Bế trên tay cặp song sinh 1 trai, 1 gái đến tham gia chương trình “Hạt mầm khát vọng” do Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội và Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội tổ chức, chúng tôi thấy nụ cười ánh lên niềm hạnh phúc của Thiếu tá Vàng A Chua (công tác tại Đồn Biên phòng Mường Mươn, tỉnh Điện Biên) và chị Lý Thị Xía sau 11 năm hiếm muộn.
Vợ chồng Thiếu tá Chua kết hôn từ năm 2012 nhưng mãi không có tin vui. Do đặc thù công việc thường xuyên phải công tác xa, hai vợ chồng ít có thời gian gần gũi, sau 5 năm kết hôn, tin con vẫn bặt vô âm tín.
Là con trai trưởng trong gia đình, anh Chua và chị Xía không chỉ phải chịu áp lực từ người thân mà còn phải đối mặt với định kiến xã hội lên người phụ nữ, nơi mà niềm tin rằng việc không có con là do người phụ nữ.
Vợ chồng Thiếu tá Vàng A Chua hạnh phúc bên 2 con sau 11 năm hiếm muộn.
Từng ấy năm, anh chị sợ những dịp lễ tết, tụ tập quây quần bên gia đình vì không biết trả lời với người thân, bạn bè ra sao. Cứ 2 năm, vợ chồng Thiếu tá Chua lại tiết kiệm được một khoản tiền, nếu không đủ thì vay mượn thêm bạn bè để xuống Hà Nội khám và tìm đến sự can thiệp của khoa học.
Thế nhưng dù đã điều trị nhiều nơi từ năm 2015 đến 2019, trải qua 2 lần IUI (thụ tinh nhân tạo) và 2 lần IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), nhưng may mắn đều chưa mỉm cười với anh chị.
Không có tiền làm IVF tiếp, ngỡ rằng cánh cửa tìm con đã đóng chặt, nhưng anh Chua và chị Xía may mắn nhận được gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF chương trình “Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa" của Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội.
Ở lần can thiệp thứ 5 này, sau khi chuyển phôi, chị Xía không tin nổi sự thật khi lần đầu tiên nghe tin mình có thai sau 11 năm.
“Trước đây, mình đã rất hy vọng, nhưng hy vọng càng nhiều, thất vọng lại càng lớn. Với lần thứ 5 này, hai vợ chồng mình rất thoải mái, không dám kỳ vọng nhiều nữa thì lại nhận được tin đón song thai, cảm ơn các bác sĩ đã cho vợ chồng mình được làm bố, làm mẹ”, Thiếu tá Vàng A Chua giãi bày.
Sau 9 tháng mang thai, cặp song sinh một trai, một gái kháu khỉnh chào đời. Lần đầu tiên đón hai con vào lòng, người cha đã khóc vì hạnh phúc. Họ đã được làm cha, làm mẹ sau 11 năm dài tìm kiếm.
Vợ chồng Đại úy Ngô Văn Cường đón trái ngọt là bé gái sau 10 năm hiếm muộn.
Tại chương trình Hạt mầm khát vọng, có rất nhiều quân nhân hiếm muộn công tác ở hải đảo hay vùng biên giới xa xôi đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.
Vợ chồng Đại úy Hoàng Văn Phong (SN 1994, công tác tại Sư đoàn 3, Quân khu 1, đóng quân tại Lạng Sơn) và cô giáo mầm non Phùng Thị Hằng (SN 1996) đón cặp song sinh là 2 bé trai đầy kỳ diệu.
Lấy nhau 5 năm vẫn chưa có con, mỗi lần bên nhà nội đánh tiếng “để thằng Phong đi lấy vợ khác”, Đại úy Phong lại càng thương vợ hơn. Đi khám Phong mới biết mình tinh trùng yếu vì tiền sử quai bị lúc nhỏ, còn vợ bị polyp buồng tử cung. Bác sĩ tư vấn, muốn có con cần can thiệp hỗ trợ sinh sản.
May mắn thay, vợ chồng Đại úy Phong là 1 trong 10 cặp vợ chồng được nhận gói hỗ trợ IVF miễn phí từ chương trình “Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa” năm 2023. May mắn hơn, ở lần chuyển phôi vợ chồng họ đã “trúng số”. Ban đầu bác sĩ chọn đặt 1 phôi, thật kỳ diệu, khi vào làm tổ, 1 phôi tách ra làm 2.
Nhận tin có song thai, vợ chồng chàng Đại úy vừa mừng, vừa lo. Thế rồi, vượt qua khó khăn, hạnh phúc đã đến khi hai bé trai song sinh chào đời Hoàng Minh Đức và Hoàng Minh Lộc vào ngày 11/10 vừa qua. “Em đặt tên cho bé thứ hai là Lộc, cũng bởi vì điều kỳ diệu trên”, Phong chia sẻ.
Ba năm qua, chương trình “Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa” đã miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm cho 30 cặp vợ chồng quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, đóng quân ở nơi biên giới, hải đảo xa xôi, đón được 29 em bé chào đời khỏe mạnh.
Trần Hằng