đã đành, tình trạng quá tải tại các trạm sạc cũng khiến người dùng phiền lòng. “Nhiều lần đến nơi đã thấy kín xe. Có khi phải chờ khá lâu mới đến lượt” - chị Thu nói thêm.
Về thời gian sạc, chị cho biết ngay cả khi sử dụng trụ sạc nhanh công suất 250kW – loại được xem là mạnh nhất hiện nay cũng phải chờ hơn 30 phút mới đạt 85% pin, đủ để đi tiếp khoảng 250-300km. Tuy nhiên, số lượng trụ sạc công suất lớn này lại rất ít.
Thực tế khảo sát tại một số địa điểm như Vincom Center Phạm Ngọc Thạch (hầm B2-B3) hay bãi đỗ xe tầng hầm chung cư Xuân Mai Complex (khu HH2, Dương Nội) vào sáng 9h mỗi ngày cho thấy, các trạm sạc thường xuyên trong tình trạng kín chỗ.
Không chỉ người dùng cá nhân, những tài xế chạy xe công nghệ bằng xe điện cũng băn khoăn. Anh Trần Văn Hà - tài xế cho hãng SM chia sẻ: Xe đầy pin thì đi được khoảng 320km, nhưng vất vả nhất là những chuyến cuối ngày. Nếu cuốc cuối ở khu vực không có trạm sạc gần thì rất bất tiện.
Với nhiều cá nhân đang sở hữu ô tô điện, phần lớn ý kiến đều cho rằng, hệ thống trạm sạc điện hiện nay chưa đủ. Nhiều khi đi đến trạm sạc gần mình nhất thì lại đông xe chờ sẵn nên đành phải di chuyển sang chỗ khác để được sạc điện.
Chị Nguyễn Thanh Hoa ở khu đô thị Ocean Park chia sẻ, đã chuyển từ xe máy xăng sang xe máy điện hơn 3 năm nay. Bản thân chị thấy tiện lợi và cũng không quá khó khăn khi sạc pin. Tuy nhiên chị Hoa băn khoăn khi người người, nhà nhà cùng đi xe điện thì câu chuyện về điểm sạc lại là vấn đề lớn.
Tương tự, sử dụng chiếc xe máy điện được hơn một năm nay, anh Nguyễn Hùng sống tại tòa nhà chung cư trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội vẫn để xe tại một khu vực được bố trí riêng để sạc. Số lượng xe điện tại tòa nhà khoảng vài chục chiếc và chủ xe thay nhau sạc pin. Cũng có lần, anh sạc pin xe điện tại cơ quan làm việc trên phố Hàng Trống.
Tuy nhiên, với lộ trình không có xe máy xăng từ đầu tháng 7/2026 và chuyển sang xe điện, anh Hùng lo rằng tòa chung cư sẽ khó có thể bố trí đủ nguồn sạc cho toàn bộ cư dân sinh sống.
Chuyển đổi phương tiện giao thông “xanh” đang là nhiệm vụ cấp thiết và được triển khai quyết liệt, khẩn trương theo các chỉ đạo của Chính phủ, HĐND và UBND thành phố Hà Nội song vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch.
Chia sẻ với báo giới, TS Ngô Văn Thanh (Trường ĐH Điện lực) cho rằng, để khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, thành phố cần tăng cường xây dựng hạ tầng trạm sạc tại các khu vực công cộng, trung tâm thương mại, các khu dân cư để làm sao người dân thấy được việc sử dụng xe điện là tiện lợi, khi đó mới thay đổi được tâm lý sử dụng xe xăng đã quen thuộc trong cuộc sống. Thực tế, không thể chỉ cấm xe máy chạy xăng đơn lẻ mà phải cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ, như: Hệ thống vận tải hành khách công cộng, tàu điện, xe buýt sử dụng năng lượng sạch hay thêm nhiều bãi gửi xe thuận lợi, giá phù hợp... Do đó, cần phải có các trung tâm trung chuyển, tại đây phải có bến bãi gửi xe với giá cả hợp lý để người dân thay đổi phương tiện khi đi vào ra khu vực trong vành đai 1 được thuận lợi nhất.
Rà soát các quy định, phát triển trạm sạc
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đang giao Sở Xây dựng rà soát các quy định, tiêu chuẩn pháp luật liên quan; phối hợp với Sở Công thương thống nhất tiêu chuẩn, quy chuẩn về trạm/trụ sạc điện cho các phương tiện xe điện.
Sở Xây dựng cũng có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành, UBND các xã, phường cập nhật quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng hệ thống trạm/trụ sạc tại bến xe, bãi đỗ, trạm dừng nghỉ, khu vực công cộng.
Sở Xây dựng cũng có trách nhiệm xây dựng các chính sách hỗ trợ (doanh nghiệp) DN sản xuất, phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch; hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng. Các nội dung này UBND thành phố Hà Nội yêu cầu báo cáo trong tháng 8/2025, làm cơ sở trình HĐND thành phố trước ngày 30/9/2025.
Hiện tại hệ thống trạm sạc là DN tự phát triển và mới chỉ có VinFast xây dựng được hệ thống trạm sạc quy mô lớn. Một số DN khác cũng đang nhảy vào lĩnh vực phát triển trạm sạc xe điện có thể kể đến như EverEV, SOLAREV, Quỹ đầu tư GreenYellow Việt Nam, Eboost, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power)... Mặc dù cùng đầu tư trạm sạc nhưng các đơn vị này có những chiến lược khác nhau và khá kín tiếng.
Như vậy, để thực hiện quyết liệt chủ trương lớn của Nhà nước trong việc chuyển đổi giao thông xanh thì vẫn rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như DN trong việc nhân rộng nhiều lần số lượng trạm sạc.
Ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Tài chính đầu tư (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, dữ liệu thống kê hiện Hà Nội có khoảng 1.000 trụ sạc các loại, trong đó có 3 loại: Trụ sạc cho xe công cộng; trụ sạc cho ô tô; trụ sạc của xe máy, xe đạp điện. Hà Nội đang rà soát tổng thể các vị trí bến bãi đỗ xe trong vành đai 1 để lắp các trụ sạc. Người dân từ nơi khác đến có thể gửi xe, sạc, di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Hạ tầng trạm sạc xe điện hiện còn hạn chế, cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp chưa đồng bộ, chi phí đầu tư phương tiện còn cao. Ảnh: Quang Vinh.
Cần có quy chuẩn chung
Thực tế, hiện nay hạ tầng trạm sạc xe điện còn hạn chế, cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ DN chưa đồng bộ, chi phí đầu tư phương tiện còn cao.
Cụ thể, chi phí đầu tư ban đầu đối với phương tiện sử dụng điện (bao gồm xe máy, xe buýt, taxi, xe hợp đồng,...) đều cao hơn đáng kể so với xe sử dụng nhiên liệu truyền thống. Các DN còn phải đầu tư bổ sung hệ thống sạc, bãi đỗ chuyên dụng, thiết bị bảo trì phù hợp với công nghệ mới, dẫn đến tổng mức đầu tư tăng mạnh, gây áp lực lớn về tài chính; việc đảm bảo hạ tầng sạc và chi phí thay thế pin sau thời gian sử dụng cũng là rào cản khiến nhiều DN, hợp tác xã chưa mạnh dạn chuyển đổi.
Mặt khác, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa có quy chuẩn chung về trạm sạc dẫn đến hạn chế trong việc sử dụng trạm sạc dùng chung giữa các nhà sản xuất và các nhà cung ứng xe điện; chưa có quy hoạch chung về mạng lưới điện, hạ tầng trạm sạc và việc thực hiện các dự án xây dựng trạm sạc điện, cần khảo sát tính toán chi tiết công suất nguồn và hạ tầng phù hợp.
Ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, trạm sạc không phải muốn đặt đâu cũng được, mà phải thiết kế đúng chỗ, đúng nơi lắp đặt.
“Việt Nam cần nhanh chóng ban hành quy chuẩn, cập nhật tiêu chuẩn quốc gia, ban hành hướng dẫn cụ thể để vừa đảm bảo an toàn, vừa không cản trở tiến trình phát triển hạ tầng sạc. Nếu làm bài bản, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế, xây dựng hệ thống trạm sạc an toàn ngay cả trong tầng hầm, giúp người dân yên tâm hơn khi sử dụng xe điện” - ông Tạo chia sẻ.
Đưa ra giải pháp triển khai, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển mạng lưới trạm sạc điện tại các khu vực đông dân cư, điểm đầu cuối tuyến vận tải, bến xe, trung tâm thương mại và các trục giao thông chính; khuyến khích xã hội hóa đầu tư trạm sạc, đơn giản hóa quy trình cấp phép xây dựng trạm sạc; xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc điện; tích hợp nội dung phát triển hạ tầng trạm sạc, trạm biến áp vào các quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành điện, quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính liên thông và khả thi trong triển khai.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến tháng 7/2025, thành phố Hà Nội đã đưa vào hoạt động 16 tuyến buýt điện với tổng cộng 248 xe, chiếm 12,86% tổng số phương tiện xe buýt trợ giá, vượt kế hoạch đề ra cho năm 2025.
Hiện có 65 đơn vị đang hoạt động với tổng số 18.612 xe taxi. Theo Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2030 các xe taxi đầu tư mới thực hiện chuyển sang loại phương tiện xanh. Đến hết tháng 6/2025, đã có 8.831 xe taxi điện, chiếm 47,4% số phương tiện taxi đang hoạt động. Đã có 23 đơn vị taxi đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, trong đó có kế hoạch chuyển đổi 100% xe điện thay thế cho các xe ngừng hoạt động đến hết năm 2030.
H.Hương
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/phat-trien-tram-sac-xe-dien-can-thiet-nhu-mach-mau-10311411.html