Đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh có điểm cuối tuyến tại cầu Thủ Biên, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: tư liệu
Theo kế hoạch này, Hội đồng Thẩm định nhà nước sẽ tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo Chính phủ xem xét và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Nội dung thẩm định sẽ bao gồm 19 nội dung như: đánh giá về hồ sơ dự án; sự phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); đánh giá về cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có)…
Cùng với việc phê duyệt kế hoạch thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Hội đồng Thẩm định nhà nước cũng có quyết đinh về việc thành lập tổ chuyên gia thẩm định liên ngành phục vụ Hội đồng Thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh.
Đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh có chiều dài hơn 159km; điểm đầu tuyến tại lý trình Km40+00 (lý trình đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; điểm cuối tuyến nối với đường trục Bắc - Nam tại khu vực Cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là dự án đầu tư tuyến đường bộ lớn nhất Vùng Đông Nam Bộ từ trước đến nay. Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư PPP, hợp đồng BOT.
Về phương án đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện 1 lần theo quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh. Đối với công tác xây lắp, thực hiện phân kỳ đầu tư, trong đó, giai đoạn 1 đầu tư phần đường bộ cao tốc có tim tuyến đi trùng tim quy hoạch, với quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh.
Đầu tư đường song hành, đường gom 2 bên tuyến đường bộ cao tốc qua khu dân cư, khu đô thị (bố trí không liên tục) với quy mô tối thiểu 2 làn xe (đối với đường song hành) và đường giao thông nông thôn loại A hoặc loại B (đối với đường gom).
Riêng đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Dương dài gần 48km (không thuộc dự án), đã đầu tư 8,12km và đoạn xây dựng mới hơn 39km. Đoạn này, UBND tỉnh Bình Dương đang triển khai đầu tư theo chủ trương đầu tư dự án đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là gần 123 ngàn tỷ đồng và được đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác trước năm 2030.
Phạm Tùng