Trekking tour khám phá các bản, làng tại huyện Bá Thước được du khách yêu thích.
Khu vực các huyện miền núi phía Tây xứ Thanh có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng, đặc biệt là tại các Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên. Qua khảo sát và đánh giá thực trạng các điểm đến, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã lựa chọn các huyện Bá Thước, Quan Hóa và Thường Xuân để triển khai xây dựng thí điểm 12 tuyến du lịch trekking, từ ngắn ngày, dễ đi, cho đến dài ngày, mạo hiểm. Trong đó, huyện Bá Thước nổi bật với các tuyến du lịch gắn liền với khám phá đỉnh Pù Luông, Hòn Con Sói, các hang động, thác nước và khám phá các bản, làng của đồng bào dân tộc Thái. Đối với các tuyến trekking tại huyện Quan Hóa, không chỉ mang đến cho du khách trải nghiệm trekking mạo hiểm tại đỉnh Pù Hu, mà còn hấp dẫn du khách bởi các điểm dừng chân cắm trại qua đêm. Huyện Thường Xuân, có 5 tuyến du lịch trekking để du khách lựa chọn. Điểm khác biệt của các tuyến trekking tại huyện Thường Xuân đó là gắn trekking mạo hiểm với tìm hiểu về các cây di sản (Pơ mu, Sa mu), các loài động vật quý hiếm và điểm đến văn hóa, lịch sử nổi bật trong hành trình (Di tích lịch sử Hội thề Lũng Nhai).
Chỉ sau một thời gian ngắn công bố, trekking tour các huyện miền núi Thanh Hóa đã được đông đảo đơn vị lữ hành trong nước đưa vào chương trình khai thác, được du khách đón nhận và đánh giá cao. Đặc biệt là các tuyến du lịch gắn với các điểm đến tại các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu và Xuân Liên.
Giám đốc điều hành Spo Travel - Du lịch thể thao (Hà Nội) Vũ Tuấn Phong cho rằng, cảnh quan và các giá trị văn hóa trong các tuyến trekking tại các huyện miền núi Thanh Hóa vô cùng hấp dẫn. Hiện nay chúng tôi cũng đã đưa vào chương trình khai thác và giới thiệu đến du khách một số tuyến trekking. Tuy nhiên, đối với 12 tuyến du lịch đã được công bố nên chọn lọc lại hành trình, tuyến tham quan. Đồng thời phân loại tuyến phù hợp với nhu cầu của khách quốc tế và khách nội địa; phân tuyến du lịch theo mùa để phù hợp với thời tiết, khí hậu. Bên cạnh đó, trong mỗi tour du lịch cần nghiên cứu lựa chọn điểm tập trung để tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm với thác, suối như: teambuilding, đu zipline, chèo sup hoặc bè tre... Qua đó vừa tạo cảm giác thú vị sau một chặng đường dài và để trekking tour có điểm nhấn, không đơn giản chỉ là hoạt động đi bộ khám phá thiên nhiên".
Theo ý kiến của một số thành viên Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội, trekking tour xứ Thanh sẽ trở nên hấp dẫn hơn nếu xây dựng các tuyến du lịch theo chủ đề, gắn liền với dấu ấn văn hóa hoặc trải nghiệm đặc trưng của từng tuyến. Đây cũng là cách để định vị thương hiệu cho loại hình du lịch mới, gắn liền với thông điệp “Hương sắc bốn mùa”. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cần khẩn trương triển khai lắp đặt bản đồ, bảng biển giới thiệu, nội quy và hướng dẫn hành trình trekking tại các điểm, để du khách thuận tiện check-in, tìm hiểu. Đồng thời tăng cường giám sát các hoạt động du lịch để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm tại các khu bảo tồn thiên nhiên. Ngoài ra, việc xây dựng chuẩn mực cho các tour du lịch, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp cũng cần được quan tâm nhằm tạo ra những trải nghiệm chất lượng và an toàn cho du khách.
Du khách trên chặng đường trekking chinh phục các điểm đến trên địa bàn bản Kho Mường, xã Thành Sơn (Bá Thước).
Phát biểu tại buổi lễ công bố các tuyến du lịch trekking tại các huyện miền núi Thanh Hóa (tháng 12/2024), Giám đốc Sở VH,TT&DL Phạm Nguyên Hồng cho biết: Để các tuyến du lịch đi bộ trong rừng tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa trở thành sản phẩm riêng biệt và được đông đảo du khách đón nhận, cùng với việc đầu tư hạ tầng cơ sở, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục nghiên cứu phát triển các tuyến du lịch mới, gia tăng dịch vụ bổ trợ. Cùng với đó, rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp lữ hành trong việc khảo sát, thiết kế các tour, tuyến du lịch trekking, mà ở đó chú trọng tính trải nghiệm, khám phá trên mỗi cung đường, song cần đảm bảo an toàn cho du khách. Sở VH,TT&DL sẽ tạo điều kiện thuận lợi và đồng hành để các doanh nghiệp tham gia đầu tư, khai thác phát triển các tuyến du lịch trekking tại các huyện miền núi đạt hiệu quả cao nhất.
Phát triển tour du lịch trekking tại Thanh Hóa theo hướng chuyên nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu du khách mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương và góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, thiên nhiên độc đáo. Với việc chú trọng làm mới sản phẩm hiện có, trekking tour tại các huyện miền núi Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những loại hình du lịch hấp dẫn trong thời gian tới đối với du khách trong nước và quốc tế.
Bài và ảnh: Lê Anh