Hệ thống kết nối cảng biển Sóc Trăng
Theo quy hoạch được phê duyệt, cảng biển Sóc Trăng gồm các khu bến: Kế Sách, Đại Ngãi, Trần Đề và các bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão.
Theo mục tiêu quy hoạch, đến năm 2030, cảng biển Sóc Trăng sẽ thông qua hàng hóa từ 30,7 triệu tấn đến 41,2 triệu tấn (trong đó hàng container từ 0,97 triệu TEU đến 1,36 triệu TEU); hành khách từ 522,1 ngàn lượt khách đến 566,3 ngàn lượt khách. Đến năm 2050, hệ thống cảng biển Sóc Trăng sẽ đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5%/năm đến 6,1%/năm.
Trong đó, Bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề (thuộc khu bến Trần Đề) có từ 2 cầu cảng đến 4 cầu cảng (tổng hợp, container, hàng rời) với tổng chiều dài từ 800m đến 1.600m, tiếp nhận tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 tấn, tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 24,6 triệu tấn đến 32,5 triệu tấn.
Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 1.331ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng). Nhu cầu sử dụng mặt nước đến năm 2030 khoảng 148.486ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải).
Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Sóc Trăng đến năm 2030 khoảng 61.513 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 19.607 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 41.906 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Phối cảnh bến cảng ngoài khơi Trần Đề
Quyết định cũng xác định các dự án ưu tiên đầu tư gồm: Đầu tư xây dựng hạ tầng công cộng bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề (luồng tàu, đê chắn sóng, cầu vượt biển); đầu tư các kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải; đầu tư xây dựng bến công vụ, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành; đầu tư bến cảng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, kêu gọi đầu tư các bến cảng tại khu bến ngoài khơi cửa Trần Đề.
Trao đổi với PV Báo SGGP, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết: Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng là căn cứ pháp lý quan trọng để địa phương tiếp tục triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW (ngày 2-4-2022) của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP (ngày 18-6-2022) của Chính phủ về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025”, với mục tiêu hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.
Theo ông Trần Văn Lâu, hệ thống cảng biển Sóc Trăng, trong đó có Bến cảng ngoài khơi Trần Đề sẽ là cửa ngõ của cả vùng ĐBSCL, phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, giúp giảm chi phí vận tải, logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, cảng biển sẽ là xung lực mạnh mẽ để thu hút nguồn lực đầu tư đối với các ngành nghề, lĩnh vực; tạo ra việc làm cho người dân, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng của vùng.
TUẤN QUANG