Hà Nội đặt ra kế hoạch đến năm 2025, xanh hóa sản xuất với tỷ lệ gia tăng các sản phẩm được dán nhãn xanh, sinh thái hằng năm đạt 15%/năm.
Chăm sóc đàn gà tại Trang trại Chăn nuôi gà và lợn rừng ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Thái Anh
Sản xuất xanh là điều kiện phát triển
Hướng tới những sản phẩm xanh, những năm qua, Trang trại Chăn nuôi gà và lợn rừng của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thoan (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) là một trong những mô hình tuần hoàn, đem lại hiệu quả cao.
Chị Thoan chia sẻ, ngay từ khi bắt tay triển khai xây dựng trang trại, gia đình đã hướng tới sản xuất an toàn, xanh, thân thiện với môi trường. Theo đó, trang trại sử dụng đệm lót sinh học làm từ nguồn phế phẩm chăn nuôi giúp đàn vật nuôi ít bị bệnh, khu vực chuồng trại giảm thiểu mùi hôi. Sau đó, đệm lót sinh học được tận dụng cùng với nguồn chất thải để làm phân bón hữu cơ. Thức ăn của gà là thực vật trộn men vi sinh, không sử dụng kháng sinh, chất tăng trọng…
Với quy trình sản xuất đó, năm 2021, sản phẩm gà vi sinh Thu Thoan đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Trang trại cũng đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.
Tương tự, hướng tới phát triển du lịch sinh thái, đáp ứng đúng yêu cầu về tiêu chí xanh, môi trường sạch, anh Nguyễn Tiến Dũng, ở thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) phát triển trang trại hoa lan với hệ thống chăm sóc hoa lan khép kín. Các công đoạn như tưới nước, nhân giống, tạo thế hoa đều được thực hiện trong nhà màng với tiêu chuẩn cao, bảo đảm môi trường. Trồng hoa sẽ yêu cầu sử dụng các chế phẩm sinh học, nhưng sử dụng chế phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường là yêu cầu trang trại hướng tới. Ngoài hoa lan, trang trại còn phát triển mô hình trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch.
Điển hình trong sản xuất xanh, sản phẩm hữu cơ phải kể đến mô hình sản xuất lúa, rau an toàn của Hợp tác xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ). Từ dự án Pamci do Trường Đại học Tokyo Nhật Bản hỗ trợ cho nhóm nông dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú, đến năm 2023, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) đã triển khai sản xuất hữu cơ trên diện tích 65ha/vụ. Quá trình canh tác không có sự tham gia của chất hóa học hay bất kỳ một loại phân hóa học nào ngoài phân chuồng ủ hoai mục. Toàn bộ quá trình sản xuất được ghi chép đầy đủ và được giám sát qua hệ thống camera đồng ruộng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, ngành xác định muốn nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, bắt buộc phải làm nông nghiệp xanh. Theo đó, những năm qua nhiều mô hình sản xuất xanh, hữu cơ đã được hình thành. Đáng lưu ý, số lượng trang trại mới thành lập sau này đều đi theo hướng xanh, sạch, an toàn. Theo thống kê hiện có khoảng 300 hợp tác xã nông nghiệp, trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; 117 hợp tác xã nông nghiệp và 366 trang trại ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…
Còn những khó khăn
Thực tế, sản xuất xanh không còn là xu hướng mà đã trở thành điều kiện bắt buộc trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp xanh trong giai đoạn hiện nay còn nhiều khó khăn khi chính những người sản xuất vẫn chưa hiểu hết về nông nghiệp xanh. Ngoài ra, quy mô sản xuất xanh, thị trường xanh vẫn chưa đáp ứng được sự kết nối, liên thông để hình thành nền kinh tế nông nghiệp xanh.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, các trang trại hiện nay cần gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất. Bên cạnh đó, cần xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất ngay trong các trang trại và giữa các trang trại với trang trại, giữa nhà phấn phối, kênh phân phối.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (chuyên gia kinh tế), trong bối cảnh hiện nay phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ xanh, đặc biệt trong nông nghiệp. Với điều kiện phát triển trong lòng đô thị, thì nông nghiệp xanh là hướng đi bắt buộc để phù hợp với quy hoạch cũng như điều kiện phát triển của Hà Nội.
Hướng tới nền nông nghiệp xanh, Hà Nội định hướng với các mô hình nông nghiệp nói chung và kinh tế trang trại nói riêng phải chuyển đổi phương thức canh tác, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình trồng trọt từ vô cơ sang hữu cơ; xây dựng các mô hình sản xuất tiết kiệm nước, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng đất; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, Hà Nội hướng tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại khẳng định, ngành sẽ cùng với các địa phương rà soát các quy hoạch, hỗ trợ các trang trại thuê đất, chuyển giao khoa học, công nghệ. Ngành cũng kiến nghị với các địa phương cùng đồng hành xây dựng chuyển đổi số trong sản xuất để hỗ trợ các trang trại phát trên nền tảng số để đẩy mạnh tiêu thụ.
Đỗ Minh