Bệnh nhân C được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sáng 17-12, theo tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, anh C nhập viện với các triệu chứng nghiêm trọng như rối loạn cảm giác và yếu nửa người bên trái.
Trước đó, anh đã có tiền sử đau mỏi vùng cột sống kéo dài 10 tháng, cảm giác tê rát ở nửa cánh tay trái, đặc biệt đau tăng lên khi ho hoặc vận động mạnh.
Trong 4-5 tháng gần đây, tình trạng của bệnh nhân diễn tiến xấu hơn, đau và tê nửa thân trái tăng rõ rệt, yếu cơ tay trái, kèm co thắt cơ vùng thân, giảm cảm giác rõ rệt ở nửa thân mình.
Bệnh nhân được chỉ định chụp cộng hưởng từ, qua đó, phát hiện khối u nằm trong tủy sống. Đây là một trong những bệnh lý nguy hiểm, cần can thiệp sớm để tránh nguy cơ tổn thương tủy không thể hồi phục.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh của bệnh viện, u tủy được phân thành ba dạng chính, gồm: U ngoài màng tủy, u dưới màng tủy (ngoài tủy) và u trong tủy.
Loại u mà anh C mắc phải thuộc nhóm nguy hiểm nhất. Khối u phát triển bên trong nhu mô tủy sống, gây tổn thương trực tiếp cấu trúc tủy.
Để loại bỏ khối u, các bác sĩ phải thực hiện kỹ thuật phức tạp, bổ đôi tủy sống để tiếp cận và cắt bỏ khối u. Phương pháp này đòi hỏi sự chuẩn xác tuyệt đối, vì tủy sống là cơ quan thần kinh trung ương, điều khiển mọi hoạt động vận động, cảm giác và chức năng nội tạng.
Trước khi phẫu thuật, anh C được các bác sĩ tư vấn kỹ càng về nguy cơ cao, bao gồm mất chức năng vận động hoặc cảm giác và liệt hoàn toàn. Mặt khác, việc phẫu thuật cắt u trong tủy của anh C sẽ đôímặt khó khăn vì u nằm trong tủy, u lớn, vị trí khối u gần trung tâm hô hấp, tuần hoàn, nguy cơ liệt, không thở được, tử vong cao.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm và sự hỗ trợ của các thiết bị y khoa hiện đại, PGS.TS Đồng Văn Hệ và kíp bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức đã tiến hành phẫu thuật thành công cho bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, anh C đã có sự cải thiện đáng kể, cảm giác ở nửa thân trái bắt đầu phục hồi; chức năng vận động dần cải thiện, các cơn đau và co thắt cơ giảm rõ rệt.
Hiện tại, anh C đã hồi phục và được xuất viện, được hướng dẫn phục hồi sẽ bao gồm vật lý trị liệu tích cực và theo dõi sát sao để đảm bảo không có biến chứng sau mổ.
PGS.TS Đồng Văn Hệ lưu ý, u trong tủy là bệnh lý hiếm gặp nhưng không phải không thể chữa trị nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhiều người bệnh đến khám nhưng e ngại về rủi ro phẫu thuật nên để bệnh diễn biến nặng theo thời gian, đến khi quay lại khám thì người đã yếu liệt, khó khăn trong can thiệp và điều trị.
Do đó, những người có triệu chứng đau lưng kéo dài, rối loạn cảm giác hoặc giảm vận động cần được thăm khám sớm. Chẩn đoán bằng cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện các khối u trong tủy từ giai đoạn đầu. Điều này không chỉ giúp phẫu thuật dễ dàng hơn mà còn giảm thiểu nguy cơ mất chức năng vĩnh viễn.
Thu Trang