UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định số 1052 (ngày 22.4.2025) về việc phê chuẩn Bộ chữ viết Cơ tu.
Đồng thời, giao Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh lập hồ sơ, thủ tục đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt và chấp thuận việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 32 (ngày 22.11.2021) của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Bộ chữ viết Cơ tu được UBND tỉnh Quảng Nam phê chuẩn
Bộ chữ này được sử dụng để biên soạn, ban hành chương trình và tài liệu bồi dưỡng để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Cơ Tu theo quy định tại Thông tư số 09 (ngày 18.4.2023) của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.
Bộ chữ viết Cơ tu được phê chuẩn có 27 phụ âm đơn,16 tổ hợp phụ âm đầu
Bộ chữ viết Cơ tu được tỉnh Quảng Nam phê chuẩn có các nội dung như: Chữ ghi phụ âm đầu với 27 chữ ghi phụ âm đơn; 16 chữ ghi tổ hợp phụ âm đầu.
Chữ ghi các nguyên âm với 27 nguyên âm; Chữ ghi các phụ âm cuối với 17 âm cuối ( 14 âm đơn và 3 tổ hợp phụ âm). Ngoài ra còn có các nội dung về cách ghi từ trong tiếng Cơ tu;...
Có 27 nguyên âm
Trước đó, Văn Hóa đã thông tin, ngày 19.3, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức “Hội thảo Công bố bộ chữ viết Cơ Tu” với sự tài trợ của Quỹ Frostfondet (Na Uy).
Tại hội thảo nói trên, PGS.TS Nguyễn Hữu Hoành - đại diện cho các chuyên gia, nhà khoa học, tác giả của các bộ chữ Cơ Tu và đại diện người có hiểu biết về ngôn ngữ Cơ Tu tham gia phiên thứ nhất hội thảo đã trình bày “Quy trình thống nhất bộ chữ viết cho người Cơ Tu ở Việt Nam” (Phiên thứ nhất diễn ra từ ngày 18-24.2.2024).
Tiếng Cơ tu có 17 âm cuối, trong đó có 14 âm đơn và 3 tổ hợp phụ âm
Thông tin tại hội thảo cho biết, người Cơ Tu ở Việt Nam có ít nhất 4 hệ thống chữ ghi âm tự dạng La-tinh.
Hệ thống thứ nhất do các cán bộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chế tác, dựa trên mẫu tự La-tinh, khoảng năm 1956. Đây là kết quả lao động của các tác giả Conh Ta Lang (Lê Hồng Mao) và Conh Axơơp (Quách Xân). Năm 1986, UBND tỉnh, Ủy ban Khoa học kỹ thuật và Sở Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức ban nghiên cứu nhằm áp dụng và cải tiến một bước bộ chữ cũ, được sử dụng để biên soạn sách giáo khoa dùng cho lớp một của tác giả Quách Xân, Lê Nam, Zơrâm Tuă và một số tác giả khác.
Hệ thống thứ hai do Viện Ngôn ngữ học Mùa hè xây dựng, được chế tác vào khoảng 1967 - 1969. Chữ này căn cứ vào tiếng địa phương Cơ Tu Êp (Cơ Tu vùng thấp), gặp trong Katu dictionary (Katu-Vietnamese-English - 1991) của N.A. Costell.
Bộ chữ viết Cơ tu kèm theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam
Hệ thống thứ ba vào năm 2003 - 2004, Quảng Nam hợp tác với Viện Ngôn ngữ học Việt Nam tiến hành sửa đối các hệ chữ đã có, trình bày một hệ thống chữ để dùng trong biên soạn từ điển, ngữ pháp và sách học tiếng Cơ Tu.
Riêng hệ thống thứ tư, bộ chữ do ông Bh’riu Liếc - nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang sử dụng năm 2017. Chữ này căn cứ vào tiếng địa phương Cơ Tu Dal (Cơ Tu vùng cao) của bộ phận người Cơ Tu sinh sống ở huyện Tây Giang và một số xã vùng cao huyện Nam Giang, được dùng trong cuốn sách P’rá Cơ Tu (Tiếng Cơ Tu) của tác giả Bh’riu Liếc.
“Hiện nay, chưa có một hệ thống chữ Cơ Tu thống nhất cho người Cơ Tu ở Việt Nam. Do vậy, cần phải có một bộ chữ viết thống nhất để có cơ sở pháp lý đưa vào giảng dạy tại hệ thống các trường phổ thông”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hoành chia sẻ.
Sự chuẩn hóa trong chữ viết Cơ Tu sẽ là cơ sở để sớm đưa chữ viết này vào giảng dạy cho học sinh miền núi- Trong ảnh một lớp học vùng cao Quảng Nam
Thông báo kết luận hội thảo “Công bố bộ chữ viết Cơ tu”, ông Trần Anh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị thống nhất thông qua bộ chữ viết Cơ Tu đã được PGS.TS Nguyễn Hữu Hoành trình bày tại hội thảo.
Theo Phó Chủ tịch Quảng Nam Trần Anh Tuấn, một trong những yếu tố quan trọng nhất cấu thành tộc người, cấu thành văn hóa chính là ngôn ngữ. Việc sử dụng tiếng nói, chữ viết của một số cộng đồng dân tộc thiểu số đang có xu hướng mai một và nguy cơ thất truyền. Thực tế đó đòi hỏi phải có các biện pháp cấp bách và công cụ hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy các ngôn ngữ này.
Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các đặc trưng ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam luôn luôn là đường lối, chính sách ưu tiên hàng đầu được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng.
“Hiện nay, các bộ chữ viết Cơ Tu trên địa bàn của tỉnh Quảng Nam vẫn còn những điểm khác biệt, dẫn đến sự thiếu đồng bộ về mặt chữ viết trong cộng đồng dân tộc Cơ Tu, vì vậy, việc xây dựng một bộ chữ Cơ Tu hoàn chỉnh là rất cần thiết”, Phó Chủ tịch Quảng Nam Trần Anh Tuấn cho biết.
Việc công bố và chuẩn hóa bộ chữ viết Cơ Tu góp phần bảo tồn văn hóa đồng bào Cơ tu- Trong ảnh: Tái hiện nghi thức lễ cưới của đồng bào Cơ tu ở Quảng Nam
Việc công bố và chuẩn hóa bộ chữ viết Cơ Tu không chỉ giúp đồng bào Cơ Tu bảo tồn văn hóa dân tộc mà còn mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ.
Điều này có ý nghĩa quan trọng trong công tác xóa mù chữ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại các vùng miền núi, nơi đồng bào Cơ Tu sinh sống.
Ngoài ra, việc thống nhất chữ viết cũng góp phần vào công tác nghiên cứu, lưu trữ văn hóa, giúp thế hệ trẻ Cơ Tu hiểu rõ hơn về bản sắc dân tộc mình.
THU HOÀI