Phối cảnh Cảng hàng không Gia Bình.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ký Quyết định số 41/QĐ - BGTVT phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Cảng hàng không Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu lập quy hoạch Cảng hàng không Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhằm quy hoạch, bố trí không gian hợp lý để bảo đảm phát triển Cảng hàng không Gia Bình đáp ứng hoạt động phục vụ chuyên cơ, phù hợp với nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách; nghiên cứu đề xuất lộ trình đầu tư phù hợp.
Bộ GTVT yêu cầu đơn vị được giao nhiệm vụ lập quy hoạch phải tuân thủ pháp luật về quy hoạch, pháp luật về hàng không dân dụng; các tiêu chuẩn quốc gia về hàng không dân dụng và các tiêu chuẩn, khuyến cáo của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn khai thác; bảo đảm tính khả thi của quy hoạch.
Các nội dung chủ yếu của nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: khảo sát, điều tra, thu thập các số liệu cần thiết phục vụ công tác lập quy hoạch; dự báo nhu cầu vận chuyển hàng không; quy hoạch vùng trời, đường bay, phương thức bay phục vụ khai thác sân bay; xác định tính chất, vai trò, quy mô cảng hàng không cùng các chỉ tiêu cơ bản về đất đai cho thời kỳ quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật; đánh giá khả năng và các phương án quy hoạch Cảng, bao gồm khu bay và khu mặt đất cũng như các nội dung liên quan khác; nghiên cứu quy hoạch, bố trí các công trình để phù hợp với nhu cầu khai thác trong tương lai…
Quyết định số 41 nêu rõ, cơ quan lập quy hoạch Cảng hàng không Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là Cục Hàng không Việt Nam; nhà tài trợ sản phẩm quy hoạch là Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không. Thời hạn lập quy hoạch là 30 ngày, không bao gồm thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch Cảng theo quy định.
Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam rà soát, thực hiện thủ tục điều chỉnh nhiệm vụ lập quy hoạch trong trường hợp Đề án nghiên cứu hình thành Cảng hàng không Gia Bình được cấp có thẩm quyền phê duyệt có sự khác biệt so với hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch; triển khai đồng thời việc lấy ý kiến, đánh giá hồ sơ quy hoạch và chủ động hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của hồ sơ quy hoạch sau khi tiếp nhận sản phẩm tài trợ.
Cục Hàng không Việt Nam được giao thực hiện thủ tục trình phê duyệt quy hoạch sau khi Cảng hàng không Gia Bình được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình khảo sát, lập hồ sơ quy hoạch, bảo đảm tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản đề nghị người đứng đầu Chính phủ xem xét chấp thuận cập nhật, bổ sung Cảng hàng không Gia Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời giao cho tỉnh này phối hợp với Bộ Công an triển khai các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.
Theo đề xuất, Cảng hàng không Gia Bình có quy mô, cấp sân bay cấp 4E; công suất quy hoạch dự kiến là vận chuyển hành khách từ 1 - 3 triệu hành khách/năm (có dự phòng phát triển mở rộng đáp ứng công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm); vận chuyển hàng hóa từ 250.000 - 1.000.000 triệu tấn hàng hóa/năm (có dự phòng phát triển mở rộng đáp ứng công suất từ 1,5 đến 2 triệu tấn hàng hóa/năm).
UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất quy hoạch bổ sung các công trình khu bay trên cơ sở tận dụng hạ tầng đã được Bộ Công an xây dựng; quy hoạch bổ sung sân đỗ máy bay phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa; quy hoạch nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, khu vực logistics và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Ước tính, tổng mức đầu tư Dự án Cảng hàng không Gia Bình ước khoảng 31.300 tỷ đồng.
Anh Minh