Phối cảnh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Với tổng mức đầu tư hơn 109.717 tỷ đồng, dự án này đang bước vào giai đoạn triển khai quan trọng, hướng đến mục tiêu đưa sân bay Long Thành trở thành trung tâm hàng không lớn nhất Việt Nam và khu vực.
Theo quyết định mới, một số thay đổi đáng chú ý đã được thực hiện trong việc lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án thành phần.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ phụ trách lựa chọn nhà đầu tư cho các công trình quan trọng như: hệ thống ống dẫn nhiên liệu cho tàu bay, thành phố cảng hàng không, khu công nghiệp hàng không, trung tâm điều hành hãng hàng không.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư cho khu bảo trì tàu bay (từ hangar số 1 đến số 4), nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, kho giao nhận hàng hóa từ số 5 đến số 8.
Còn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ trực tiếp đầu tư vào kho giao nhận hàng hóa từ số 1 đến số 4, hệ thống điện năng lượng mặt trời, hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với các công trình dịch vụ hàng không.
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 hướng đến mục tiêu xây dựng một cảng hàng không hiện đại với hai đường cất hạ cánh dài 4.000m, rộng 75m, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nhà ga hành khách với công suất 25 triệu lượt khách/năm.
Bên cạnh đó là khả năng vận chuyển hàng hóa đạt 1,2 triệu tấn/năm, cùng với hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo phục vụ các loại máy bay thương mại hiện đại nhất
Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được nâng lên 109.717,499 tỷ đồng (tương đương 4,69 tỷ USD), tăng so với mức 109.111,742 tỷ đồng theo quyết định trước đó.
Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 từ năm 2020 đến 2026, trong đó mục tiêu cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Việc triển khai được chia thành các dự án thành phần, giao quyền cho các cơ quan quản lý: dự án thành phần 1 sẽ do cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm, dự án thành phần 2 sẽ doTổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện, dự án thành phần 3 được ACV thực hiện các công trình thiết yếu như hạ tầng khu bay, đường băng, nhà ga hành khách, kho nhiên liệu, hệ thống cung cấp năng lượng… Còn dự án thành phần 4 giao UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Xây dựng tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
Việc điều chỉnh quy mô đầu tư và phân bổ lại trách nhiệm các đơn vị chủ đầu tư cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án. Cảng hàng không quốc tế Long Thành không chỉ giúp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất mà còn đóng vai trò chiến lược trong việc biến Việt Nam thành trung tâm hàng không khu vực Đông Nam Á.
Với tiến độ được đẩy nhanh và các điều chỉnh hợp lý, sân bay Long Thành đang từng bước tiến gần hơn đến việc trở thành cửa ngõ hàng không hiện đại bậc nhất khu vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam.
Vũ Linh