Nhiều dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư
Thời gian qua, Bắc Giang thu hút nhiều nhà đầu tư thực hiện dự án tại các khu, cụm công nghiệp. Vì thế, tốc độ tăng trưởng sử dụng điện của tỉnh luôn duy trì ở mức cao. Năm 2022 tăng 18,32%; năm 2023 tăng 12,27%. Lưới điện 220kV, 110kV đang vận hành trong trạng thái đầy tải. Hệ thống lưới điện trung áp, hạ áp đã quá tải cục bộ. Theo Công ty Điện lực Bắc Giang, những năm tới, lượng điện tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng nhanh, nhất là ở các khu công nghiệp (KCN), nơi tập trung hàng loạt doanh nghiệp (DN) quy mô lớn.
Trạm điện 110kV Tân Hưng (Lạng Giang) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Để phục vụ phát triển KT-XH, nhiều dự án điện đã được triển khai. Tại KCN Tân Hưng (Lạng Giang), một số nhà đầu tư thứ cấp đang xây dựng nhà xưởng, chuẩn bị đi vào hoạt động. Chủ đầu tư KCN này nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án đường dây và Trạm biến áp (TBA) 110kV Tân Hưng (tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng) để cung cấp điện cho DN. Đến nay đã xây xong nhà điều hành và lắp đặt thiết bị cho máy biến áp T1 công suất 63MVA; hoàn thành lưới điện trung thế. Những ngày này, nhà thầu huy động nhân lực, tập trung thi công, phấn đấu đóng điện trong tháng 12 năm nay.
Tuy nhiên bên cạnh đó, việc triển khai các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là ở khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, thỏa thuận tuyến, bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhằm cấp điện cho DN trong KCN Yên Lư (Yên Dũng), chủ đầu tư hạ tầng đã đầu tư xây dựng TBA 110kV Yên Lư song do hướng tuyến đường dây thuộc địa bàn hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét xin ý kiến lần 2 hồ sơ đã điều chỉnh. Vì vậy, dự án cũng chưa thực hiện được, chủ đầu tư phải xây dựng tạm trạm điện 35kV.
Hiện nay, một số dự án do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) như: Đường dây và TBA 220kV Lạng Giang; đường dây và TBA 220kV Yên Dũng cũng chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Cụ thể, dự án TBA 220kV Lạng Giang và đường dây đấu nối gồm các hạng mục: Xây dựng mới 1 TBA 220/110/22kV với quy mô 2 máy biến áp, công suất 250MVA. Trước mắt lắp đặt 1 máy biến áp 220kV - 250MVA; xây dựng mới tuyến đường dây 220kV đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 220kV Bắc Giang - Thái Nguyên hiện hữu. Dự án được thực hiện tại thị trấn Cao Thượng (Tân Yên), dự kiến khởi công trong quý III/2025, đóng điện quý IV/2026.
Hiện nay đơn vị tư vấn đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án với tổng mức đầu tư hơn 368 tỷ đồng. Dự án này đã được UBND tỉnh Bắc Giang thỏa thuận tuyến ngày 27/2/2019, chủ đầu tư đã phê duyệt các thủ tục để triển khai dự án theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lại nảy sinh vấn đề: Dự án có sự chồng lấn với Quy hoạch chung thị trấn Cao Thượng đến năm 2040 đã được phê duyệt. Sau khi rà soát, ngày 22/1/2024, đơn vị tư vấn đã có biên bản làm việc với UBND huyện Tân Yên thống nhất hướng tuyến điều chỉnh và gửi hồ sơ xin ý kiến ngành chức năng. Ngày 11/3/2024, UBND tỉnh đã chấp thuận thỏa thuận điều chỉnh hướng tuyến dự án song đến tháng 10/2024, dự án vẫn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư do không phù hợp Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án TBA 220kV Yên Dũng và đường dây đấu nối có vị trí đặt trạm tại khu đất Đồng Chằm, xã Tư Mại (Yên Dũng); dự kiến khởi công quý III/2025, đóng điện quý IV/2026. Đến nay dự án cũng chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư do thời điểm đề nghị phê duyệt, vị trí đặt TBA chưa phù hợp với phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong Quy hoạch tỉnh, không bảo đảm theo quy định của Luật Đầu tư.
Hoàn thiện hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ
Có thể thấy, nhiều dự án điện chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư là do vướng quy hoạch. Nguyên nhân là do Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt trước (ngày 17/2/2021); các quy hoạch chuyên ngành, trong đó có Quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ ban hành sau (ngày 15/5/2023). Vì thế dẫn đến một số nội dung trong các quy hoạch nói trên không đồng nhất nên không đủ căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Các dự án hạ tầng lưới điện được xây dựng ngày càng nhiều góp phần phục vụ phát triển KT-XH địa phương. Ảnh: Trạm điện 110 kV Quang Châu 2 cấp điện cho DN trong KCN.
Nhận thấy những bất cập, tỉnh Bắc Giang đã tập trung cao rà soát, cập nhật, bổ sung trình điều chỉnh Quy hoạch tỉnh. Ngày 28/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1279/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch điều chỉnh đã bổ sung, sửa một số điều, mục về phương án phát triển năng lượng và mạng lưới cấp điện; bổ sung các dự án cấp điện thực hiện trong Quy hoạch, Kế hoạch phát triển điện lưới quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tỉnh điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/10/2024 đã bổ sung, sửa một số điều, mục về phương án phát triển năng lượng và mạng lưới cấp điện; bổ sung các dự án cấp điện thực hiện trong Quy hoạch, Kế hoạch phát triển điện lưới quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Sở Công Thương, căn cứ Quy hoạch tỉnh điều chỉnh, trên cơ sở danh mục dự án nguồn và lưới điện đã được phê duyệt, Sở Công Thương phối hợp với các chủ đầu tư làm việc với các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã, TP rà soát quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương, trên cơ sở đó điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với Quy hoạch tỉnh điều chỉnh. Đối với các dự án sau khi đã rà soát được xác định phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư nộp về Sở Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, báo cáo UBND tỉnh xem xét chấp thuận. Được biết, chủ đầu tư các dự án: TBA 220kV Yên Dũng và đấu nối; TBA 220kV Lạng Giang và đường dây đấu nối đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án gửi về Sở để thực hiện các bước tiếp theo.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang xây dựng nhiều KCN như: Phúc Sơn, Việt Hàn mở rộng, KCN Châu Minh - Bắc Lý - Hương Lâm... và tiếp tục tăng trưởng phụ tải điện ở các KCN đã hoạt động. Để bảo đảm cấp điện, đặc biệt là cho các khu, cụm công nghiệp, khách hàng sử dụng điện lớn năm 2025 và các năm tiếp theo, ngành Điện triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống lưới điện truyền tải, lưới điện 110kV và trung, hạ áp, với tổng giá trị đầu tư hàng nghìn tỷ đồng; xây dựng các xuất tuyến 110kV sau TBA 220kV; cải tạo nâng cao khả năng truyền tải lưới điện. Ngành Điện đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện, khẩn trương hoàn thành thủ tục chấp thuận đầu tư, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện; chỉ đạo lập, cắm mốc hướng tuyến đường dây và TBA (từ cấp điện áp 110kV trở lên) dự kiến đầu tư xây dựng đến năm 2030 trên địa bàn.
Liên quan đến việc triển khai các dự án điện, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất giải quyết hoặc tham mưu giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong quá trình cung cấp điện và triển khai đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải, phân phối trên địa bàn tỉnh, báo cáo kết quả trước ngày 10/11 này.
Bài, ảnh: Trường Sơn