Phe cực hữu Pháp chỉ trích việc bà Le Pen bị 'trả thù chính trị'

Phe cực hữu Pháp chỉ trích việc bà Le Pen bị 'trả thù chính trị'
3 giờ trướcBài gốc
Lời cáo buộc được đưa ra sau khi các công tố viên yêu cầu áp dụng lệnh cấm giữ chức vụ công kéo dài 5 năm đối với bà nếu bị kết tội lạm dụng quỹ của Liên minh châu Âu (EU).
Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia (RN). Ảnh: REUTERS/Gonzalo Fuentes
Lệnh cấm này nếu được thông qua sẽ là một cú đòn lớn đối với tham vọng tranh cử tổng thống năm 2027 của bà Le Pen. Công tố viên yêu cầu áp dụng biện pháp "thi hành tạm thời" lệnh cấm, một quy định hiếm gặp nhưng nghiêm khắc, khiến lệnh cấm vẫn có hiệu lực ngay cả khi có kháng cáo.
Bà Le Pen và các thành viên của Đảng Mặt trận Quốc gia (RN) phủ nhận các cáo buộc, cho rằng đây là động thái chính trị nhằm ngăn RN tiếp cận quyền lực. “Mục đích là tấn công một đối thủ chính trị. Đây là một đòn tấn công rất bạo lực vào nền dân chủ. Họ đang yêu cầu chấm dứt sự nghiệp chính trị của tôi”, bà Le Pen phát biểu trên kênh TF1 hôm thứ Sáu.
Phản ứng gay gắt của bà Le Pen gợi nhớ đến cách ông Donald Trump thường xuyên chỉ trích hệ thống tư pháp Mỹ, đặc biệt là các vụ kiện mà ông phải đối mặt từ sau nhiệm kỳ đầu tiên. Tương tự, các cuộc tranh cãi giữa tư pháp và chính trị cũng xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới.
Tại Brazil, cựu Tổng thống Jair Bolsonaro bị cấm giữ chức vụ công đến năm 2030 vì bị cáo buộc làm suy yếu niềm tin vào hệ thống bầu cử. Gần đây hơn, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã tức giận khi các thẩm phán chặn kế hoạch đưa người di cư đến Albania.
Tại Pháp, nghị sĩ Jean-Paul Garraud, một cựu thẩm phán gia nhập RN năm 2018, cho rằng Pháp cũng không tránh khỏi tình trạng này. “Hãy nhìn vào những gì đang xảy ra ở Mỹ và Ý. Rõ ràng, Pháp không phải ngoại lệ”.
Ngay cả một số chính trị gia thuộc phe chính thống cũng bày tỏ lo ngại. Cựu Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin của Tổng thống Emmanuel Macron viết trên mạng xã hội X rằng “thật sốc” nếu bà Le Pen không được phép tranh cử năm 2027.
Các công tố viên lập luận rằng lệnh cấm "thi hành tạm thời" nhằm ngăn chặn việc tái phạm và giải quyết những nỗ lực kéo dài thời gian điều tra kéo dài gần một thập kỷ. Tuy nhiên, các thẩm phán có thể từ chối yêu cầu này nếu bà Le Pen bị kết án.
Ông Ludovic Friat, Chủ tịch Hiệp hội Công tố viên và Thẩm phán Pháp, nhận xét rằng yêu cầu này là "khác thường" và có thể bị coi là mang tính chính trị.
Cao Phong (theo Reuters)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/phe-cuc-huu-phap-chi-trich-viec-ba-le-pen-bi-tra-thu-chinh-tri-post321608.html