Phát triển văn hóa đọc bằng thư viện số miễn phí

Phát triển văn hóa đọc bằng thư viện số miễn phí
10 giờ trướcBài gốc
Phát triển thư viện số miễn phí cho trẻ em Việt Nam: Mở cánh cửa tri thức, thu hẹp khoảng cách số.
Giúp học sinh tiếp cận nguồn học liệu phong phú
Tỉnh Gia Lai là một trong những địa phương triển khai dự án thư viện sách di động. Ông Trần Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ, thời gian qua, ngành Giáo dục Gia Lai triển khai nhiều hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc và xây dựng thư viện trong trường học.
Gia Lai cũng đã triển khai dự án thư viện sách di động nhưng do nguồn tài nguyên vẫn còn nhiều hạn chế nên kết quả đạt chưa như kỳ vọng. “Tuy nhiên, Khi Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc – UNICEF mang Dự án Thư viện số về địa phương, chúng tôi rất vui và mong muốn Dự án sẽ trở thành cầu nối để học sinh của tỉnh có thể tiếp cận với một nguồn học liệu phong phú, dễ tiếp cận và hoàn toàn miễn phí.
Từ đó, mở ra nhiều cơ hội học tập và phát triển cho giáo viên, học sinh, đặc biệt là với những học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh – nơi còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện và môi trường học tập” - ông Trần Thanh Hải bày tỏ.
Gia Lai cũng đã triển khai dự án thư viện sách di động. Ảnh: Internet.
Thông qua Dự án thư viện số miễn phí cho trẻ em Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam mong muốn không chỉ mang đến cho các em một thư viện số có chất lượng và miễn phí, mà còn tạo ra một hệ sinh thái giáo dục toàn diện, nơi các em học sinh có thể đọc, có thể học, cho thể chơi, có thể khám phá thế giới và hình thành những mơ ước đầu đời của mình.
GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, giờ đây không chỉ được tiếp cận với nguồn học liệu có chất lượng, học sinh còn có cơ hội đồng hành cùng thầy, cô giáo trong hành trình xây dựng nội dung học tập, phát triển trí tưởng tượng, mơ ước – một hành trình mang tính đồng sáng tạo, nhân văn.
GS.TS Lê Anh Vinh.
Từ nguồn thư viện số, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã thiết kế một ứng dụng mang tên “Đọc vui – Vui học”. Ứng dụng này chứa hơn 3.000 đầu sách đa dạng về chủ đề, ngôn ngữ, hình thức trình bày, với các tài liệu đã được dịch sang 8 ngôn ngữ dân tộc thiểu số và ngôn ngữ ký hiệu, giúp học sinh ở các vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận dễ dàng.
Thư viện số Toàn cầu tại trang Web digitallibrary.io cung cấp hơn 14.000 đầu sách, dịch sang 140 ngôn ngữ và tích hợp các ứng dụng học tập thông minh như trò chơi tương tác, thực tế ảo, chia theo cấp độ đọc phù hợp với từng lứa tuổi và năng lực mỗi học sinh.
Thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các nhóm trẻ em
GS. TS Lê Anh Vinh trao tặng bộ sách “Những đứa trẻ hạnh phúc” cho Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai.
GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh, một trong những điểm nhấn của Dự án này là, không chỉ khai thác, sử dụng Thư viện số toàn cầu, mà Việt Nam bắt đầu có những đóng góp cho sự phát triển của Thư viện số bằng việc giới thiệu bộ sách “Những đứa trẻ hạnh phúc” do chính đội ngũ chuyên gia của Viện biên soạn.
Mỗi câu chuyện trong bộ sách là lát cắt về cuộc sống của học sinh khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau cùng chia sẻ mong muốn, khát vọng được yêu thương, được học tập và được phát triển.
Bộ sách là một sản phẩm tiêu biểu của dự án và đã được trao Giải Khuyến khích tại Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2023. Tại chương trình tập huấn, ông Lê Anh Vinh cũng đã trao tặng bộ sách này tới Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai.
Bên cạnh đó đã có hai câu chuyện của Thư viện số là “Cánh đồng hoa” và “…” được đưa vào chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 của bộ sách “Cánh Diều” và “Kết nối tri thức”. Điều này khẳng định tính ứng dụng cao và sức lan tỏa mạnh mẽ của nội dung số được bản địa hóa.
Bà Lê Anh Lan.
Bà Lê Anh Lan - chuyên gia giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc – UNICEF nhấn mạnh, việc triển khai thư viện số không chỉ là một bước tiến công nghệ, mà còn là một hành động nhân văn, giúp giảm khoảng cách số và thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các nhóm trẻ em.
Hiện nay, khoảng cách kĩ năng mềm giữa học sinh giàu và nghèo tại Việt Nam vẫn còn khá lớn: kĩ năng đọc viết chênh lệch 13%, kĩ năng tính toán 35%, và chênh lệch học tập giữa học sinh người Kinh và người Mông lên tới 50%.
“Thư viện số chính là công cụ để giải quyết những bất bình đẳng này – từ những kĩ năng nền tảng như: nghe, nói, đọc, viết đến các kiến thức tích hợp đa môn học” - bà Lê Anh Lan trao đổi.
Một lớp tập huấn “Sử dụng và phát triển nội dung của Thư viện số miễn phí cho học sinh Việt Nam” cho hơn giáo viên, nhân viên thư viện và cán bộ quản lý của hai bậc học mầm non và tiểu học tỉnh Gia Lai.
Mới đây, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam và Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình tập huấn “Sử dụng và phát triển nội dung của Thư viện số miễn phí cho học sinh Việt Nam” cho hơn 100 giáo viên, nhân viên thư viện và cán bộ quản lý của hai bậc học mầm non và tiểu học.
Tại đây, các chuyên gia trực tiếp hướng dẫn thầy cô thực hành thiết kế, đưa câu chuyện của Thư viện số lồng ghép vào nội dung kế hoạch bài giảng trong nhiều môn học như: Toán, Khoa học, tiếng Việt, … tạo nên những giờ học linh hoạt, hấp dẫn và thực tiễn hơn giúp học sinh phát triển toàn diện kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Đây là bước đi quan trọng trong việc giúp nâng cao hiệu quả giáo dục.
Minh Phong
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/phat-trien-van-hoa-doc-bang-thu-vien-so-mien-phi-post727787.html