Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm
Tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Trạng Trình
Theo Quyết định, mục tiêu dài hạn của việc quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm và giá trị các di sản văn hóa phi vật thể gắn với cụm di tích, góp phần giáo dục truyền thống hiếu học và hình thành điểm du lịch lịch sử - văn hóa đặc sắc của huyện Vĩnh Bảo và thành phố Hải Phòng.
Mục tiêu ngắn hạn là tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Trạng Trình; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của di tích và các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích...
Quy hoạch điều chỉnh quy mô khu di tích
Quy hoạch nêu rõ, điều chỉnh quy hoạch mở rộng diện tích Khu Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm9,992 ha; các khu vực bảo vệ được xác định cụ thể như sau:
Giữ nguyên diện tích của Khu vực bảo vệ I là 0,317 ha (theo hồ sơ khoa học di tích). Thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nguyên trạng các hạng mục công trình hiện hữu.
Điều chỉnh tăng khoảng 0,842 ha phần diện tích của Khu vực bảo vệ II lên thành 9,675 ha (so với diện tích trong hồ sơ xếp hạng di tích); cụ thể:
Bổ sung phần diện tích 0,495 ha của khu vực đền, chùa Song Mai (nơi thờ bà Minh Nguyệt - Phu nhân Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), nằm tiếp giáp với Khu vực bảo vệ I vào khu vực quy hoạch để hình thành chỉnh thể không gian cảnh quan và kết nối đồng bộ với Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Bổ sung diện tích 1,655 ha của khu vực sản xuất nông nghiệp phía sau mộ phần cụ Nguyễn Văn Định vào khu vực bảo vệ II để hình thành không gian cảnh quan xanh bảo vệ công trình di tích và đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật…
Quán Trung Tân: Quy hoạch điều chỉnh diện tích là 0,258 ha; các khu vực bảo vệ được xác định cụ thể như sau:
Giữ nguyên diện tích của Khu vực bảo vệ I là 0,017 ha (theo hồ sơ khoa học di tích). Thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nguyên trạng các hạng mục công trình hiện hữu.
Điều chỉnh tăng khoảng 0,168 ha phần diện tích của Khu vực bảo vệ II lên thành 0,241 ha (so với diện tích trong hồ sơ xếp hạng di tích); cụ thể: Bổ sung phần diện tích 0,177 ha của khu vực cảnh quan và khuôn viên chùa Tăng Thịnh nằm bên cạnh điểm di tích Quán Trung Tân vào khu vực bảo vệ II để hoàn thiện chinh thể không gian cảnh quan, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật; phát huy giá trị di tích cho cả Quán Trung Tân và Chùa Tăng Thịnh.
Tháp bút Kình Thiên: Quy hoạch điều chỉnh diện tích là 0,471 ha; các khu vực bảo vệ được xác định cụ thể như sau:
Giữ nguyên diện tích Khu vực bảo vệ I là 0,038 ha (theo hồ sơ khoa học di tích). Thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nguyên trạng các hạng mục công trình hiện hữu.
Bổ sung diện tích khu vực khuôn viên cảnh quan xung quanh để tăng phần diện tích Khu vực bảo vệ II lên thành 0,433 ha (bổ sung khoảng 0,368 ha so với diện tích trong hồ sơ xếp hạng di tích).
Bên cạnh đó, quy hoạch điều chỉnh phần diện tích Khu vực phát huy giá trị di tích là 9,089 ha.
Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
Về thị trường khách du lịch: Tập trung thu hút thị trường khách nội tỉnh, đặc biệt từ các trường học các cấp, khách từ thủ đô Hà Nội và khách từ các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Chú trọng khách du lịch lễ hội, tín ngưỡng, tham quan học tập, về nguồn.
Sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch lễ hội, tham quan, tìm hiểu giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật; du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên gắn với những địa danh gắn liền với danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm như Quán Trung Tân, Am Bạch Vân...; du lịch sự kiện văn hóa.
Hình thành các khu dịch vụ bổ trợ cung cấp các sản phẩm lưu niệm là các con giống của loại hình nghệ thuật truyền thống múa rối nước, múa rối cạn, sản phẩm trạm khắc gỗ Bảo Hà, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, như: cá Hội Am, gạo thơm Vĩnh Bảo, bánh dày Dũng Tiên, bánh trôi Liên Am, nem chân giò và chuối nấu Vĩnh Phong, cà ra sông Hóa, thuốc lào Triền Am, các món ăn chế biến từ sản vật rươi Vĩnh Bảo (rươi kho, chả rươi, mắm rươi, xôi rươi...).
Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch bao gồm vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước, trong đó: Thành phố Hải Phòng sẽ cân đối nguồn vốn đảm bảo không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương; sử dụng vốn ngân sách địa phương (ngân sách thành phố, huyện, xã); các nguồn vốn khác…
Quyết định cũng nêu rõ các giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: Giải pháp quản lý quy hoạch; giải pháp về đầu tư; giải pháp phát triển nguồn nhân lực quản lý và bảo vệ di tích; giải pháp về bộ máy quản lý và cơ chế, chính sách; giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng; giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ...
UBND thành phố Hải Phòng công bố công khai Quy hoạch
Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng công bố công khai Quy hoạch; tiến hành rà soát, cắm mốc ranh giới khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích theo mốc giới xác định trong quy hoạch. Cập nhật ranh giới diện tích Quy hoạch vào Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và Quy hoạch thành phố Hải Phòng, Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng và Kế hoạch sử dụng đất của thành phố Hải Phòng phù hợp với từng thời kỳ.
Chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương; tổ chức tuyên truyền, vận động và huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện Quy hoạch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn đối với các dự án thành phần liên quan đến bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các dự án thành phần thuộc di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc nội dung quy hoạch được duyệt.
Theo dõi, giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện quy hoạch, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng nội dung và đúng kế hoạch được phê duyệt; tuân thủ theo trình tự, quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật liên quan.
Lan Phương