Lịch sử phát triển của các quốc gia luôn gắn liền với những tấm bản đồ. Khi Việt Nam trải qua thời khắc "sắp xếp lại giang sơn", mở ra chương mới cho non sông chuyển mình, khoa học bản đồ đã cùng bước nhịp phát triển đó.
Ngày 1/7/2025, bạn đọc cả nước đã có thể cầm trên tay xuất bản phẩm bản đồ thể hiện đầy đủ, chính xác 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập. Tấm bản đồ đó là kết tinh tâm huyết, nỗ lực của đội ngũ kỹ sư, biên tập viên bản đồ tại Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ (NXB) trong gần 6 tháng.
Chỉ trong 6 tháng, NXB cập nhật hàng nghìn dữ liệu, chuẩn bị nền tảng cơ sở dữ liệu GIS phát triển bản đồ số, các ứng dụng bản đồ kết hợp AR... Ít người biết rằng đơn vị xuất bản này vừa trải qua một cuộc “khủng hoảng”, rồi “trong cái khó, ló cái khôn”.
Trong những ngày này, máy in bản đồ tại xưởng in của NXB Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ luôn hoạt động hết công suất. Ảnh: NXB Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ.
Khoanh vùng dữ liệu, chuẩn bị phương án
Không chờ tới ngày 12/6 - khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh - mới bắt đầu xử lý dữ liệu, NXB Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam đã phải chủ động lên kế hoạch sản xuất bản đồ ngay từ đầu năm 2025, khi mới có những thảo luận ban đầu về việc sáp nhập. Nguồn tư liệu, tài liệu lớn, thông tin thu thập nhiều, gồm các văn bản chính thống từ Quốc hội, Bộ Nội vụ, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ thông tin báo chí, mạng xã hội, từ thăm dò ý kiến người dân đến các thảo luận…
Thu thập thông tin tới đâu, ban biên tập bản đồ của Nhà xuất bản chắt lọc thông tin, xử lý trên nền bản đồ những thay đổi tới đó. Tất nhiên, thông tin này chưa được thông qua nên chỉ được coi là các phương án sáp nhập. Toàn bộ phương án được chuyển từ thông tin văn bản sang thông tin hình ảnh bản đồ, lưu trữ trong hệ thống dữ liệu, chờ quyết định cuối cùng từ Quốc hội.
Các phương án biên tập được các nhà bản đồ học thực hiện khoanh vùng trên bản đồ giấy, rồi mới chuyển lên bản đồ số. Khung cảnh này có lẽ không khác nào một bàn tròn chiến lược, nơi thảo luận “phương án tác chiến”, chỉ khác rằng những người tham gia là biên tập viên, kỹ sư bản đồ. Các mảng thông tin lần lượt được ghép nối, từng mảng, từng mảng, dần dần tạo thành bản đồ hành chính mới.
Bà Đào Thị Hậu - Trưởng phòng Quản lý xuất bản NXB - cho biết việc chủ động các phương án thành lập bản đồ giúp việc xuất bản bản đồ đảm bảo chất lượng. Ảnh: NXB Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ.
“Sau khi Chủ tịch quốc hội ký ban hành Nghị quyết, Ban biên tập ngay lập tức kiểm tra đối chiếu lại xem các thông tin đã thu thập xử lý có cần thay đổi gì với Nghị quyết không. Việc chủ động các phương án thành lập bản đồ trước đó giúp việc xuất bản bản đồ đảm bảo chất lượng, quan trọng hơn là nhanh chóng kịp thời điểm bạn đọc cả nước mong chờ”, bà Đào Thị Hậu - Trưởng phòng Quản lý xuất bản NXB - chia sẻ.
Khi Quốc hội thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh vào ngày 12/6, chỉ vài ngày sau, NXB đã ra mắt được công chúng bản đồ mới - Bản đồ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tỷ lệ 1: 2.300.000, kích cỡ A0 với số lượng in 15.000 bản. Trong thời gian ngắn, bản đồ được phát hành đã tiêu thụ hết 2/3. Con số này đủ để thấy “cơn sốt” bản đồ của người dân và các cấp quản lý. Bên cạnh bản đồ in, NXB đã cung cấp miễn phí cho người dân file bản đồ điện tử.
Để đạt được thành công như vậy, đội ngũ nhà xuất bản đã liên tục làm thêm giờ để kịp tiến độ. Càng giai đoạn sau, dữ liệu càng nhiều, thời gian càng gấp, tần suất làm ngoài giờ càng tăng. Tuy nhiên, bà Đào Thị Hậu chia sẻ, đơn vị cũng như nhiều đơn vị khác, đều cố gắng “hết mình vì công việc”.
Cũng theo bà Đào Thị Hậu, bản đồ của Nhà xuất bản Tài Nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam có uy tín cao, chi tiết, tin cậy hơn so với một số bản đồ trôi nổi trên mạng, nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu xây dựng bởi đội ngũ có chuyên môn sâu về bản đồ. Đây cũng là nhà xuất bản duy nhất có chức năng xuất bản bản đồ.
Không để thời gian chết
Ngay từ ngày 27/3, Bộ Nội vụ có văn bản về việc dừng toàn bộ các dự án liên quan tới địa giới hành chính, chờ sau sáp nhập mới tiếp tục triển khai. Toàn bộ dự án trước đó của NXB Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam vào thế “đóng băng”. NXB rơi vào tình trạng chới với, có thể coi là giai đoạn khủng hoảng về nguồn việc.
Thế nhưng, cán bộ nhân viên Nhà xuất bản luôn tư duy tích cực. Bà Đào Thị Hậu cho biết: “Trong khó khăn, ta sẽ tìm được giải pháp mới. Lúc này, chúng tôi biết rằng các khối việc liên quan đến địa giới hành chính cũ dừng lại, khi địa giới hành chính mới được xác lập, chắc chắn sẽ tiếp tục cần bản đồ. Nhà xuất bản thay vì ngồi chờ thì chuyển sang thế chủ động chuẩn bị. Chuẩn bị làm sao để rút ngắn thời gian ra sản phẩm”.
Trong thời gian “đóng băng”, Nhà xuất bản vừa chuẩn bị cho bản đồ địa giới hành chính mới, vừa tranh thủ đẩy mạnh chuyển đổi số. Nhân viên được đào tạo về phần mềm mới, về ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Bà Phạm Lan Hương - Giám đốc Trung tâm Phát hành của Nhà xuất bản - nhận định đây là giai đoạn “một là tiến, hai là biến”. “Lúc đấy anh không chuyển đổi thì kiểu gì anh cũng chết. Lúc đấy chỉ có tiến thôi. Nhờ vậy, trong thời gian tới, những sản phẩm số của nhà xuất bản cũng sẽ được đẩy lên mạnh mẽ”, bà Hương khẳng định.
Bà Phạm Lan Hương đang ghi chú các thay đổi trên bản đồ. Ảnh: Thúy Hạnh.
Dự kiến, nhà xuất bản ra mắt ứng dụng bản đồ giúp bổ sung dữ liệu cho bản đồ giấy. Người dùng có thể tương tác trên bản đồ để thấy thông tin bổ sung hiện ngay trên điện thoại mình. Đây là bước đầu cho chiến lược ứng dụng công nghệ AR, AI, xây dựng bản đồ số chuyên đề, tích hợp các thông tin du lịch - kinh tế phục vụ người dân, cho phép cá nhân hóa trải nghiệm bản đồ.
Bản đồ là tiếng nói của dữ liệu
Nhờ có hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết, nhiều lớp thông tin, NXB Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam là đơn vị được nhiều cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương, đơn vị chuyên môn tín nhiệm đặt hàng. Số lượng đặt hàng này ngày càng lớn sau khi các tỉnh, thành sáp nhập.
Các bản đồ được đặt hàng không chỉ gồm dữ liệu địa giới hành chính, mà có thể bao gồm dữ liệu liên quan tới giáo dục, y tế, cây xanh, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh dân sự… phụ thuộc vào đơn vị đặt hàng.
“Phải hiểu địa bàn thì mới quản lý được, mới tham mưu được, mà cách dễ nhất để hiểu là phải hình dung trên bản đồ”, bà Hương nhận định. Bản đồ là tiếng nói của dữ liệu, mà dữ liệu là điều cốt yếu cho mọi quyết định quản lý, chiến lược.
Dữ liệu bản đồ không chỉ có khả năng phản ánh những gì đã xảy ra, đang xảy ra, mà còn dự báo sự kiện sắp xảy ra. Đặc biệt khi mọi dữ liệu trong thế giới thực được số hóa, khả năng dự báo của bản đồ càng lớn. Dữ liệu số còn có thể giúp nhà quản lý dễ dàng tìm nguyên nhân vấn đề. Bởi vậy, phát triển dữ liệu bản đồ số có ý nghĩa sống còn với sự phát triển của quốc gia.
Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ có một không khí làm việc không ngơi nghỉ, nhịp điệu khẩn trương của Nhà xuất bản hòa chung với nhịp vận động của đất nước.
Thúy Hạnh