Ảnh minh họa
Câu chuyện nan giải cho những chủ kinh doanh quán cafe
Câu chuyện khách đến quán cafe gọi chỉ 1 đồ uống nhưng cắm sạc pin laptop, cắm sạc điện thoại, ngồi cả ngày trong điều hòa làm việc khiến quán tốn quá nhiều chi phí là câu chuyện gây tranh luận rất nhiều trong nhóm những chủ quán kinh doanh cafe.
Bạn Nguyễn Trinh chia sẻ: "Mình mở quán cafe, có 1 bạn đến rất sớm, dành vị trí đẹp ngồi từ 7h sáng đến 19h tối. Khách này vào là mở laptop cắm sạc, mở điện thoại cắm sạc, cắm liên tục luôn. Mình bán ly cafe chỉ 20 nghìn đồng thôi mà bạn ngồi 12 tiếng vừa chơi game vừa sạc, mình muốn nói lắm mà ngại quá"
Nữ chủ quán Vân Thu chia sẻ: "Khách đến gọi ly cafe đen 22 nghìn đồng xong ngồi từ 10h sáng tới 5h chiều, cắm laptop nguyên cả ngày. Có những bạn ngồi quá lâu thì chia sẻ với quán bằng cách gọi thêm 1 đồ uống, nhưng có những khách nhất quyết không gọi thêm". Những khách hàng kiểu này vẫn được gọi là "ác mộng" cho chủ quán kinh doanh cafe.
Tình trạng khách gọi 1 đồ uống rồi ngồi làm việc cả ngày là bài toán nan giải với chủ kinh doanh cafe
Những quán dành cho đối tượng trẻ thường hay gặp cảnh này, và đôi khi việc khách sử dụng không gian quán quá lâu, quá tốn chi phí đã trở thành nguyên nhân khiến chủ quán phá sản. Nữ chủ quán Đỗ Dung cho biết: "Ngày trước mình có 1 quán ngay cạnh 1 trường đại học. Khách đi 10 người nhưng chỉ gọi 5 đồ uống, còn lại cứ xin trà đá liên tục, ngồi từ sáng đến chiều. 10 khách mang nguyên 10 cái laptop, 10 cái điện thoại rồi cắm sạc, có bạn còn đem theo cả pin dự phòng rồi cắm sạc tại quán. Chưa hết, mùa nóng thì có bạn nữ sinh viên còn đem theo cả quạt cầm tay sạc sau đó mang vào lớp dùng. Quá tốn kém cho các loại chi phí đầu tư mở quán, thuê mặt bằng, tiền điện, các loại chi phí đi kèm khác, càng kinh doanh mình càng lỗ, đuối quá phải sang nhượng lại quán, đến giờ vẫn sợ mở quán cafe".
Chủ để khách ngồi lâu gây ra nhiều tranh luận, nhiều người cho rằng có những khách mua đồ uống mang đi thì bù lại cho những khách hàng ngồi lâu. Nhiều người cho rằng chủ quán không thể cấm được khách ngồi quá lâu, không thể cấm khách cắm sạc, không thể đuổi khách. Một thương hiệu kinh doanh đồ uống với 1 hệ thống lớn tiến hành cắt bỏ hệ thống ổ điện bên trong không gian quán, sau đó diễn ra vụ việc "yêu cầu khách chỉ được ngồi không quá 1 tiếng", và những điều này lại tiếp tục gây tranh luận.
Rất nhiều vấn đề nảy sinh khi kinh doanh quán cafe: khách ôm laptop ngồi quá lâu, khách mang vật nuôi vào quán, mâu thuẫn giữa khách thích yên tĩnh và khách gây ồn ào
Khang Nguyễn - một bản trẻ nhiều kinh nghiệm chia sẻ ý kiến: "Mình thấy rất nhiều anh chưa hình dung hết các mặt của ngành dịch vụ ăn uống đã mở quán, đó cũng là lí do ngành này cạnh tranh khốc liệt, không phải ai cũng thành công. Việc khách chỉ gọi 1 đồ uống rồi ngồi quá lâu chỉ là một tình huống rất bình thường mà lần nào đưa lên cũng gây tranh cãi. Mọi người muốn mở quán nên chậm lại, nghiên cứu sâu hơn, lường trước rủi ro phát sinh mới làm được đường dài".
Tâm sự của các khách hàng trẻ hé lộ một sự thật khác
Đã có những việc khách hàng đến quán cafe làm việc rồi lại ý kiến với những khách hàng khách vì làm ồn, và điều này lại gây tranh cãi. Không gian quán cafe theo mô hình cơ bản vốn không phải không gian để làm việc, không gian riêng tư cần sự yên tĩnh.
Đáp ứng nhu cầu khách hàng, một số mô hình quán cafe kiểu quán cafe để làm việc, mô hình work space - cho thuê không gian làm việc đã ra đời. Một số quán còn bố trí cả phòng họp cho những nhóm khách có nhu cầu làm việc. Tuy nhiên, qua khảo sát, những quán kiểu mô hình làm việc lại không mấy đông khách, mà nhiều khách hàng trẻ vẫn giữ thói quen và sở thích làm việc tại quán cafe thông thường.
Nhiều không gian dành riêng cho làm việc được mở ra, có cả phòng họp riêng, nhưng chưa thu hút được giới trẻ
Một số chủ quán cafe chia sẻ dù việc "gọi 1 đồ uống rồi ngồi quá lâu" gây tranh cãi, nhưng từ đầu năm cho tới nay lại càng đông lên, không hề giảm đi. Thu Hương - chủ một quán cafe cho biết: "Quán mình không gian hẹp, không có nhiều bàn, mình đã phải bỏ khoảng 300 triệu đồng ra để set up quán, chi phí thuê nhà hiện tại là 25 triệu đồng/tháng, toàn bộ chi phí vận hành, thuê nhân viên vào nữa là khoảng 40 triệu đồng. Tháng mùa hè, chạy 2 điều hòa cỡ lớn từ sáng tới lúc đóng quán, tiền điện rơi vào khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng cứ vài khách vào ngồi, chiếm hết bàn, làm việc đến cả vài tiếng đồng hồ, khách khác vào không có bàn ngồi, họ lại bỏ đi, quán mất doanh thu. Vài tháng gần đây, số lượng những khách ngồi lâu còn có xu hướng tăng lên. Có bạn thì đến quán rồi có cả học sinh đến, và bạn ấy dạy học thêm ngay tại quán. Có một chị trước đây là nhà báo, giờ mất việc, chị ấy tạm thời trở thành freelance, mấy tháng nay rồi mà chưa tìm được việc mới".
Mai Huyền - một bạn trẻ làm trong lĩnh vực marketing cho biết: "Em biết việc này chứ, có lúc ngồi lâu quá, em ngại và cũng gọi thêm đồ uống, nhưng cũng có lúc không để tiết kiệm chi phí. Em thất nghiệp mấy tháng nay rồi, đã rải CV, đã đi phỏng vấn nhiều nơi nhưng chưa được nhận. Thú thực, nếu có công việc full time ở một nơi nào đó, có văn phòng để làm việc, thì đã không phải ra quán cafe ngồi đâu, không có chỗ làm nên mới phải vậy. Trên thực tế, nhiều bạn làm những công việc thời vụ, công việc online với thu nhập ít ỏi, và có những bạn ôm laptop chỉ để đọc báo, lướt mạng và tiếp tục cố gắng tìm việc để làm".
Nhiều người trẻ không tìm được việc làm, không có công ty và văn phòng để làm việc, nên đã chọn cách ra quán cafe ngồi
"Có một công việc ổn định, được trả lương đều đặn, có văn phòng làm việc, có chế độ bảo hiểm, có đồng nghiệp vẫn tốt hơn chứ. Thời gian đầu thất nghiệp, em làm việc tại nhà, nhưng ở nhà thì mình lại không tập trung được, hay sa đà vào những việc khác. Ở nhà nhiều, tâm lý cũng bất ổn, bố mẹ lại hỏi ở nhà nhiều vậy, không đi làm à, con chưa tìm được việc à. Thế là em ra quán cafe làm việc, em nói dối bố mẹ là đã tìm được việc rồi. Em tìm được vài quán có thể ngồi, rồi thay đổi qua các quán này chứ cũng không thể ngồi cả buổi cả ngày, hết ngày này sang ngày khác ở 1 quán cafe. Thực sự là thời gian này rất khó kiếm việc làm với các bạn trẻ, ở đâu cũng thấy cắt giảm nhân sự. Các không gian làm việc work space cho thuê theo tháng, hoặc giá đồ uống cao hơn, và bọn em không đủ chi phí do đang thất nghiệp", bạn trẻ Trung Hiếu chia sẻ
Theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê, quý I năm 2025, khoảng 1,35 triệu thanh niên trong độ tuổi 15-24 không có việc làm, không học tập hay tham gia đào tạo. 6 tháng đầu năm 2025, có 798.100 người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm. Theo báo cáo của 1 đơn vị nghiên cứu về thị trường lao động, số lượng những hồ sơ xin việc làm của nhóm đối tượng trung niên từ 35 đến 42 tuổi đã tăng trong thời gian gần đây. Một số lượng lớn nhân sự từ các ngành báo chí truyền thông, ngân hàng, nhân viên văn phòng đã thất nghiệp, bị cắt giảm việc làm trong thời gian qua.
Theo các nghiên cứu khảo sát quốc tế, nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở châu Á đang gặp tình trạng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ngày càng tăng, và những người bước vào độ tuổi trung niên cũng quá khó để tìm việc làm. Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Bangladesh đều đang xảy ra tình trạng này.
Một số chủ quán cafe sau khi biết câu chuyện thất nghiệp từ những khách hàng trẻ "ngồi lì, quen mặt" đã thông cảm hơn. Chủ quán kinh doanh khó khăn, còn khách hàng thì thất nghiệp ôm laptop ra quán cafe ngồi, cả đôi bên đều cùng khó khăn, và không còn cách nào khác là cùng chia sẻ với nhau, cùng nỗ lực vượt khó.
Phong Trần